Các nội dung gồm: Tổng kết thực hiện nghị quyết đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ trước và xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của nhiệm kỳ sau; thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện đại hội của Đảng và văn kiện đại hội Đảng bộ cấp trên; bầu ban chấp hành; bầu đoàn đại biểu dự đại hội Đảng bộ cấp trên.
Các chỉ đạo chung cũng nêu rõ nơi nào thực sự khó khăn về công tác chuẩn bị nhân sự, được cấp ủy có thẩm quyền đồng ý thì đại hội với 3 nội dung, chưa tiến hành bầu cấp ủy khóa mới. Như vậy, các nội dung trên đều rất quan trọng.
Tuy nhiên, đâu đó vẫn có những ý kiến cho rằng đại hội Đảng thực chất chỉ có nội dung về nhân sự là quan trọng. Từ đó, họ thêu dệt nhiều vấn đề về nhân sự, thậm chí xuyên tạc sự thật, đồn đoán vô căn cứ, cố ý công kích cá nhân hoặc gây chia rẽ trong nội bộ... Nếu người tiếp nhận không đủ thông tin, kiến thức thì dễ bị ảnh hưởng, thậm chí hoang mang.
Thực tế, trong nhiều kỳ đại hội của Đảng, những vấn đề đọng lại thường đậm hơn vấn đề nhân sự rất nhiều. Chẳng hạn, tại Đại hội lần thứ II (tháng 2-1951), Đảng ta đã ra hoạt động công khai và đổi tên thành Đảng Lao động Việt Nam, thực hiện nhiệm vụ cơ bản của cách mạng Việt Nam là đánh đuổi đế quốc xâm lược, trừ diệt phản quốc, làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập, thống nhất, xóa bỏ chế độ phong kiến và nửa phong kiến, làm cho người cày có ruộng, tiến lên CNXH… Đại hội II đã có những định hướng quan trọng để giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Pháp 3 năm sau đó.
Tại Đại hội lần thứ VI (tháng 12-1986), Đảng ta thẳng thắn nêu nguyên nhân những hạn chế của đất nước, trong đó nhấn mạnh "những sai lầm nghiêm trọng và kéo dài về chủ trương, chính sách lớn, sai lầm về chỉ đạo chiến lược và tổ chức thực hiện", đặc biệt là bệnh chủ quan duy ý chí, lạc hậu về nhận thức lý luận. Trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình đất nước, đại hội đã đề ra đường lối đổi mới.
Sau đó, tại Đại hội lần thứ VII (tháng 6-1991), Đảng đã đề ra Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH với 5 bài học kinh nghiệm hết sức sâu sắc, đồng thời xác định thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước ta là một quá trình lâu dài, trải qua nhiều chặng đường.
Tại Đại hội lần thứ XIII (tháng 1-2021), Đảng nêu những định hướng phát triển đất nước có tầm nhìn rất xa. Trong đó, đại hội xác định đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, Việt Nam sẽ là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam sẽ trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Như vậy, đại hội là đợt sinh hoạt chính trị rất quan trọng của tổ chức Đảng, từ cơ sở đến Trung ương, bàn rất nhiều vấn đề trọng yếu của địa phương, đơn vị, đất nước, tức là sẽ tác động trực tiếp đến rất nhiều người. Nhìn lại các kỳ đại hội Đảng toàn quốc đã qua, nhiều quyết sách quan trọng mang tính quyết định đến sự phát triển của đất nước, đến việc nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân đã được thông qua. Đại hội đã thảo luận và quyết định những nội dung mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân ta, đất nước ta; chứ không phải chỉ giải quyết các vấn đề nhân sự.
Bình luận (0)