xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

CUỘC THI VIẾT "NGƯỜI THẦY THUỐC TRONG TÔI": Người cứu chữa những "tâm hồn lạc lối"

BẢO LINH - HÀ VŨ

Khi người mắc các bệnh về tâm thần ngày càng tăng, ngoài nỗ lực của ngành y tế trong điều trị, rất cần sự nhận thức đúng đắn của xã hội về căn bệnh này

Khi nhắc đến đại tá, PGS-TS Bùi Quang Huy, Chủ nhiệm Khoa Tâm thần - Bệnh viện Quân y 103 (Học viện Quân y), đồng nghiệp và bệnh nhân đều có cùng nhận xét ông không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn rất tận tâm với bệnh nhân, luôn trăn trở, suy nghĩ để tìm ra phương pháp điều trị hiệu quả, cứu chữa cho những "tâm hồn lạc lối".

Thấu hiểu, đồng cảm

TS Bùi Quang Huy tâm sự ông đến với nghề như một cái duyên. "Tôi tốt nghiệp Học viện Quân y năm 1989, khi đó mỗi khóa chỉ có vài sinh viên ra trường được nhận vào Bệnh viện Quân y 103. Được phân công về nhận nhiệm vụ tại Khoa Tâm thần, ban đầu tôi hơi sốc vì không biết phải bắt đầu từ đâu. Nhưng càng làm việc, tôi càng nhận ra chuyên ngành này là một thử thách đối với kỹ năng của bác sĩ" - ông kể. Từ đó, bác sĩ Huy không ngừng tìm hiểu, nghiên cứu kỹ hơn về những đặc thù của chuyên ngành tâm thần. Ông nhận ra mỗi bệnh nhân là một hoàn cảnh khác nhau, không ai giống ai nhưng tất cả đều cần sự thấu hiểu, đồng cảm.

PGS-TS Bùi Quang Huy hướng dẫn về thiết bị sốc điện trong điều trị bệnh liên quan đến tâm thần Ảnh: BẢO HÀ

PGS-TS Bùi Quang Huy hướng dẫn về thiết bị sốc điện trong điều trị bệnh liên quan đến tâm thần .Ảnh: BẢO HÀ

Năm 1994, được sự tín nhiệm của lãnh đạo Bệnh viện Quân y 103, bác sĩ Huy được cử đi du học và năm 1998 bảo vệ luận án tiến sĩ tại Romania về tâm thần học. "Những kiến thức về trầm cảm, hưng cảm, nghiện rượu, nghiện ma túy, động kinh hay tâm thần phân liệt... mà tôi học được trong thời gian du học vẫn có giá trị đối với tôi đến tận bây giờ" - bác sĩ Huy cho biết.

Năm 2002, bác sĩ Huy được đề bạt làm Phó Chủ nhiệm Khoa Tâm thần và được giao nhiệm vụ viết các phác đồ điều trị, quy trình kỹ thuật chẩn đoán các rối loạn tâm thần như tâm thần phân liệt, trầm cảm, lo âu, nghiện rượu...

Trước đây, một bệnh nhân loạn thần do rượu (sảng rượu) nếu không điều trị thì tỉ lệ tử vong là 35%, nếu điều trị theo phác đồ cũ thì tỉ lệ chỉ còn vài phần trăm. Tuy nhiên, theo bác sĩ Bùi Quang Huy, đây vẫn là một tỉ lệ lớn, bởi một năm có mấy trăm ca sảng rượu điều trị thì con số vài phần trăm tử vong cũng rất đáng lưu tâm. Theo phác đồ điều trị mới, tỉ lệ tử vong do sảng rượu chỉ còn 0,5% và đang phấn đấu để giảm còn 0,1%.

