Dư luận xã hội chưa lắng xuống vì vụ việc Quang Linh Vlog, Hằng Du Mục bị cáo buộc sản xuất hàng giả, hoa hậu Thùy Tiên bị phạt vì quảng cáo sai vụ kẹo Kera… thì lại "dậy sóng" khi Bộ Công an triệt phá đường dây sản xuất gần 600 nhãn hiệu sữa giả.

Một diễn viên bị chụp màn hình vì quảng cáo cho loại sữa bột giả vừa bị cơ quan chức năng phát hiện
Đáng lo ngại, hình ảnh một số nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo sữa đa tác dụng, thổi phồng công dụng được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội.
Theo hình ảnh được chụp lại, BTV Q.M. và V.H. từng quảng cáo cho sữa HIUP - dòng sản phẩm bị phạt do vi phạm về quảng cáo.
Còn diễn viên D.Q.Đ., MC H.L. từng xuất hiện trong quảng cáo cho sữa Cilonmum, do Công ty Cổ phần dược quốc tế Group phân phối, thuộc đường dây sản xuất, kinh doanh sữa bột giả quy mô khủng vừa bị cơ quan chức năng phối hợp điều tra, triệt phá.
Theo Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương), thời gian qua, việc doanh nghiệp hợp tác với các nghệ sĩ, người nổi tiếng, đặc biệt là hợp tác với các cá nhân có sức ảnh hưởng trên các nền tảng trực tuyến để quảng cáo, giới thiệu về sản phẩm, hàng hóa đã trở thành phương thức phổ biến nhằm tiếp cận người tiêu dùng.
Tuy nhiên, thực tế đã xuất hiện nhiều trường hợp vi phạm quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 và các văn bản hướng dẫn thi hành, gây ảnh hưởng tiêu cực đến quyền lợi người tiêu dùng cũng như làm suy giảm tính minh bạch và lành mạnh của môi trường kinh doanh.
Theo đó, Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia khuyến nghị người có ảnh hưởng khi thực hiện cung cấp thông tin về sản phẩm, dịch vụ cho người tiêu dùng, được xác định là bên thứ ba cung cấp thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023.
Theo đó, phải tuân thủ đầy đủ các quy định như bảo đảm cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp và chương trình đánh giá, xếp hạng liên quan (nếu có).
Yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp thông tin, tài liệu, phương tiện để chứng minh tính chính xác, đầy đủ của thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.
Đáng chú ý, người có ảnh hưởng phải chịu trách nhiệm liên đới về việc cung cấp thông tin không chính xác hoặc không đầy đủ về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp chứng minh đã thực hiện tất cả biện pháp theo quy định của pháp luật để kiểm tra tính chính xác, đầy đủ của thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.
Thông báo trước cho người tiêu dùng về việc mình được tài trợ để cung cấp thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.
Bên cạnh trách nhiệm của người có ảnh hưởng nêu trên, trường hợp doanh nghiệp hợp tác với người có ảnh hưởng để thực hiện quảng cáo, giới thiệu về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thì doanh nghiệp cũng phải thực hiện trách nhiệm thông báo trước, công khai cho người tiêu dùng về quan hệ hợp tác với người có ảnh hưởng nêu trên.
"Việc tuân thủ các quy định này không chỉ là yêu cầu bắt buộc về mặt pháp lý, mà còn là nền tảng bảo đảm cho một môi trường kinh doanh minh bạch, cạnh tranh công bằng và phát triển bền vững" - Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia cho biết.
Bình luận (0)