xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhận diện điểm nghẽn để tháo gỡ

VĂN DUẨN - MINH CHIẾN

Sớm hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật để thực hiện đồng nhất việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy

Ngày 13-2, tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội (QH) khóa XV, các đại biểu (ĐB) thảo luận ở tổ về: Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); dự thảo Nghị quyết của QH quy định về xử lý một số vấn đề liên quan việc sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.

Nâng cao đời sống người dân

Phát biểu tại thảo luận tổ của Đoàn ĐBQH TP Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng với sự đồng tình, thống nhất cao trong toàn Đảng, toàn dân, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy đã được triển khai nhanh, hiệu quả. Hiện nay cũng là "thời cơ vàng" để thực hiện việc này, nếu để sau Đại hội lần XIV của Đảng thì rất khó làm.

Theo Tổng Bí thư, việc tinh gọn bộ máy để giảm chi thường xuyên chỉ là một phần. Mục tiêu lớn hơn là để bộ máy hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; thúc đẩy, đưa đất nước phát triển. Tổng Bí thư nhấn mạnh: "Việc tăng trưởng kinh tế phải gắn chặt với nâng cao đời sống người dân, đáp ứng các nhu cầu ngày càng cao của nhân dân trên mọi phương diện. Điều đó mới thể hiện được hiệu năng, hiệu lực của bộ máy nhà nước".

Tổng Bí thư nêu rõ: Muốn thực hiện việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, hệ thống quy định pháp luật cần sớm được hoàn thiện để thực hiện đồng nhất. Mỗi giai đoạn, mỗi đường hướng của từng giai đoạn phải có bộ máy phù hợp để thực thi. Vì vậy, hiện nay, các vấn đề về điểm nghẽn, sự cản trở đều được nhận diện để tháo gỡ, hướng đến mục tiêu cao nhất là phát triển đất nước.

Tổng Bí thư lưu ý vấn đề tháo gỡ điểm nghẽn cho giải ngân vốn đầu tư công, hay cần xem xét về việc phân bổ vốn theo kế hoạch 5 năm có còn phù hợp khi việc này khiến công tác triển khai của các địa phương bị "bó cứng". Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, bởi theo Tổng Bí thư, nếu Việt Nam cứ "lững thững bước đi" thì khó bắt kịp các nước trong khu vực và trên thế giới.

Tại phiên thảo luận, về ý kiến kiến nghị xem xét tổ chức chính quyền 4 cấp hay 3 cấp, Tổng Bí thư cho rằng đây là vấn đề phải nghiên cứu. Theo Tổng Bí thư, Trung Quốc có diện tích và dân số lớn hơn Việt Nam rất nhiều lần nhưng số tỉnh, thành phố lại ít hơn Việt Nam. Về chia tách tỉnh, Tổng Bí thư cho biết trong lịch sử, một số tỉnh tách ra thì phát triển tốt hơn, song đến nay cũng đã hết dư địa để phát triển, diện tích đất không còn để phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, phải tính toán đến các phương án về liên kết vùng để tạo sự kết nối.

Theo Tổng Bí thư, ngành công an đang chuẩn bị thực hiện việc bỏ công an cấp huyện. Hiện công an chính quy đã về cấp xã, người dân được giải quyết các công việc liên quan ngay tại cấp xã. Bên cạnh đó, các bất cập trong bộ máy ngành thanh tra cũng cần nhìn thẳng vào thực tế chưa hiệu quả để có sắp xếp, tinh gọn phù hợp...

ĐB Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH, đề xuất quản lý theo phương thức hành vi, nghĩa là đề ra các quy trình, thủ tục cho cơ quan thực thi triển khai. Với phương thức này, dù phân cấp, giao quyền thì vẫn có nhiều vướng mắc ở quy trình. Nếu vướng mắc, cấp thực thi phải hỏi ý kiến Chính phủ, Thủ tướng; như vậy sẽ kéo dài công việc, sinh ra tâm lý sợ sai, đùn đẩy, né tránh.

"Cần chuyển sang phương thức quản lý theo kết quả đầu ra, có các tiêu chí đo lường rõ ràng. Với cơ chế này, cơ quan, người được giao quyền sẽ thực thi nhiệm vụ mà không bị bó hẹp bởi các quy trình, thủ tục; phát huy tính năng động, sáng tạo. Cơ chế này cần đi kèm với công tác kiểm tra, giám sát" - ĐB Cường kiến nghị.

Nhận diện điểm nghẽn để tháo gỡ- Ảnh 2.

Tổng Bí thư Tô Lâm với các đại biểu tại kỳ họp. Ảnh: PHẠM THẮNG

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền

Phát biểu thảo luận tổ tại Đoàn ĐBQH TP HCM khi góp ý dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP HCM, đề nghị tiếp tục nghiên cứu tổng thể, toàn diện về mô hình chính quyền.

