Chiều 1-6, BS CK2 Võ Đức Chiến, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP HCM), cho biết bệnh viện đã tổ chức thăm khám, tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao cho khoảng 300 trẻ tại TP HCM và các tỉnh lân cận.
Theo bác sĩ Chiến, chương trình nhằm phát hiện kịp thời những trẻ gặp vấn đề chậm tăng trưởng chiều cao, đặc biệt là do thiếu hormone tăng trưởng (GH); cung cấp kiến thức và hướng dẫn phụ huynh cách chăm sóc, theo dõi quá trình tăng trưởng của trẻ để đảm bảo sự phát triển toàn diện và khoẻ mạnh.
"Sau 8 năm, đến nay đã có 2.400 trẻ được tầm soát tăng trưởng miễn phí. Trong đó, phát hiện 200 trẻ thiếu hóc-môn tăng trưởng. Việc tầm soát nhằm giúp sớm phát hiện trẻ chậm cao do thiếu hormone tăng trưởng – một bệnh lý khá hiếm gặp, khó nhận biết nhưng lại là nguyên nhân phổ biến gây chậm cao ở trẻ. Nhờ đó, trẻ được điều trị kịp thời và cải thiện chiều cao hiệu quả trước khi quá muộn" - bác sĩ Chiến giải thích.
Bác sĩ Chiến cho biết sau khi thăm khám cho trẻ, các bác sĩ cũng dành thời gian để cập nhật các thông tin về chậm tăng trưởng chiều cao do thiếu GH đến phụ huynh và cộng đồng, bao gồm dấu hiệu nhận biết căn bản, thăm khám đúng chuyên khoa; thời điểm, cách thức và những lưu ý khi cho trẻ điều trị.
Sau khi đọc được thông tin thăm khám miễn phí tăng trưởng chiều cao, anh Đ.T (ngụ TP HCM) đưa con gái 7 tuổi đến khám. Anh T. cho biết con gái anh 7 tuổi nhưng chỉ cao 1,05m. Trước đó, nhận thấy con thấp bé hơn các bạn, anh đã đưa đi khám dinh dưỡng. Sau thời gian bổ sung vi chất, chiều cao của bé vẫn không cải thiện.
"So với các bạn cùng lớp, con tôi nhỏ nhất và nhỏ hơn rất nhiều. Tôi đã cho bé dùng các chất ăn uống dinh dưỡng và thực phẩm bổ sung nhưng không cải thiện. Hy vọng qua buổi khám này sẽ có liệu trình điều trị, tránh ảnh hưởng đến tầm vóc con sau này" - anh T. bày tỏ.
Chị L.H.H (ngụ Tây Ninh) cho biết con trai chị 6 tuổi nhưng chỉ cao hơn 1m, nặng 16kg. "Trong lớp, con tôi cũng thấp bé hơn các bạn nên tôi muốn cho bé thăm khám để kịp phát hiện; tránh tình trạng sau này lớn lên, con sẽ tự ti với các bạn vì chiều cao của mình" - chị H. kỳ vọng.
Theo bác sĩ Trần Thị Ngọc Anh, Khoa Nội tiết - Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, đa số trẻ chỉ được phát hiện chậm tăng trưởng chiều cao khi đến tuổi đi học. Bởi lẽ, lúc này mới có điều kiện so sánh chiều cao với các bạn đồng trang lứa. Bên cạnh đó, trẻ cũng có thể được phát hiện tình cờ khi trẻ đi khám một bệnh lý khác.
"Cha mẹ nên theo dõi sát chiều cao của bé, nếu thấy tốc độ tăng trưởng dưới 4cm/năm thì nên đưa đi khám ngay. Nếu phát hiện sớm, trẻ hoàn toàn có thể đạt được chiều cao gần với mức bình thường hoặc thậm chí phát triển bình thường như những đứa trẻ cùng tuổi" - bác sĩ Ngọc Anh nhấn mạnh.
Bình luận (0)