Chiều 1-7, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi chủ trì phiên họp thường kỳ về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024.
Nhiều việc làm được
Thông tin tại phiên họp cho hay trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có những diễn biến phức tạp, thuận lợi và khó khăn đan xen, kinh tế TP HCM ghi nhận những dấu hiệu hồi phục tích cực trong 6 tháng đầu năm khi tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 6,46% so với cùng kỳ.
Tại phiên họp, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đã trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê chuẩn kết quả bầu Phó Chủ tịch UBND TP HCM nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Dương Ngọc Hải và bà Trần Thị Diệu Thúy.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 5,6%, cao nhất trong 3 năm gần đây. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 10%. Tổng thu ngân sách nhà nước ước thực hiện hơn 264.456 tỉ đồng, đạt gần 55% dự toán, tăng hơn 16% so cùng kỳ.
Phân tích nền kinh tế thành phố trong 6 tháng đầu năm, Cục trưởng Cục Thống kê TP HCM Nguyễn Khắc Hoàng thông tin nếu như quý I tăng khởi sắc thì quý II tăng chậm lại. "Quý I GRDP TP HCM tăng cao hơn bình quân cả nước nhưng sang quý II tăng thấp hơn. Tính chung 6 tháng chỉ cao hơn cả nước 0,04 điểm %, so với khu vực Đông Nam Bộ và 5 thành phố trực thuộc trung ương thì tăng trưởng quý II của thành phố đứng thấp" - ông Hoàng nhìn nhận.
Trong khi đó, ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (HUBA), nhận định sức khỏe của các doanh nghiệp đang suy giảm. Theo đó, tình trạng thanh lọc thị trường diễn ra với các đơn vị vốn mỏng; trong 6 tháng đầu năm, thành phố cấp phép thành lập mới cho gần 25.250 doanh nghiệp, tăng 9,6% so với cùng kỳ nhưng có hơn 20.600 doanh nghiệp đã tạm ngưng hoạt động.
TS Trần Du Lịch, Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, Chủ tịch Hội đồng tư vấn thực hiện Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội, phân tích nếu nhìn các chỉ số cụ thể thì TP HCM tăng trưởng khựng lại trong quý II. Tuy nhiên, nếu nhìn tổng thể, thành phố đã làm được nhiều việc về an sinh, xã hội, chuyển đổi số, đặc biệt là những công trình, dự án lớn.
Ông Trần Du Lịch cho rằng sự tăng trưởng chậm lại của thành phố thuộc về vấn đề chung của cả nước. Trong 6 tháng đầu năm, cả nước thành lập mới gần 80.500 doanh nghiệp nhưng cũng có 110.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Giải bài toán đầu tư công
Liên quan tới giải ngân vốn đầu tư công, trong 6 tháng đầu năm, TP HCM tổ chức đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh tiến độ dự án trọng điểm và bước đầu mang lại kết quả nhất định, tuy nhiên công tác này còn chậm.
Thành phố đã giao và phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 hơn 79.200 tỉ đồng. Dù đặt mục tiêu đến hết quý II giải ngân ít nhất 30% nhưng tính đến ngày 30-6 mới chỉ 13,8%, bằng 50% so với bình quân cả nước. Như vậy, 6 tháng còn lại của năm áp lực giải ngân sẽ rất lớn.
Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Trần Quang Lâm, hiện các dự án chuẩn bị đầu tư đều gắn với quy hoạch và bồi thường giải phóng mặt bằng. Nếu giải quyết được 2 vấn đề này sẽ giúp tăng tỉ lệ giải ngân và tiến độ dự án.
Nói về công tác bồi thường, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phạm Trung Kiên cho biết năm nay cần giải ngân hơn 22.000 tỉ đồng. Hiện các quận, huyện quan tâm đến Luật Đất đai có hiệu lực từ ngày 1-8 có thể làm tăng vốn bồi thường. Ông Kiên chỉ ra một số dự án đã nhận đủ vốn nhưng chưa bàn giao mặt bằng, hoặc giao mặt bằng không đủ nên chưa đủ điều kiện thi công, ảnh hưởng đến tiến độ gói thầu xây dựng.