Theo ông Phan Văn Mãi, khi nghiên cứu phải trả lời câu hỏi là chính quyền có mấy cấp? Mỗi cấp chính quyền gồm những cơ quan nào? Từ đó mới trả lời chính quyền có 3 hay 4 cấp, có bỏ cấp huyện hay không? Ở từng cấp như vậy có HĐND và UBND hay không? Hiện nay, quy định này chưa rõ ràng. Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa UBND và Ủy ban Hành chính cần làm rõ, nghiên cứu kỹ, đồng bộ.

Theo Chủ tịch UBND TP HCM, từ kết quả nghiên cứu này, có thể sẽ sửa đổi Hiến pháp và các luật nền. Đối với TP HCM, ở lần sửa đổi này, thành phố kiến nghị duy trì các nội dung thí điểm về tổ chức bộ máy chính quyền địa phương theo một số luật, nghị quyết đã có. Liên quan quan điểm chỉ đạo để "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm", ông Phan Văn Mãi đề xuất tăng thẩm quyền, tăng trách nhiệm cho HĐND, UBND, Chủ tịch UBND.

Ông Phan Văn Mãi lấy ví dụ năm 2025, TP HCM được trung ương giao chỉ tiêu 509.000 tỉ đồng thu ngân sách, HĐND thành phố giao phấn đấu thu 520.000 tỉ đồng. Nếu TP HCM thu được 550.000 tỉ đồng (tức vượt 30.000 tỉ đồng) thì phải áp dụng một quy trình được thưởng, đầu tư trở lại rất mất công. Ông kiến nghị với TP HCM và các địa phương có số thu ngân sách cân đối, vượt chỉ tiêu đóng góp vào ngân sách nhà nước thì cần có cơ chế mạnh hơn để tạo động lực.

Góp ý về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, ĐB Nguyễn Văn Huy (đoàn Thái Bình) cho rằng trước mắt vẫn giữ ổn định mô hình như hiện tại là phù hợp. Quy định như vậy cũng sẽ tạo điều kiện cho các cơ quan có thời gian để tiếp tục tập trung nghiên cứu, hoàn thiện mô hình tổng thể tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới.

Tuy nhiên, ĐB Huy đề nghị Chính phủ cần tiếp tục tổng kết, đánh giá một cách toàn diện việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị đang thực hiện theo các nghị quyết của QH tại các thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng và TP HCM, để từ đó đề xuất mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp nhất.

Về Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhận định có rất nhiều điểm mới. Đó là mới trong tư duy xây dựng luật. Luật chỉ quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc chung, vấn đề cơ bản. Nếu đi vào những điều rất cụ thể, không đưa ra những vấn đề nguyên tắc chung thì sau này sẽ không có căn cứ để các luật chuyên ngành khác hướng theo.

Điểm mới thứ hai là dự thảo luật tập trung phân định rõ thẩm quyền của Chính phủ, chính quyền địa phương. Ban soạn thảo đã thiết kế nội dung này rất rõ ràng, rành mạch để không có sự chồng lấn, giao thoa. Trong đó, xác định rõ trách nhiệm để không đẩy lên Chính phủ những việc mà trách nhiệm thuộc các thành viên Chính phủ.

Về việc phân cấp, phân quyền và ủy quyền, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh đây là vấn đề mới nhất, cốt lõi nhất của 2 luật này. Trong đó, Luật Tổ chức Chính phủ là luật gốc, đưa ra các nguyên tắc rất rạch ròi trong việc phân quyền, phân cấp và ủy quyền. Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, đưa ra các nguyên tắc như vậy để sau này, tất cả các luật chuyên ngành bám theo đó thực hiện phân quyền, phân cấp và ủy quyền theo từng cấp độ khác nhau. 

Trình dự án đường sắt kết nối Trung Quốc

Cùng ngày, Chính phủ đã trình QH phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng với tổng mức đầu tư khoảng 203.231 tỉ đồng (8,369 tỉ USD), dự kiến hoàn thành vào năm 2030.

Dự án có điểm đầu tại vị trí kết nối ray qua biên giới giữa ga Lào Cai mới và ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc); điểm cuối tại khu bến Lạch Huyện (TP Hải Phòng), đi qua địa phận 9 tỉnh, thành phố; tuyến chính khoảng 390,9 km và 3 tuyến nhánh khoảng 27,9 km.

Cơ chế đặc thù cho dự án đường sắt đô thị

Dự thảo Nghị quyết của QH về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hà Nội, TP HCM cũng được Chính phủ trình QH. Dự thảo Nghị quyết quy phạm hóa 6 nhóm chính sách đặc thù, gồm: Huy động nguồn vốn; trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư; phát triển đô thị theo mô hình TOD; phát triển công nghiệp đường sắt, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực; chính sách vật liệu xây dựng và bãi đổ thải; các quy định áp dụng riêng cho TP HCM.

Đối với nhóm các quy định áp dụng riêng cho TP HCM, dự thảo quy định thành phố được thu và sử dụng tiền thu trong khu vực TOD; huy động vốn thông qua các khoản vay phát hành trái phiếu chính quyền địa phương; tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất để chỉnh trang phát triển đô thị. UBND TP HCM được tổ chức thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo