Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Nguyễn Bá Hoan khẳng định người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài có thu nhập cao hơn so với công việc trong nước, góp phần tích lũy, cải thiện đời sống của bản thân và gia đình. Bên cạnh đó, họ còn được nâng cao tay nghề, tích lũy kinh nghiệm làm việc, kỹ năng nghề nghiệp, rèn luyện ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công việc, trình độ ngoại ngữ…
Đẩy mạnh hợp tác châu Âu
Nhằm bảo đảm chất lượng lao động đưa đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, lãnh đạo Bộ LĐ-TB-XH cho biết công tác tuyển chọn, đào tạo nguồn và tăng cường quản lý chặt chẽ hơn. Việc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp (DN) hoạt động dịch vụ đưa lao động đi xuất khẩu lao động (XKLĐ), bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ được đẩy mạnh.
"Đặc biệt, Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) có hiệu lực từ đầu năm 2022 đã góp phần thúc đẩy, phát triển và nâng cao hoạt động XKLĐ trong thời gian qua" - Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan nhấn mạnh. Cùng với các thị trường truyền thống, Bộ LĐ-TB-XH đang tiếp tục mở rộng, phát triển một số thị trường lao động có mức thu nhập và điều kiện làm việc tốt tại châu Âu, đồng thời mở cửa một số thị trường mới. Hiện nay, số lượng lao động đi làm việc tại thị trường này chưa nhiều nhưng điều kiện làm việc và thu nhập tương đối tốt.
Trong năm 2024, Bộ LĐ-TB-XH tiếp tục mở rộng và phát triển một số thị trường lao động có mức thu nhập cao và điều kiện làm việc tốt tại khu vực châu Âu. Theo Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan, khu vực châu Âu (EU) luôn được đánh giá là những thị trường trọng điểm, có nhu cầu tiếp nhận số lượng lớn lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam.
Thời gian qua, nhiều nước như: Đức, Hy Lạp, Hungary, Romania, Ba Lan, Nga, CH Czech, Phần Lan... đẩy mạnh hợp tác về lao động với Việt Nam bằng những buổi tiếp xúc, làm việc và đàm phán giữa các cơ quan chính phủ. Ngoài các thị trường trên, nhiều DN dịch vụ cũng đang tiếp cận thị trường như Tây Ban Nha, Litva... để đưa lao động sang làm việc.
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan đánh giá Việt Nam và các nước EU có quan hệ hữu nghị và hợp tác phát triển tích cực, ngày càng sâu rộng, hiệu quả và toàn diện, trong đó có lĩnh vực hợp tác lao động. Bởi, các nước EU có nhu cầu bổ sung nguồn nhân lực, bù đắp thiếu hụt lực lượng lao động do già hóa dân số. Việt Nam là nước có dân số trẻ, cần giải quyết việc làm, đào tạo kỹ năng nghề, tác phong lao động công nghiệp.
Qua đó, Việt Nam nắm bắt cơ hội với từng thị trường để tìm giải pháp nâng cao hiệu quả hợp tác, định vị lĩnh vực hợp tác lao động trong tổng thể quan hệ hợp tác song phương giữa Việt Nam và từng đối tác châu Âu.
Ưu tiên lao động có kỹ năng
Tháng 9-2024, Bộ LĐ-TB-XH và Đại sứ quán Úc tại Việt Nam đã công bố triển khai thực hiện hỗ trợ công dân Việt Nam đi làm việc trong ngành nông nghiệp tại Úc theo chương trình Di chuyển lao động giữa Úc và Việt Nam.
Ông Phạm Viết Hương, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH), cho biết theo thỏa thuận giữa hai Chính phủ, phía người sử dụng lao động sẽ chi trả tối thiểu 300 USD tiền vé máy bay. NLĐ không phải trả chi phí dịch vụ cho các DN phái cử. Phó cục trưởng cũng cho hay điều kiện làm việc tại Úc tương đối tốt, NLĐ sẽ làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp và mức lương tính theo tuần vào khoảng 915 USD (hơn 23 triệu đồng).
"Còn các điều kiện khác hai bên đã đưa vào thỏa thuận và thống nhất về điều kiện lao động cho NLĐ Việt Nam giống như người Úc. Như vậy, NLĐ Việt Nam sẽ đạt được phúc lợi tương đối cao khi làm việc tại xứ sở kangaroo" - ông Hương nói.
Mới đây, bà Genevieve Michaud - Bí thư Thứ nhất, Tổng Lãnh sự quán Canada tại Việt Nam - đã có buổi làm việc với Bộ LĐ-TB-XH nhằm trao đổi, thúc đẩy hợp tác đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Canada thời gian tới. Bà Genevieve Michaud cho biết Chính phủ Canada đang đẩy mạnh các chương trình thu hút lao động từ nước ngoài, nhất là lao động tay nghề cao và lao động có kỹ năng được ưu tiên…
Bên cạnh đó, lao động phổ thông cũng được đón nhận, chủ yếu trong các ngành sản xuất, nông nghiệp và dịch vụ. Canada mong muốn đẩy mạnh hợp tác lao động với Việt Nam, nhằm gia tăng số lượng người sang làm việc tại Canada hợp pháp, ngăn chặn tình trạng đưa người di cư trái phép, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của NLĐ.
Bộ trưởng Bộ Nhập cư New Zealand, bà Erica Stanford cho biết nước này vừa công bố một loại thị thực mới dành cho lao động thời vụ với tên gọi "Thị thực làm việc với mục đích cụ thể". Người đi theo diện thị thực này sẽ làm việc trong các lĩnh vực nông nghiệp như trồng cây, hái quả, xây dựng khu trượt tuyết, tham gia các công trình xây dựng tại vùng nông thôn hay phục vụ các đoàn khách du lịch. "Thị thực mới sẽ được bắt đầu mở cửa tiếp nhận vào đầu tháng 4-2025 và NLĐ làm việc tại New Zealand trong vòng 9 tháng" - bà Erica Stanford nói.
Báo Người Lao Động tôn vinh doanh nghiệp XKLĐ tiêu biểu
Sáng nay, 18-12, tại hội trường lầu 2 (cao ốc 127 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM), Báo Người Lao Động tổ chức tọa đàm "Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài" và tổ chức lễ vinh danh "DN, đơn vị XKLĐ tiêu biểu năm 2024".
Sự kiện có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Bá Hoan; Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Phạm Viết Hương; Phó chánh Văn phòng Bộ LĐ-TB-XH, Trưởng Đại diện Văn phòng Bộ tại TP HCM Phạm Anh Thắng và lãnh đạo Sở LĐ-TB-XH nhiều tỉnh, thành, nhiều DN.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 16-12
Bình luận (0)