Ngay sau khi có thông báo chính thức từ phía công an, Công ty CP Bóng đá Chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã yêu cầu CLB Bóng đá Hồng Lĩnh Hà Tĩnh (HLHT) báo cáo.
Tự hủy hoại sự nghiệp
Theo báo cáo của CLB HLHT, các cầu thủ: Nguyễn Trung Học (SN 1998), Nguyễn Ngọc Thắng (SN 2002), Dương Quang Tuấn (SN 1996), Nguyễn Văn Trường (SN 2003) và Đinh Thanh Trung (SN 1988) đã bị tạm đình chỉ công việc do vi phạm nội quy, quy định sinh hoạt và điều lệ tổ chức hoạt động của Công ty CP Bóng đá HLHT.
Sau khi có báo cáo từ CLB HLHT, Ban Kỷ luật LĐBĐ Việt Nam đã ra quyết định đình chỉ thi đấu 5 cầu thủ nêu trên cho đến khi có thông báo mới.
CLB HLHT cũng đã thanh lý hợp đồng với 5 cầu thủ kể trên. Với việc người lao động - cụ thể ở đây là cầu thủ - vi phạm pháp luật, dẫn đến việc bị tạm cách ly xã hội, không thể thực hiện được hợp đồng, thì phía thuê lao động - là CLB HLHT có thể thanh lý hợp đồng mà không cần bồi thường.
Thế nhưng, mọi việc có thể chưa kết thúc với 5 cầu thủ này. Ngoài việc đối diện các hình thức xử lý từ phía cơ quan thực thi pháp luật do sai phạm, họ còn có thể gặp nhiều hệ lụy sau này. Không chỉ không nhận được bồi thường hợp đồng từ CLB HLHT, họ còn có thể phải bồi thường ngược lại, nếu CLB chứng minh được thiệt hại tài chính do các cầu thủ này gây ra với đội bóng.
Trong lịch sử bóng đá thế giới, trường hợp sử dụng chất cấm tốn nhiều giấy mực là câu chuyện giữa CLB Giải Ngoại hạng Anh Chelsea và Adrian Mutu. Tháng 9-2004, tiền đạo này bị phát hiện dương tính với chất cấm trong một đợt kiểm tra ngẫu nhiên. Ngay khi LĐBĐ Anh (FA) còn chưa ra phán quyết thì Chelsea đã thông báo kết thúc hợp đồng với Mutu.
Sau đó, Mutu bị cấm thi đấu 7 tháng và tiền đạo người Romania này nghĩ rằng mọi chuyện giữa mình với Chelsea đã chấm dứt. Song, ngay đầu năm 2005, Chelsea đã tìm cách đòi Mutu phải bồi thường thiệt hại với lý do cầu thủ này đã vi phạm hợp đồng mà không có lý do chính đáng.
Theo Chelsea, họ đã chi đến 30 triệu USD để mua Mutu từ CLB Parma (Ý) với bản hơp đồng có thời hạn 5 năm. Do vậy, Chelsea đòi số tiền Mutu phải bồi thường tương ứng với thời gian còn lại trong bản hợp đồng tính từ lúc anh bị phát hiện sử dụng chất cấm - khoảng 22,5 triệu USD.
Có thể thấy sau khi Chelsea "tuyên chiến" như vậy thì tình trạng cầu thủ ngôi sao ở Anh và châu Âu bị phát hiện dùng chất cấm giảm hẳn. Các cầu thủ đều hiểu rằng dù mình là ai, nếu đã dính vào chất cấm là coi như tiệt đường sự nghiệp khi không còn được CLB chủ quản bao che, bị CĐV và xã hội quay lưng.
Phải mạnh tay xử lý
Trở lại chuyện 5 cầu thủ CLB HLHT. Việc họ vi phạm hợp đồng mà không có lý do chính đáng là cơ sở để CLB có quyền thanh lý hợp đồng. HLHT còn có quyền đòi các cầu thủ này phải bồi thường nếu hợp đồng lao động và các phụ lục chứng minh CLB đã phải chi tiền mua cầu thủ, lót tay...
Cụ thể, cầu thủ A đã nhận lót tay 3 tỉ đồng để ký hợp đồng 3 năm với CLB B. Song, hợp đồng mới thực hiện được 1 năm thì phải dừng do lỗi của A thì cầu thủ này phải bồi thường, trả lại 2 tỉ đồng - tương ứng 2 năm không hoàn thành hợp đồng - cho B.
Đây không phải lần đầu phát hiện cầu thủ dính chất cấm ở Việt Nam. Thậm chí, đã có cầu thủ ngoại binh của một CLB ở V-League tử vong vì sốc thuốc… Tuy nhiên, trong các vụ trước đây, các CLB tìm cách bao che, xử lý kín và sau một thời gian thì dư luận lãng quên. Chính kiểu xử lý "đóng cửa bảo nhau", không mạnh tay đó khiến tình trạng cầu thủ sử dụng chất cấm chưa thể chấm dứt, mà trường hợp 5 cầu thủ ở CLB HLHT là một minh chứng.
