Mua - bán là hợp đồng kinh tế, mỗi bên có quyền đưa ra yêu cầu của mình. Thế nhưng, đặt trong điều kiện thực tiễn tại Việt Nam, trong khi điện là mặt hàng cực kỳ thiết yếu thì nó sẽ tác động sâu rộng cả nền kinh tế.
Trong báo cáo giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 10-2023 về phát triển năng lượng 2016-2021, cơ quan này nêu: Nhiều tồn tại trong phát triển năng lượng khiến mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia đối mặt nhiều thách thức. Nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu dẫn đến phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn. Tài nguyên năng lượng sơ cấp Việt Nam ngày càng cạn kiệt khi thủy điện cơ bản đã khai thác hết; sản lượng dầu và khí ở một số mỏ lớn suy giảm nhanh. Nguy cơ thiếu điện còn có thể kéo dài trong ngắn - trung và dài hạn tới 2050.
Thiếu điện đã diễn ra nhiều năm. Thiếu điện mà không muốn mua điện từ nguồn sản xuất sạch trong nước thì càng khó hiểu.
Lý giải của Bộ Công Thương là mua điện giá 0 đồng để ngăn trục lợi chính sách trong bối cảnh điện mặt trời áp mái tăng đột biến sau các chính sách khuyến khích phát triển. Nhưng liệu đề xuất trên có ngăn được trục lợi chính sách (nếu có). Mà nếu xác định có trục lợi chính sách thì sao không đề xuất các cơ quan chức năng vào cuộc, ngăn chặn, thậm chí là xử lý (!?).
Chúng ta có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển các nguồn điện sạch: Hệ thống sông ngòi chằng chịt để làm thủy điện; tỉ lệ ngày nắng trong năm cao để phát triển điện mặt trời; có thềm lục địa rộng lớn để phát triển điện gió... Điện mặt trời và điện gió luôn hấp dẫn các quốc gia phát triển, bởi giá thành rẻ, ít tác động môi trường và khó bị chi phối bởi các quốc gia lân cận. Trong một cuộc hội thảo quốc tế vào cuối năm 2022 diễn ra tại Việt Nam, các nhà khoa học về năng lượng của quốc tế chỉ ra rằng sản xuất điện từ gió và năng lượng mặt trời là rẻ nhất. Lần lượt chỉ khoảng 53 USD/MW giờ và 68 USD/MW giờ, rẻ hơn cả sản xuất điện hạt nhân. Lợi thế của 2 loại điện này ngày càng cao nên nó là con đường ưu tiên để phát triển năng lượng của các quốc gia.
Oái ăm là những thuận lợi này chúng ta chưa được khai thác triệt để, ngoài thủy điện. Khi phát triển điện gió, điện mặt trời luôn gặp những bất cập thì điện than vẫn đang được xây dựng và chiếm tỉ trọng không nhỏ trong cơ cấu điện quốc gia trong những năm tới.
Kế hoạch phát triển điện năng của chúng ta trong thời gian qua đã xảy ra rất nhiều vấn đề và nó tác động xấu đến kinh tế - xã hội. Chính sách phát triển điện gió, điện mặt trời đã được đưa ra từ những cơ quan cao nhất của Chính phủ thì hãy hoàn thiện để sớm mang lại lợi ích cho người dân. Chính sách nào bất cập thì sớm đề xuất sửa đổi. Dự án nào sai phạm thì xử lý. Không thể vì lo ngại mà làm giảm đi những nguồn lợi mà người dân có quyền hưởng thụ, quốc gia được lợi ích.
Bình luận (0)