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị áp dụng rộng rãi Nghị định 15/2023 quy định về thí điểm thưởng hợp đồng đối với gói thầu xây lắp thuộc các dự án giao thông trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để thưởng cho các nhà thầu vượt tiến độ, giúp đẩy nhanh các dự án, qua đó tăng giải ngân vốn đầu tư công.
6 tháng nỗ lực
Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đánh giá trong 6 tháng đầu năm, hệ thống chính trị, chính quyền cùng doanh nghiệp và người dân đã có nhiều nỗ lực. Điều này cộng với một số biểu hiện lạc quan từ thị trường thế giới, trong nước và thành phố đã mang lại nhiều chỉ số tích cực về thu ngân sách; phát triển văn hóa, xã hội; thực hiện chủ đề năm…
Theo ông Phan Văn Mãi, mức tăng trưởng trong quý III phải tăng trên mức 7% và quý IV phải 8% thì mới đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm là 7,5-8%. Ông yêu cầu cả hệ thống chính trị thành phố, đặc biệt là hệ thống chính quyền, sở ngành, địa phương tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn. "Nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm là phải tập trung hết sức để tháo gỡ những vướng mắc, những điểm nghẽn cản trở nhằm thúc đẩy tăng trưởng" - ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Chỉ ra 2 vấn đề nổi lên trong 6 tháng đầu năm là năng lực hấp thu vốn của nền kinh tế chưa cao và hiệu quả cải cách hành chính chưa cải thiện nhiều, Chủ tịch UBND TP HCM yêu cầu khắc phục những vấn đề này trong phần còn lại của năm.
Tập trung nhóm chính sách tạo động lực
Nói về thời gian thực hiện Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội, TS Trần Du Lịch nhìn nhận việc thực hiện cơ chế phân cấp, phân quyền, thành phố cơ bản làm tốt. Tuy nhiên, nhóm chính sách tạo động lực, huy động nhà đầu tư chiến lược... thì thành phố chỉ mới ra văn bản, chưa đi vào cuộc sống. Do đó, cần tập trung vào nhóm này để có những dự án cụ thể.
Một vấn đề nữa, cả đầu tư công và đầu tư tư nhân đều vướng thủ tục, từ quy hoạch, đất đai đến thủ tục dự án nên cần nhanh chóng hóa giải trong 2 quý còn lại.
Các quận huyện, sở ngành báo cáo về tình hình giải ngân vốn đầu tư công để điều chỉnh vốn, trình HĐND TP HCM xem xét thông qua tại kỳ họp giữa năm.
Các ban quản lý dự án lớn cấp TP HCM xem xét chuyển giao dự án về cho quận, huyện triển khai, hoặc cấp địa phương làm tốt thì mạnh dạn trao đổi, đề xuất nhận thêm dự án để đẩy nhanh tiến độ.
Thúc đẩy tăng trưởng từ động lực tiêu dùng; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chủ đề năm về chuyển đổi số và Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội; các đầu việc hướng đến kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước… là những nhiệm vụ quan trọng khác Chủ tịch UBND TP HCM lưu ý làm tốt. Cùng với đó, tập trung chăm lo đời sống cho nhân dân, nhất là gia đình chính sách, người có công.
Quy luật tăng tốc
TS Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, đưa ra góc nhìn lạc quan khi cho biết các năm qua, thành phố thường xuyên tăng tốc vào quý III và quý IV. Do đó, kinh tế thành phố có khả năng tăng trưởng đạt 6,8-7,5% vào cuối năm nếu nỗ lực và có giải pháp trọng tâm.
Cũng theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, nếu thời điểm này năm ngoái, Nghị quyết 98 được Quốc hội thông qua là "ngọn hải đăng" tạo động lực cho kinh tế - xã hội thành phố phát triển thì năm nay "ngọn hải đăng" chính là hai quy hoạch TP HCM. Dù quy hoạch đang còn phải trình các cấp nhưng gần như đã rõ hết nội dung, thành phố cần dựa trên quy hoạch này để tháo gỡ các dự án, công trình, tạo nên động lực, khí thế mới cho thành phố.
Bình luận (0)