Trước đó, sự kiện Hội đồng Tiền lương quốc gia họp phiên thứ hai, thống nhất mức tăng lương tối thiểu vùng lên 6%, trình Thủ tướng Chính phủ vào tuần qua, phần nào cho thấy đại diện của giới sử dụng lao động và NLĐ đã có sự thấu hiểu nhiều hơn, cùng hướng về tương lai tốt đẹp hơn sau những nỗ lực đồng cam cộng khổ, đưa doanh nghiệp (DN) vượt khó sau 2 năm đại dịch và những biến động kinh tế toàn cầu tác động không nhỏ đến DN Việt Nam.
Cũng vì lẽ đó, thấu hiểu sự mong ngóng của NLĐ về khoản tiền thưởng Tết sau một năm làm việc vất vả, nhiều DN nỗ lực để có thưởng Tết, cố gắng không thấp hơn năm trước. Dù khó khăn, DN vẫn tìm cách xoay xở thưởng Tết và lo khoản xe đưa đón để NLĐ quay lại làm việc đầy đủ sau khi nghỉ Tết. Theo báo cáo ban đầu của các DN gửi các sở LĐ-TB-XH, đến trước ngày 25-12, dự kiến mức thưởng Tết không có nhiều biến động.
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định lương, thưởng sẽ có điều chỉnh tăng ở mức phù hợp, song cụ thể còn tùy từng DN. Ông Nguyễn Đức Thuấn - Chủ tịch Hiệp hội Da, giày và Túi xách Việt Nam - cũng cho biết các DN trong ngành đều đã có phương án trả lương, thưởng, nghỉ Tết cho NLĐ. DN nào thưởng ít nhất cũng 1 tháng lương.
Tại TP HCM, theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động (FALMI), năm nay các lĩnh vực kinh tế có mức tăng trưởng khá, tuy nhiên vẫn còn một bộ phận DN khó khăn. Khảo sát của FALMI tại 15.534 DN cho thấy vẫn còn 2.469 DN khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Trong số 3.000 DN được Sở LĐ-TB-XH gửi văn bản để thu thập phương án lương, thưởng Tết, đến ngày 21-12 có 940 DN có văn bản phản hồi, cho thấy nhiều DN đang nỗ lực để có thưởng Tết, song vẫn còn nhiều DN phải chật vật để giữ việc làm, từng bước ổn định, hồi phục DN nên thưởng Tết nếu có được sẽ đòi hỏi rất nhiều nỗ lực của DN và sự cảm thông từ phía NLĐ.
Chăm lo cho công nhân - lao động cũng như các đối tượng xã hội trong dịp Tết luôn là một trong những mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ. Tại Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 15-12, Thủ tướng yêu cầu Bộ LĐ-TB-XH theo dõi, nắm bắt tình hình lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, đặc biệt là những địa phương tập trung nhiều lao động, tạo thuận lợi cho NLĐ nghỉ Tết và trở lại làm việc sau Tết; bảo đảm công chức, viên chức, NLĐ được chi trả đầy đủ lương, tiền thưởng và bố trí nghỉ Tết đúng chế độ theo quy định...
Thưởng Tết không chỉ là khoản tiền mang tính chất cảm ơn về những đóng góp của NLĐ, là sự động viên về vật chất, kinh tế còn là nguồn cổ vũ tinh thần, giữ chân NLĐ gắn bó với DN. Những ngày Tết đang đến gần, sự ngóng đợi của NLĐ là điều dễ hiểu và mong sao các DN tìm cách đắp đổi để ít nhiều, mọi NLĐ đều có khoản thưởng Tết và hy vọng năm sau việc làm ăn của DN sẽ tốt hơn, thưởng Tết cho NLĐ cao hơn.
Bình luận (0)