Với sự nỗ lực của bác sĩ Bùi Quang Huy và tập thể Khoa Tâm thần, nhiều trường hợp bệnh nhân điều trị tại khoa đã giảm số ngày trị bệnh từ 2 - 3 tháng xuống chỉ còn 18 - 20 ngày. Có được kết quả này, một phần là do phác đồ điều trị hiệu quả kết hợp với những loại thuốc điều trị đặc hiệu. Không chỉ số ngày nằm viện của bệnh nhân giảm mà tỉ lệ tái phát, bỏ thuốc điều trị cũng giảm rõ rệt.

Trong những bệnh nhân của mình, bác sĩ Bùi Quang Huy rất nhớ một trường hợp mắc "cơn hoảng sợ kịch phát", biểu hiện là những cơn sợ hãi cùng cực, trống ngực đánh dữ dội, cảm giác nghẹt thở như bị bóp cổ. Chứng bệnh này chỉ kịch phát trong 5 - 10 phút nhưng đối với người bệnh thì dài như một thế kỷ vì nỗi sợ hãi vô cùng lớn, có thể dẫn đến tử vong do tai biến ở tim và não.

Mỗi lần phát bệnh, bệnh nhân lại được gia đình đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng được vài hôm thì xuất viện mà không tìm ra nguyên nhân của bệnh. Cứ như thế, bệnh nhân chịu đựng căn bệnh này suốt 5 năm, với biết bao nỗi thống khổ về thể xác, tinh thần. Sau đó, bệnh nhân được giới thiệu đến bác sĩ Huy. Lúc đến khám, bệnh nhân phải ngồi xe lăn nhưng chỉ sau một buổi điều trị, bệnh nhân đã tự đứng lên và đi lại được.

"Thật ra đây là một loại bệnh tâm thần nhưng do chẩn đoán sai nên chỉ điều trị tim mạch. Với một số bệnh về tâm thần, nếu chẩn đoán đúng bệnh thì điều trị cũng không quá phức tạp. Những loại thuốc do Việt Nam sản xuất rất tốt, hiệu quả cao mà lại không đắt tiền" - bác sĩ Huy nhấn mạnh.

Bệnh tâm thần không phải "điên", nan y

Theo PGS-TS Bùi Quang Huy, mỗi ca bệnh tâm thần đều có triệu chứng khác nhau và việc điều trị có những khó khăn riêng. Do vậy, bác sĩ tâm thần phải biết lắng nghe, thấu hiểu tâm lý người bệnh và người nhà bệnh nhân; dành thời gian để khám chi tiết, kỹ lưỡng; đồng thời phải hiểu quy luật, diễn biến của bệnh mới có thể điều trị hiệu quả.

Hiện nay, tỉ lệ người mắc các rối loạn tâm thần nói chung và trầm cảm nói riêng rất cao (15% ở nam và 25% ở nữ). Điều bác sĩ Huy trăn trở là nhận thức về bệnh của người dân chưa cao. Ông phân tích: "Xã hội vẫn thường nhầm lẫn khi đồng nhất tâm thần là "điên" và không thể chữa được. Nhưng thực tế có hàng trăm loại bệnh tâm thần với rất nhiều triệu chứng, biểu hiện khác nhau. Các loại bệnh thường gặp nhất là tâm thần phân liệt, rối loạn cảm xúc lưỡng cực, rối loạn lo âu và trầm cảm. Ngay trong rối loạn cảm xúc cũng có nhiều giai đoạn như trầm cảm, hưng cảm... Rối loạn lo âu cũng rất hay gặp và có liên quan các vấn đề xã hội như áp lực, căng thẳng trong công việc, cuộc sống".

Bác sĩ Bùi Quang Huy khẳng định bệnh tâm thần không phải vô phương cứu chữa, kể cả tâm thần phân liệt - một loại bệnh tâm thần nặng gây suy giảm chức năng cho bệnh nhân. Quan trọng là người bệnh hay người nhà cần có sự hợp tác, tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, kiên trì vì đa số bệnh tâm thần cần điều trị lâu dài, thậm chí cần củng cố điều trị ngay cả khi đã chữa khỏi.

