xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

NHÂN LỄ GIỖ LẦN THỨ 722 ĐỨC THÁNH TRẦN, TẠI TP HCM: Lẽ muôn đời: Lấy dân làm gốc

GS-TS-NGND NGUYỄN QUANG NGỌC (Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam)

Hưng Đạo Đại Vương cùng vua tôi, quân dân nhà Trần đã thắng giặc và xây dựng một triều đại hưng thịnh trên nền tảng của tư tưởng khoan thư sức dân, lấy dân làm gốc hết sức sáng tạo và độc đáo

Hưng Đạo Đại Vương là tước vị cao nhất của Trần Quốc Tuấn do Hoàng đế Trần Anh Tông phong cho ông khi ông vừa mới qua đời, để tôn vinh "công nghiệp hiếm có" mà ông đã tạo dựng trong đời Trùng Hưng, cũng như trong lịch sử 175 năm vương triều Trần.

Một trong 10 vị tướng hàng đầu của nhân loại

Sách "Đại Việt sử ký toàn thư" cho biết "Mùa thu, tháng 8, ngày 20 (tức ngày 3-9-1300), Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn mất ở phủ đệ Vạn Kiếp, được tặng Thái sư Thượng phụ Thượng Quốc công Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương". Sách còn cho biết thêm là tên tuổi của ông lừng danh và linh thiêng đến mức người phương Bắc "thường gọi ông là An Nam Hưng Đạo Vương mà không dám gọi tên". Ngày giỗ ông đã trở thành ngày quốc giỗ, ngày giỗ Cha của mọi người, mọi nhà trong các cộng đồng cư dân thuộc quốc gia dân tộc Việt Nam. Tên tuổi của ông đời đời rạng rỡ cùng hào khí Đông A, văn minh Đại Việt.

Theo Phan Huy Chú trong sách "Lịch triều hiến chương loại chí" thì Trần Quốc Tuấn ngay từ thuở ấu thơ đã có tướng là bậc kinh bang tế thế; khi lớn lên "dung mạo hùng vĩ, thông minh hơn người, học rộng các sách, tài kiêm văn võ". Trần Quốc Tuấn được vua Trần Nhân Tông phong làm Quốc công tiết chế, thống lĩnh toàn quân. Ông biên soạn các sách "Binh gia diệu lý yếu lược", "Vạn Kiếp tông bí truyền thư" để dạy cho các tướng sĩ dưới quyền. Ông còn viết "Hịch tướng sĩ" động viên khích lệ toàn quân nhất tề xông lên "Sát Thát" (tiêu diệt giặc Mông Thát) và đã lãnh đạo quân dân Đại Việt tiến hành các cuộc chiến tranh nhân dân thần thánh hai lần đại phá các đạo quân xâm lược vô cùng hung hãn và tàn bạo vào các năm 1285, 1288. Những chiến công này đã bảo vệ toàn vẹn giang sơn xã tắc, bảo đảm cho toàn dân một cuộc sống thanh bình để dựng xây quê hương, đất nước "non sông muôn thuở vững âu vàng" và góp phần ngăn chặn hiểm họa bị nô dịch của đại đế chế Nguyên Mông. Đây là những kỳ công vĩ đại nhất trong lịch sử chống ngoại xâm vô cùng oanh liệt của dân tộc Việt Nam ta và linh hồn của những kỳ công này - Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn không chỉ trở thành vị tướng kiệt xuất của quân dân nhà Trần, anh hùng huyền thoại muôn đời của dân tộc của Việt Nam, mà còn được thế giới tôn vinh là một trong mười vị tướng hàng đầu của nhân loại.

NHÂN LỄ GIỖ LẦN THỨ 722 ĐỨC THÁNH TRẦN, TẠI TP HCM: Lẽ muôn đời: Lấy dân làm gốc - Ảnh 1.

Tượng đài Đức Thánh Trần Hưng Đạo tại Công trường Mê Linh (quận 1, TP HCM). - Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Tin dân và vì dân làm nên đại thắng

Ngày 24 tháng 6 năm Canh Tý (tức ngày 11-7-1300), vua Trần Anh Tông đến thăm Hưng Đạo Đại Vương đang ốm nặng tại nhà riêng, nhân được hỏi về kế sách đánh giặc giữ nước, ông nói: "Vừa rồi Toa Đô, Ô Mã Nhi bốn mặt bao vây. Vì vua tôi đồng tâm, anh em hòa mục, cả nước nhà góp sức, giặc phải bị bắt. Đó là trời xui nên vậy. Đại khái nó cậy trường trận, ta dựa vào đoản binh. Dùng đoản [binh] chế trường [trận] là sự thường của binh pháp. Nếu chỉ thấy quân nó kéo đến như lửa, như gió thì dễ chế ngự. Nếu nó tiến chậm như cách tằm ăn, không cầu thắng chóng, thì phải chọn dùng tướng giỏi, xem xét quyền biến, như đánh cờ vậy, tùy thời tạo thế, có được đạo quân một lòng như cha con mới dùng được. Vả lại, khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy".

