Ngày 19-12, Báo Người Lao Động tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2024 - Phiên thứ nhất: "Kích cầu tiêu dùng nội địa" với sự tham dự của nhà quản lý, chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp (DN).
Nhiều cơ hội tăng trưởng
Theo các chuyên gia kinh tế, năm 2023, Việt Nam vượt qua vòng xoáy của nhiều "cơn gió ngược" đến từ kinh tế toàn cầu và những khó khăn trong nước. Nhờ "đi ngược", sau quý I/2023 với tình hình tương đối ảm đạm, nền kinh tế bắt đầu le lói tín hiệu khởi sắc ở các bình diện từ tháng 5. Các bánh xe của "cỗ xe tứ mã" gồm đầu tư công, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài đều chuyển biến.
TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Chính sách (VEPR) - ĐHQG Hà Nội, nhận định mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 đạt 6%-6,5% mà Quốc hội giao dù là thách thức lớn nhưng có thể đạt được.
Phó Viện trưởng VEPR dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy tăng trưởng tính đến hết quý III/2023 của Việt Nam đạt 4,24%. Trong đó, khu vực dịch vụ, đặc biệt là tiêu dùng nội địa, đóng góp lớn vào tăng trưởng năm nay.
Sang năm 2024, tiêu dùng nội địa vẫn là động lực chính cho tăng trưởng, bên cạnh kỳ vọng sự lan tỏa của đầu tư công. "Cơ hội và thách thức cho tăng trưởng là đan xen. Việt Nam đã và đang khẳng định có thể đi ngược để duy trì, phục hồi đà tăng trưởng bền vững" - TS Nguyễn Quốc Việt lạc quan.
Phân tích cụ thể, ông Nguyễn Quốc Việt cho rằng thách thức của nền kinh tế đến từ đòi hỏi DN nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; kích thích những xu thế tiêu dùng bền vững; cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, cải cách thể chế. Đây cũng chính là những yếu tố giúp duy trì các động lực tăng trưởng, bảo đảm đạt chỉ tiêu GDP năm 2024 và những năm tiếp theo.
TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho rằng chính sách của Chính phủ rất nhiều nhưng hiệu quả khi đi vào cuộc sống thì chưa được đánh giá. Theo ông Trần Du Lịch, cần tận dụng tối đa mọi chính sách trong ngắn hạn để kích thích tiêu dùng, bao gồm cả chi tiêu của Chính phủ.
"Chúng ta rất ám ảnh với lạm phát nhưng theo quan điểm của tôi và nhiều thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, Việt Nam kiểm soát lạm phát dưới 5% thì sẽ kích thích kinh tế phát triển. Do đó, năm 2024, cần sử dụng mạnh mẽ hơn các công cụ, đồng bộ các chính sách để thúc đẩy kinh tế phục hồi" - TS Trần Du Lịch nêu quan điểm.
Liên quan câu chuyện kích cầu, các chuyên gia cho rằng bên cạnh cách làm hiện tại, cần có chính sách khuyến khích tiêu dùng bền vững. Chẳng hạn, trong giai đoạn này, kích thích tiêu dùng nội địa phải gắn với tiêu chí mới về tăng trưởng xanh, giảm thiểu carbon...
Địa phương, doanh nghiệp tăng tốc
Để giải bài toán tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là phát huy hiệu quả động lực từ tiêu dùng nội địa, trong năm 2023, TP HCM, Hà Nội, Cần Thơ... đã sớm triển khai nhiều chương trình hành động cụ thể. Kết quả là tăng trưởng thương mại dịch vụ tại nhiều tỉnh, thành phố phục hồi mạnh mẽ trong các tháng cuối năm.
Tại TP HCM, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết doanh số bán - buôn bán lẻ năm 2023 đạt 707.000 tỉ đồng, tăng gần 12% so với năm 2022. Bên cạnh đó, chỉ số sản xuất công nghiệp của thành phố tăng cao hơn cả nước, xu hướng thương mại điện tử tăng trưởng mạnh khi doanh thu năm 2023 tăng khoảng 60%...
TP Cần Thơ cũng ghi nhận tăng trưởng kinh tế khá tốt, trong đó lĩnh vực thương mại - dịch vụ tăng trên 2 con số. Hoạt động xuất khẩu gạo, thủy sản và các mặt hàng khác cũng đạt kết quả tích cực.
"Việc Chính phủ phê duyệt tổng thể quy hoạch TP Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là tín hiệu vui với địa phương. Sắp tới, thành phố sẽ khởi công 1 dự án sân golf, kêu gọi đầu tư 1 khu công nghiệp và chuẩn bị khởi công các dự án nhà máy nhiệt điện. Một số dự án đầu tư khác cũng đang trong giai đoạn xúc tiến" - ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, thông tin.
Lãnh đạo Sở Công Thương TP Cần Thơ cũng cho hay với vị trí trung tâm của vùng ĐBSCL, trong thời gian tới, địa phương sẽ tạo mọi điều kiện nhằm đồng hành và hỗ trợ DN kết nối với các tỉnh, thành khác.
Về phía TP Hà Nội, ông Nguyễn Thế Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết từ quý IV/2023, sở đã chủ động tham mưu, trình UBND thành phố ban hành 28 chương trình, kế hoạch để tập trung triển khai nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại trên địa bàn năm 2024.
Trong đó, về thương mại - dịch vụ, Sở Công Thương TP Hà Nội tập trung thực hiện nhiều giải pháp, như: tăng sức mua gắn với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; khuyến mãi tập trung; tổ chức các phiên chợ Việt; phát triển các điểm giới thiệu sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm); thúc đẩy các hoạt động liên kết vùng; hỗ trợ quảng bá, kết nối cung - cầu với các tỉnh, thành phố trong cả nước; phát triển các mô hình kinh tế ban đêm...
Ở góc độ DN, ông Nguyễn Đức Toàn, Giám đốc Thương mại và Chiến lược MM Mega Market Việt Nam, nêu thực tế hiện nay, khách hàng hướng đến sản phẩm có giá thấp hơn và tập trung vào giá trị sản phẩm. Trong khi đó, nhà sản xuất không có kế hoạch sản xuất rõ ràng, thiếu dự báo sản xuất cụ thể và thiếu thông tin về các chương trình DN phân phối...
"Tất cả DN đều tập trung vào bài toán giảm chi phí kinh doanh, giảm giá, kích cầu, nhất là tham gia chương trình khuyến mãi tập trung của TP HCM. Nhà sản xuất và nhà phân phối cần tăng cường hợp tác để tăng trưởng tiêu dùng nội địa mạnh mẽ hơn, qua đó tạo niềm tin cho người tiêu dùng, vực dậy thương mại nội địa trong Tết Nguyên đán và cả năm 2024" - ông Toàn nhận định.
Ưu tiên vốn cho các động lực tăng trưởng
Bà Bùi Thúy Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước, cho biết năm 2023, ngành ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng khả năng tiếp cận tín dụng.
Ví dụ, bảo đảm thanh khoản và mở rộng hạn mức tín dụng ngay từ đầu năm, 4 lần giảm lãi suất điều hành, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để hạ mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ DN phục hồi và phát triển sản xuất - kinh doanh... Đến ngày 13-12, tín dụng tăng 9,87% so với cuối năm 2022 nhưng vẫn thấp hơn định hướng điều hành.
Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, trong thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục chỉ đạo ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay; điều hành tín dụng kịp thời, phù hợp; chủ động bổ sung hạn mức; sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản. Bên cạnh đó là tiếp tục triển khai các chương trình, chính sách, giải pháp về tín dụng đã và đang thực hiện, tập trung cho các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng.
Kỳ vọng vào doanh nhân Việt
Theo TS Trần Du Lịch, với lý thuyết số nhân, quy mô thị trường 100 triệu dân của Việt Nam rất hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hiện nay, việc tổ chức mạng lưới phân phối nội địa đang thuộc quá nhiều vào các nhà bán lẻ nước ngoài. Trong lúc Việt Nam muốn xây dựng nền tảng kinh tế thì đây là điểm liên quan đến chính sách rất lớn để làm sao trong tương lai những tập đoàn, DN bán lẻ Việt Nam có vị trí xứng đáng trong thị trường 100 triệu dân. "Đây là điểm mang tính chiến lược. Mong rằng có nhiều doanh nhân Việt Nam làm nòng cốt trong phát triển thị trường nội địa bởi đó là tín hiệu tốt cho nền kinh tế quốc gia" - TS Trần Du Lịch bày tỏ.
Cảm ơn các đơn vị đồng hành:
- Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Thủ Thiêm.
- Công ty CP Địa ốc Phú Long.
- Công ty TNHH Xuất Nhập Khẩu Liên Thái Bình Dương.
Bình luận (0)