Tìm lại giấc ngủ nhờ sốc điện

Tại Khoa Tâm thần - Bệnh viện Quân y 103, kỹ thuật sốc điện tiền mê đang được áp dụng cho thấy rất hiệu quả với nhiều bệnh tâm thần như tâm thần phân liệt, trầm cảm, rối loạn cảm xúc, mất ngủ tiên phát, nghiện game online (trò chơi điện tử), nghiện ma túy đá (nhóm amphetamin), nghiện cờ bạc, rối loạn phân ly... Kỹ thuật này đã được chuyển giao đến nhiều bệnh viện tâm thần trên cả nước. Dù vậy, kỹ thuật này đòi hỏi người thực hiện phải có kỹ năng tốt, đủ nguồn nhân lực cho mỗi kíp gồm 1 bác sĩ và 2 điều dưỡng. Hiện tại, trong hệ thống bệnh viện của quân đội chỉ có Bệnh viện Quân y 103 và Bệnh viện Quân y 175 thực hiện kỹ thuật này.

"Thực chất, sốc điện rất an toàn, tỉ lệ tử vong chỉ khoảng 0,01% số bệnh nhân, thấp hơn bất kỳ loại thuốc nào. Ở Khoa Tâm thần - Bệnh viện Quân y 103, mỗi năm chúng tôi làm vài ngàn lượt sốc điện, nhiều hơn tất cả cơ sở y tế khác trong nước cộng lại. Trong 40 năm qua, các bệnh nhân được điều trị sốc điện đều an toàn, ngày nằm điều trị giảm, tỉ lệ khỏi bệnh, ra viện tăng lên" - bác sĩ Huy nói.

Chúng tôi gặp bệnh nhân Nguyễn Thị Lợi, đang được điều trị bằng sốc điện tiền mê để chữa bệnh tâm thần. Theo người nhà bệnh nhân, chị Lợi mắc COVID-19, sau khi điều trị khỏi thì bị mất ngủ hoàn toàn. Dù đã sử dụng thuốc ngủ cũng như điều trị từ đông y sang tây y nhưng tình trạng bệnh nhân không khá hơn.

Khi đến khám ở Bệnh viện Quân y 103 và sau 11 lần sốc điện điều trị, chị Lợi gần như khỏi hoàn toàn và sắp được xuất viện. Chị của bệnh nhân vui mừng nói: "Chỉ sau 3 lần sốc điện, em gái tôi đã thèm ăn, ăn nhiều và ngủ được. Sau 13 tháng đi tìm giấc ngủ, giờ thì em tôi đã có thể ngủ trọn đêm, sức khỏe cải thiện rõ ràng".

Bên cạnh việc xây dựng được phác đồ và phương pháp hiệu quả để điều trị cho bệnh nhân, PGS-TS Bùi Quang Huy còn có nhiều đóng góp trong đào tạo nhân lực chất lượng cao cho chuyên ngành tâm thần với việc hướng dẫn luận án cho khoảng 10 tiến sĩ và khoảng 30 thạc sĩ chuyên ngành này. 

Sốc điện tiền mê là gì?

Sốc điện là đưa một dòng điện ngoại lai dạng xung, đi qua não trong một thời gian ngắn (1 giây), xóa đi toàn bộ các hoạt động điện của não, kể cả hoạt động điện sinh lý và bệnh lý. Sau đó, các hoạt động điện sinh lý sẽ hồi phục, còn các hoạt động điện bệnh lý sẽ bị loại bỏ. Tuy nhiên, sốc điện có một tác dụng phụ không tránh khỏi là gây ra cơn co giật kiểu động kinh. Chính các cơn co giật kiểu động kinh này gây ra các tác dụng phụ của sốc điện như đau cơ, đau đầu, lú lẫn...

Với giải pháp sốc điện tiền mê hoặc sốc điện gây mê, các cơn co giật do sốc điện được loại bỏ gần như hoàn toàn, do đó không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân.

CUỘC THI VIẾT "NGƯỜI THẦY THUỐC TRONG TÔI": Người cứu chữa những "tâm hồn lạc lối"- Ảnh 2.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo