Ông PHẠM VIẾT HƯƠNG, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Dolab), Bộ LĐ-TB-XH:
Tích cực mở rộng thị trường
Chất lượng người lao động (NLĐ) liên quan đến trình độ, kỹ năng, ngoại ngữ. Do vậy, để nâng cao chất lượng hoạt động đưa NLĐ ra nước ngoài làm việc, đầu tiên họ phải có năng lực. Đồng thời, DN phải làm tốt việc đào tạo, hướng dẫn NLĐ trước và sau khi đưa ra nước ngoài làm việc. Mặt khác, DN phải khai thác được thị trường, bảo vệ được NLĐ và Nhà nước cần bảo đảm môi trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) lành mạnh.
Bên cạnh các thị trường truyền thống như: Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam đang phát triển các thị trường mới. Đầu năm 2024, chúng ta đã ký với CHLB Đức và đang đàm phán với Hy Lạp, Phần Lan, Đan Mạch, Tây Ban Nha và các nước châu Âu… Tôi đánh giá DN rất cao khi tích cực tìm kiếm thị trường mới. Riêng thị trường Úc, đầu năm 2024, Bộ LĐ-TB-XH đã ký với Úc để đưa NLĐ sang làm nông nghiệp và hiện có 1.000 lao động Việt Nam làm việc. Cuối tuần sau, sẽ công bố 6 DN tốt nhất trong 15 DN của Việt Nam được Úc chọn.
Ông BÙI VĂN SỔN, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách - Xã hội TP HCM:
Thêm cơ chế để NLĐ được vay vốn
Thời gian qua, chính sách hỗ trợ vốn vay ưu đãi giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách - Xã hội đã góp phần duy trì, tạo việc làm, hỗ trợ NLĐ đi làm việc ở nước ngoài…, qua đó góp phần giảm tỉ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập, thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Song, đối với hoạt động cho vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì theo quy định hiện nay, nếu muốn vay trên 100 triệu đồng NLĐ phải có tài sản bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm. Thực tế số tiền vay để đi làm việc ở nước ngoài thấp (hơn 100 triệu đồng) nhưng phải thế chấp tài sản nên NLĐ có sự chọn lựa và vay mượn kinh phí từ nguồn khác để không phải thế chấp tài sản.
Nhằm tạo thuận lợi cho NLĐ, cần có cơ chế cho phép họ vay vốn ưu đãi để đi XKLĐ theo hợp đồng với mức vay theo giá trị thực tế của hợp đồng mà không cần tài sản thế chấp. Bên cạnh đó, xem xét mở rộng đối tượng cho vay đến tất cả NLĐ có nhu cầu vay vốn, duy trì, mở rộng việc làm hoặc đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nhằm góp phần giải quyết việc làm, cải thiện đời sống của NLĐ.
Ông NGUYỄN ĐỨC NAM, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cung ứng Nhân lực Quốc tế và Thương mại (SONA):
Chú trọng đào tạo ngoại ngữ
Chương trình vinh danh của Báo Người Lao Động thực sự ý nghĩa đối với hoạt động đưa NLĐ đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng. Chương trình là dịp các DN nhìn lại kết quả đã đạt được trong năm để tiếp tục phát huy trong thời gian tới. Có được thành tích này, chúng tôi cảm ơn sự chỉ đạo hết sức đúng đắn của Đảng, Chính phủ; sự quan tâm sát sao của Bộ LĐ-TB-XH, Dolab; các cơ quan báo chí, ban ngành liên quan.
27 năm qua, SONA luôn chú trọng quyền lợi NLĐ. Trong đó, thu nhập của NLĐ được công ty đặt ở mức cao nhất khi đi đàm phán với các đối tác nước ngoài (tối thiểu từ 1.000-1.200 USD/tháng); ưu tiên hợp tác với các trường để đào tạo ngoại ngữ tốt nhất cho NLĐ. Bởi khi ra nước ngoài làm việc, ngoài tay nghề, kỹ năng thì NLĐ phải giao tiếp được với đồng nghiệp, quản lý và chủ. Hiện SONA tiếp tục đẩy mạnh mở rộng thị trường, thực hiện nghiêm túc công tác tuyển chọn, đào tạo để từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trước khi phái cử.
Bà DƯƠNG THỊ THU CÚC, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Quốc Tế Sài Gòn (Saigon Intergco):
Chọn mặt gửi vàng
Khi đưa NLĐ đi XKLĐ, Saigon Intergco không chạy theo số lượng mà quan tâm đến chất lượng. Đầu tiên, DN đã ký kết với 13 tỉnh, thành ĐBSCL để thực hiện tốt nhất hoạt động đưa NLĐ đi XKLĐ. Chúng tôi đầu tư cơ sở vật chất như học, ăn, ngủ khép kín để NLĐ, phụ huynh và địa phương an tâm.