Hạn chế vừa nêu trên cũng có thể hiểu do người Việt Nam thường có quan điểm muốn giải quyết mọi việc một cách êm thấm, tránh phải kiện tụng. Song, cách làm này sẽ dẫn đến hậu quả là không tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật. Do vậy, trường hợp 5 cầu thủ CLB HLHT "nhúng chàm" lần này cần được các cơ quan chức năng xử lý mạnh tay. Họ phải bị nghiêm trị để các cầu thủ khác không dám đi vào vết xe đổ của những người đã sa ngã.
Có ai dám khẳng định hiện nay, trong rất nhiều cầu thủ bóng đá Việt Nam, chỉ có 5 cầu thủ HLHT nêu trên là thác loạn, sử dụng chất cấm?
FIFA ủng hộ Chelsea
Tuyển thủ Adrian Mutu được Chelsea đưa về từ Parma với hợp đồng 15,8 triệu bảng hồi mùa hè 2003. Thay vì chuyên cần tập luyện, thi đấu và tận hưởng mức thu nhập "khủng", chân sút Đông Âu này bắt đầu ăn chơi, rượu chè và sử dụng cocaine đầu năm 2004. Hết HLV Claudio Ranieri nhắc nhở đến Jose Mourinho cảnh cáo, Mutu vẫn không thể rời bỏ thói hư tật xấu.
Chelsea đã thực hiện xét nghiệm nội bộ và chuyển kết quả cho cơ quan chống doping tại Anh, trước khi tuyên bố cho Mutu thôi việc. Mutu bị FA treo giò 7 tháng rồi bị Chelsea đẩy sang Livorno.
Tháng 5-2006, Chelsea kiện Mutu ra tòa và đòi bồi thường hơn 22 triệu bảng. Chelsea lập luận rằng đó là khoản tiền để mua cầu thủ về thay thế Mutu, cộng với thiệt hại về danh tiếng của CLB. FIFA đã ra phán quyết ủng hộ Chelsea và yêu cầu Mutu phải trả 13,5 triệu bảng.
Đ.Tùng
Nếu khởi kiện, CLB phải chứng minh được thiệt hại
Việc CLB HLHT có 5 cầu thủ bị tạm giữ để điều tra, làm rõ hành vi sử dụng ma túy sẽ ảnh hưởng lớn đến hình ảnh, uy tín cũng như chuyên môn và tinh thần của CLB chủ quản khi V.League 2023-2024 đang diễn ra. Thậm chí, hình ảnh của giải đấu cũng ít nhiều bị tác động tiêu cực.
Dưới góc độ pháp lý, trách nhiệm của CLB chủ quản được quy định tại điểm a khoản 4 Điều 23 Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Cụ thể: trường hợp người đứng đầu, người đại diện theo pháp luật, người được giao quản lý CLB để xảy ra hoạt động tàng trữ, mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy trong khu vực, phương tiện do mình quản lý thì có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng.
Ngoài ra, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm còn có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự từ 6 tháng đến 12 tháng.
Theo thông tin ban đầu, 5 cầu thủ HLHT bị phát hiện đang tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy tại một khách sạn ở Hà Tĩnh. Do đó, CLB HLHT sẽ không phải chịu trách nhiệm về mặt pháp lý trong trường hợp này.
Về quyền khởi kiện các cầu thủ, căn cứ Điều 186 Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015, bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào cũng có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại tòa án có thẩm quyền, yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Do đó, nếu CLB HLHT nhận thấy các cầu thủ này làm ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của mình thì hoàn toàn có quyền khởi kiện tới tòa án các cấp có thẩm quyền để yêu cầu bồi thường.
Căn cứ khoản 1 Điều 91 Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015, trường hợp yêu cầu khởi kiện thì nghĩa vụ chứng minh sẽ thuộc về phía CLB chủ quản. Nói cách khác, CLB HLHT phải chứng minh thiệt hại là có thật trên thực tế, thông qua các giấy tờ, chứng từ liên quan.
Đối với mức bồi thường thiệt hại, trường hợp khi ký kết hợp đồng lao động, các bên đã thỏa thuận về mức bồi thường khi có hành vi gây ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín đội bóng thì căn cứ hợp đồng lao động. Trường hợp không thỏa thuận thì bồi thường theo mức độ chứng minh của CLB chủ quản cũng như theo quy định của pháp luật.
Luật sư TRƯƠNG VĂN TUẤN (Văn phòng Luật sư Trạng Sài Gòn)
Bình luận (0)