Từng có hơn 20 năm làm việc tại một hợp tác xã nông nghiệp sau đó chuyển sang công việc buôn bán trái cây dạo nhưng về già, bà Nguyễn Thị Vấn (78 tuổi) quê Đồng Nai vẫn không có tích lũy mà phải lo ăn từng bữa. Hằng ngày, bà vẫn nhặt nhạnh vài bó rau lang với vài nải chuối đem ra chợ bán để kiếm 30.000 - 40.000 đồng mua thức ăn.
Khi còn trẻ, bà Vấn cũng phải lao động cật lực để nuôi 5 người con khôn lớn nhưng các con sau khi trưởng thành đều lấy vợ, sinh con rồi ra ở riêng, ai cũng khó khăn. Vì không muốn làm phiền gia đình của các con, sau khi chồng mất cách đây hơn 10 năm, bà quyết định ở một mình, nhà có gì ăn nấy. Lâu lâu con cháu ghé thăm biếu bà chút quà bánh cùng vài trăm ngàn, số tiền ấy bà không dám xài mà để dành phòng khi phải nằm viện vì bà đã lớn tuổi còn mang nhiều bệnh tật trong người. Chi tiêu hằng ngày của bà vẫn phụ thuộc vào gánh hàng bán mỗi buổi sáng.
Vì vậy, được nhận trợ cấp hưu trí trí hội là điều bà Vấn luôn mong mỏi. "Năm nay, tôi đã 78 tuổi và theo quy định thì phải chờ thêm 2 năm nữa, khi 80 tuổi tôi mới được xét hỗ trợ. Tôi đã già, không biết còn sống được bao lâu nên chỉ mong sớm được nhận trợ cấp để đỡ phải lo cơm áo" - bà bày tỏ.
Cuộc sống cũng không khá hơn là vợ chồng bà Mai Thị Lựu (quận 8, TP HCM). Do không có lương hưu nên dù đã gần 75 tuổi, vợ chồng bà Lựu hằng ngày vẫn phải đi bán đồ ăn sáng ven đường để kiếm sống.
Bà kể: "Tôi cũng có nghe chính sách người già sẽ được nhà nước hỗ trợ thẻ BHYT và trợ cấp hưu trí xã hội nhưng phải từ 80 tuổi trở đi. Tôi rất mong nhà nước sẽ sớm giảm độ tuổi được nhận trợ cấp xuống còn 70 hoặc 75 tuổi bởi còn rất nhiều người như chúng tôi, già cả, không có lương hưu hay trợ cấp gì hằng tháng, ai cũng có bệnh trong người. Nếu có hỗ trợ, dù ít hay nhiều thì chúng tôi sẽ an tâm hơn"
Đây không phải những trường hợp duy nhất. Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến cuối năm 2022, Việt Nam có khoảng 14,4 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu (từ 55 tuổi trở lên đối với nữ; từ 60 tuổi trở lên đối với nam). Tuy nhiên, số người có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng hoặc trợ cấp hưu trí xã hội chỉ hơn 5,1 triệu người, tức khoảng 35% số người nghỉ hưu.
Do vậy, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã có một số nội dung thay đổi như bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng. Trong đó, quy định công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng khác thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do Ngân sách nhà nước đảm bảo.
Mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng do Chính phủ quy định phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của Ngân sách nhà nước từng thời kỳ. Dự thảo Luật cũng giao Chính phủ báo cáo Quốc hội quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với khả năng của Ngân sách nhà nước từng thời kỳ.
Việc hạ độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí từ 80 tuổi xuống còn 75 tuổi sẽ giúp mở rộng đối tượng thụ hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thêm khoảng 800.000 đến 1 triệu người cao tuổi.
Đây cũng là mong muốn của rất nhiều người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, không có lương hưu hiện nay.
Bình luận (0)