Hưng Đạo Đại Vương khẳng định nguyên nhân thắng lợi căn bản nhất của ba cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông, trong đó các cuộc kháng chiến lần thứ hai và lần thứ ba do ông trực tiếp lãnh đạo là "vua tôi đồng tâm, anh em hòa mục, cả nước nhà góp sức". Nhưng làm thế nào để có thể cố kết được cả nước thành một khối thống nhất, để có thể huy động được cao độ sức mạnh của toàn dân trước những hoàn cảnh vô cùng khó khăn, phức tạp của cuộc chiến như vậy? Theo ông, điểm mấu chốt, có ý nghĩa quyết định chính là triều đình đã thực tin vào dân, đã thực sự vì dân trong hoạch định các chủ trương, chính sách và quyết tâm bảo vệ đến cùng mọi lợi ích chính đáng của nhân dân. Truyền thống thân dân đã được vương triều Lý đề cao, đã được thể chế hóa trong các hoạt động của triều đình và quy định của luật pháp. Đến vương triều Trần, truyền thống này càng được đề cao hơn, nhất là trong bối cảnh Đại Việt phải đương đầu với các đạo quân xâm lược hùng mạnh nhất thế giới đương thời. Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và vua tôi nhà Trần đã sớm nhận ra các hạt nhân hợp lý này và nhào nặn, kết quyện chúng trong một tổng thể thống nhất, hợp lý và hài hòa, tạo nên những kết quả thật bất ngờ.

Trương Hán Siêu, nhà chiến lược bên cạnh Hưng Đạo Đại Vương những ngày gian khổ trên chiến tuyến Bạch Đằng, trong "Bạch Đằng giang phú" nổi tiếng đã nói hộ ông rằng thắng lợi tuyệt vời của quân dân nhà Trần trên sông Bạch Đằng đâu phải bởi đất hiểm mà chính là ở đức cao. Đức cao ở đây là Hưng Đạo Đại Vương đã thực sự hiểu dân, tin dân, dựa hẳn vào dân để tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân thực sự. Các nhà chiến lược quân sự đời nay xác nhận trận Bạch Đằng năm 1288 là "lần đầu tiên trong lịch sử đấu tranh vũ trang của dân tộc ta, đã xuất hiện hình thái thế trận của dân chúng đánh giặc ở khắp các xóm làng, kết hợp với thế trận của quân đội dân tộc tiêu diệt địch trong những trận lớn, một thế trận rộng mà sâu, mạnh mà vững, luôn luôn chủ động, luôn luôn tiến công, tạo nên sức mạnh to lớn chiến thắng kẻ thù hung bạo". Đây là thế trận của lòng dân, thế trận của cuộc chiến tranh nhân dân thần thánh do Hưng Đạo Đại Vương cùng vua tôi, quân dân nhà Trần tạo lập và thành công trên nền tảng của tư tưởng khoan thư sức dân, lấy dân làm gốc hết sức sáng tạo và độc đáo dưới thời Trần.

Bài học khoan thư sức dân, lấy dân làm gốc là bài học đặc biệt thành công của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và quân dân nhà Trần vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay và mãi về sau.

Sức dân - sức mạnh thời đại

Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1941 trở về Cao Bằng lãnh đạo cách mạng. Người viết cuốn sách "Lịch sử nước ta đặc biệt đề cao kỳ công hai lần lãnh đạo chiến tranh du kích" (chiến tranh nhân dân) đại phá Nguyên binh của Trần Hưng Đạo "nghìn thu soi rạng giống dòng quang vinh". Bài học khoan thư sức dân, lấy dân làm gốc của Hưng Đạo Đại Vương và vua tôi nhà Trần đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng thật tài tình trong hai câu kết của cuốn sách: "Dân ta xin nhớ chữ đồng:/ Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh". Đấy chính là nguồn sức mạnh làm nên thành công tuyệt vời của Cách mạng Tháng Tám; của các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, các cuộc chiến tranh bảo vệ toàn vẹn chủ quyền quốc gia lãnh thổ, lãnh hải; của công cuộc đổi mới xây dựng đất nước "dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh"...

Tất cả đều nhờ ở sức dân, sự đóng góp của toàn dân, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh tổng kết: "Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong".

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo