Tại Hội nghị "Giải pháp thúc đẩy mở rộng độ bao phủ người tham gia BHXH ở những nơi có quan hệ lao động trên địa bàn TP HCM" do BHXH, LĐLĐ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM tổ chức sáng 30-7, đại diện Công an TP HCM cho biết từ năm 2020 đến nay, Công an thành phố đã tiếp nhận 66 vụ việc, tin báo, kiến nghị khởi tố có liên quan đến đơn vị sử dụng người lao động do cơ quan BHXH chuyển qua.
Kết quả, cơ quan điều tra 2 cấp Công an thành phố đã ra Quyết định không khởi tố 15 vụ; ra Quyết định tạm đình chỉ giải quyết nguồn tin về tội phạm 14 vụ; trả hồ sơ cho Cơ quan BHXH 32 vụ; thông báo gửi cơ quan BHXH về việc không có căn cứ để xử lý 4 vụ có; đang xác minh làm rõ 1 vụ.
Qua công tác nắm tình hình địa bàn, Công an TP HCM đã nhận diện một số hành vi, thủ đoạn phổ biến có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực BHXH. Cụ thể:
Một là, thủ đoạn trốn đóng BHXH cho người lao động. Theo đó, các doanh nghiệp chỉ giao kết hợp đồng lao động và tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người lao động theo mức lương tối thiểu vùng được quy định hằng năm, dẫn đến tình trạng quỹ tiền lương tham gia BHXH, BHYT, BHTN do cơ quan BHXH đang quản lý thấp hơn rất nhiều lần so quỹ lương thực tế đã chi của các đơn vị.
Bên cạnh đó, với thủ đoạn chia nhỏ quỹ lương thành các khoản phụ cấp, hỗ trợ nằm trong các khoản không phải đóng BHXH hoặc ký các loại hợp đồng với tên gọi khác nhau như thuê cộng tác viên, hợp đồng khoán hoặc trả lương theo ngày để các doanh nghiệp trốn tránh việc đóng BHXH, BHYT, BHTN.
Nhiều doanh nghiệp thay đổi trụ sở, địa chỉ hoạt động kinh doanh nhưng không thông báo cho cơ quan BHXH làm ảnh hưởng đến công tác quản lý thu, khắc phục tiền chậm đóng; đơn vị tạm ngừng hoạt động, không còn hoạt động tại địa điểm sản xuất kinh doanh; phá sản, giải thể nên dẫn tới chậm đóng khó thu.
Hai là, thủ đoạn gian lận để thụ hưởng các chế độ BHXH: Các đối tượng thực hiện các hành vi như lập khống, giả mạo hồ sơ BHXH làm căn cứ cho việc thanh toán chế độ ốm đau, thai sản hoặc lập hồ sơ khống để làm thủ tục hưởng chế độ hưu trí cho một số người chưa đủ thời gian tham gia BHXH.
Ngoài ra, các đối tượng còn thành lập doanh nghiệp "ma", sau đó làm hợp đồng tuyển dụng lao động khống cho nhân viên để đăng ký đóng BHXH, qua đó trục lợi quỹ BHXH.
Ba là, các thủ đoạn liên quan đến quản lý và thực hiện bảo hiểm, điển hình trong lĩnh vực y tế: Các nhân viên y tế lợi dụng chức vụ để kê toa thuốc khống cho người nhà hoặc người thân của nhân viên bệnh viện nhưng thực tế không có bệnh mà nhằm mục đích lấy thuốc BHYT để trục lợi; một số các cơ sở y tế cũng có dấu hiệu lập khống hồ sơ bệnh án của người bệnh để thanh toán chi phí khám chữa bệnh với cơ quan bảo hiểm, các cơ sở này sử dụng các thông tin thẻ BHYT của những người thân hoặc những bệnh nhân đã từng đến khám để lập hồ sơ khám chữa bệnh "khống" nhằm chiếm đoạt tiền của BHXH.
Đối với thuốc BHYT thì các nhân viên y tế sẽ lấy để bán ra ngoài hưởng lợi bất chính và làm hồ sơ khống để thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT với cơ quan BHXH.
Bên cạnh đó, còn có một số thủ đoạn cố ý làm trái trong khi thi hành công vụ trong lĩnh vực bảo hiểm như: Cấp giấy chứng nhận nghỉ việc, cấp giấy ra viện, giấy khám thai không đúng quy định; Cấp biên bản giám định tỉ lệ suy giảm khả năng lao động không đúng quy định của lĩnh vực chuyên môn để người tham gia BHXH hưởng chế độ BHXH trái pháp luật…
Cũng theo Công an TP HCM, thời gian qua cơ quan này tiếp nhận rất nhiều nguồn tin từ Cơ quan BHXH chuyển đến nhưng chưa khởi tố được vụ án, bị can nào có liên quan đến đơn vị sử dụng người lao động có hành vi vi phạm pháp luật về BHXH do còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Bình luận (0)