Thứ hai, với vai trò công ty phái cử, nếu thấy các em không phù hợp, công ty sẽ định hướng các em làm việc khác. Nhiều trường hợp sau khi đi XKLĐ về nước đủ kiến thức, kỹ năng để khởi nghiệp. Còn các em ở lại, rất nhiều đã lập nghiệp, mua xe, mua nhà… Cho đến nay, chưa có NLĐ nào bỏ trốn. Tôi cho rằng, DN phái cử phải có trách nhiệm đàm phán, không lệ thuộc, nếu nghiệp đoàn nào không tử tế là từ chối.
Điều tôi khá băn khoăn là thời gian vừa qua nổi lên tình trạng DN không có chức năng XKLĐ nhưng lại dự trữ nguồn để "sang tay" cho các DN có chức năng đưa NLĐ đi XKLĐ. Vì thế, các cơ quan chức năng nên quản lý chặt chẽ hơn trong vấn đề này để bảo đảm chất lượng, hiệu quả công tác đưa NLĐ đi XKLĐ.
Ông NGUYỄN XUÂN LANH, Phó Tổng Giám đốc Esuhai Group:
Tận dụng chất xám người lao động
Ngay từ khi thành lập, Esuhai đã xác định mục tiêu không chỉ dừng lại ở việc đưa NLĐ ra nước ngoài làm việc mà còn tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước. DN luôn nhấn mạnh với NLĐ rằng, việc làm việc ở nước ngoài không phải là đích đến cuối cùng, mà là cơ hội để học hỏi, tích lũy kỹ năng và trau dồi bản thân. Khi trở về, những kiến thức và kinh nghiệm thu được sẽ trở thành hành trang quý giá, giúp họ đóng góp tích cực cho cộng đồng và nền kinh tế Việt Nam.
Esuhai Group không chỉ chú trọng đào tạo NLĐ đáp ứng tiêu chuẩn tuyển dụng quốc tế mà còn đặc biệt quan tâm đến hành trình sau khi họ trở về nước. DN định hướng rõ ràng, giúp NLĐ thiết lập mục tiêu học tập và công việc cụ thể, làm nền tảng để họ phát triển lâu dài. Hệ sinh thái của Esuhai Group trải rộng từ khâu phái cử đến hỗ trợ tái hòa nhập, cung cấp cơ hội việc làm và tạo điều kiện để NLĐ hồi hương tiếp tục phát huy năng lực.
Bà TRẦN THỊ QUẾ AN, Giám đốc chuỗi cung ứng kiêm quản lý chất lượng Công ty CP Maycha:
Tôi học được nhiều điều từ người Nhật, DN Nhật
Năm 2007, khi đang làm ở Phòng Nghiên cứu và Phát triển Công ty CP Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn (APT), tôi được Công ty TNHH Inoue (công ty đối tác) chọn sang Nhật học tập và làm việc trong 2 năm. Đó là quãng thời gian rất ý nghĩa, bởi học được nhiều điều từ người Nhật, DN Nhật. Chúng tôi có 6 tháng để học tiếng Nhật nhưng chỉ ở mức độ giao tiếp trong khi công việc của tôi đòi hỏi từ ngữ chuyên sâu.
Thế là, tôi tranh thủ thời gian rảnh rỗi, tìm những người Nhật trẻ, biết tiếng Anh và nhờ họ chỉ tôi các từ chuyên ngành bằng tiếng Nhật. Mỗi ngày, thời gian rảnh tôi đều xem ti vi để học cách phát âm, nắm bắt sự kiện bằng tiếng Nhật. Dần tiếng Nhật khá lên và tôi đọc hiểu, giao tiếp với người Nhật dễ dàng hơn.
Trong 2 năm sống và làm việc ở Nhật, tôi nhận ra, người Nhật rất chi tiết, tỉ mỉ, tập trung nên họ đòi hỏi kỹ năng cao, không được sai sót. Khi vào làm việc, họ không phân biệt người Nhật hay người Việt vì thế, chúng tôi phải luôn trong trạng thái cố gắng để tốt hơn mỗi ngày. Sau đó, tôi về nước tiếp tục làm việc ở APT 2 năm rồi sang làm cho Golden Gate Group, Masan và hiện tại Maycha. Những kiến thức, kỹ năng, cách làm việc, cách quản lý… học được ở Nhật đã giúp ích cho công việc của tôi.
Cảm ơn các đơn vị đồng hành Tọa đàm "Nâng chất lượng, hiệu quả hoạt động đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài" và lễ vinh danh "Doanh nghiệp, đơn vị XKLĐ tiêu biểu năm 2024": Esuhai Group; Công ty TNHH Hợp tác quốc tế Mai Linh; Trường Đại học Mở TP HCM; Tổ chức Tài chính vi mô CEP; Công ty CP Bến xe Miền Tây; Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (SAWACO); Công ty CP Đầu tư Thương mại Quốc tế Sài Gòn Thiên Vương; Công ty TNHH MTV Phát triển Nhân lực Tocontap Sài Gòn.
Bình luận (0)