Như vậy, có thể biết trước điểm chuẩn ngành sư phạm năm 2024 sẽ rất cao, trong đó sư phạm toán, sư phạm sử sẽ tiếp tục dẫn đầu. Năm ngoái, một số ngành đào tạo giáo viên (GV) thuộc các trường như ĐH Sư phạm Hà Nội 2, ĐH Sư phạm Vinh (Nghệ An), ĐH Sư phạm Thái Nguyên, ĐH Sư phạm TP HCM… điểm đầu vào đã trên 28 (thang điểm 30), tức thí sinh phải đạt hơn 9 điểm mỗi môn thi tốt nghiệp (3 môn tổ hợp) thì mới có cơ hội trúng tuyển.
Lý giải nguyên nhân, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), chính sách hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP là chất xúc tác thu hút thí sinh theo học ngành sư phạm. Theo đó, sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo GV nơi theo học; sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng làm sinh hoạt phí trong thời gian học tập tại trường. Ý nghĩa, mục đích của Nghị định 116 là giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho sinh viên sư phạm, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của ngành giáo dục.
Xem ra, câu cửa miệng "Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm" không còn đúng với thực tế nữa!?
Sự tăng vọt của lượng thí sinh đăng ký NV xét tuyển vào sư phạm là tín hiệu vui, đưa ngành này trở lại vị thế quan trọng từng thiết lập trước đây, cũng qua đó cho thấy đã tiệm cận mục tiêu thu hút nguồn nhân lực cho ngành đào tạo GV đáp ứng yêu cầu phát triển mới.
Đầu vào tươi sáng như vậy, còn đầu ra thì sao?
Đầu ra của cử nhân sư phạm mới là vấn đề nhức nhối. Những con số sau đây thay lời muốn nói: Cả nước đang thiếu hơn 113.490 GV các cấp học mầm non và phổ thông; trong khi đó, toàn quốc đang còn hơn 64.000 biên chế GV chưa được tuyển dụng.
Theo Thanh tra Bộ GD-ĐT, sau thanh - kiểm tra việc thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới ở các địa phương, vấn đề chung nhất mà địa phương nào cũng gặp phải là tình trạng thiếu rất nhiều GV nhưng lại thừa chỉ tiêu biên chế chưa tuyển dụng. Cử nhân sư phạm ra trường kiếm việc làm đúng ngành rất khó khăn nên thất nghiệp, làm trái ngành tràn lan; còn dạy hợp đồng thì không biết khi nào mới có suất chính thức nên chán nản, bỏ nghề.
Trước đây than thở thiếu biên chế thì có phần đúng, nhưng từ năm 2022, Bộ Chính trị đã quyết định giao bổ sung 65.980 biên chế GV cho giai đoạn 2022-2026 rồi. Thế mà tình trạng thiếu GV vẫn trầm trọng, tại sao vậy? Tiêu cực trong thi tuyển viên chức giáo dục; thụ động, chậm trễ trong xây dựng phương án tuyển dụng; cắt giảm cơ học biên chế giáo dục; thiếu chính sách đãi ngộ xứng đáng cho GV, nhân viên giáo dục vùng cao, vùng sâu, vùng xa… là những nguyên nhân, phải nhìn thẳng vào sự thật như vậy.
Nguồn tuyển không thiếu, thậm chí tăng; chỉ tiêu biên chế đã được trung ương giao, mà vẫn không tuyển được, thì trách nhiệm thuộc về chính ngành giáo dục và lãnh đạo các địa phương ấy, đừng đổ cho ai khác!
Bình luận (0)