Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng đồng bằng một tỉnh nhỏ miền Tây.
Nơi ấy không có nhiều cánh đồng lúa trải dài nhưng đến mùa lúa vẫn có những tấm thảm xanh mướt, rập rờn theo từng cơn gió.
Quê hương không chỉ là nơi chôn nhau cắt rốn, với tôi, còn là cả bầu trời ký ức. Là mùi đất ẩm sau mưa, tiếng cười giòn tan của lũ trẻ thả diều trên bờ ruộng, những buổi bắt còng, bắt cá... Nhưng có một thứ luôn khiến lòng tôi chùng xuống mỗi khi nhớ về: khói đốt đồng.
Hồi đó quê tôi không có nhiều cảnh khói đốt đồng bởi mỗi năm chỉ làm một vụ lúa. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy khói đốt đồng là khi ở với ngoại để đi học.
Đó là một buổi chiều cuối mùa gặt trên thửa ruộng bưng, khi những thửa ruộng đã trơ gốc rạ, khô khốc dưới nắng. Tôi tha thẩn chơi cùng đám bạn, nhìn thấy từ xa một làn khói trắng bốc lên, mịt mù... Ngoại nói: "Người ta đốt rạ để sạch đất, chuẩn bị trồng rau…".
Màu khói đốt đồng cũng tựa màu khói các chái bếp của những ngôi nhà lợp lá dừa nước, lơ lửng ở các ngọn tre, ở những không gian đặc quánh thân thuộc của làng quê nhưng đủ khiến người ta "coi khói đốt đồng để ngậm ngùi…" (lời bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Bắc Sơn).
Lớn lên, tôi có dịp đi nhiều nơi trong nước. Có lần ra đến biên giới phía Bắc, nhìn ở bản xa có những ngọn khói bốc lên từ các chòm cây, lan đến các đỉnh núi chập chùng, tôi đoán chắc không phải khói đốt đồng nhưng lại khiến nỗi nhớ quê thêm da diết.
Lần khác, đi công tác ở Trường Sa, cuối ngày có những làn mây mỏng là đà trên mặt biển, lòng cứ ngỡ đó là khói đốt đồng ở quê nhà.
Hay lần đi phượt miền Tây, nhìn những đám khói đốt đồng uốn lượn, hòa với màu mây trong bóng chiều chập choạng, bao nhiêu ký ức ùa về… Vậy đó, mỗi lần thấy màu khói, tôi lại tìm thấy một cảm giác thân thuộc khó tả.
Khói đốt đồng, với tôi, đã là một phần của nhịp sống, một phần của hình ảnh quê nhà. Tôi từng dành hàng giờ lang thang trên những cánh đồng, nhìn khói bay lên, để chụp những bức ảnh về khói và tự hỏi liệu khói ấy có mang theo những câu chuyện của cánh đồng, của những giọt mồ hôi rơi trên đất, của những ngày nắng cháy da hay mưa dầm dề đồng trắng nước?
Bây giờ, nhiều nơi không còn khói đốt đồng. Người ta thu gom rơm rạ để dùng nhiều việc khác hoặc biến thành phụ phẩm phục vụ cho hoạt động sản xuất. Hoặc nông dân dùng máy bừa để làm rơm rạ nhanh; hơn nữa, bây giờ đều là lúa thấp giàn, rơm cũng không nhiều…
Mỗi khi thoáng thấy một làn khói mỏng manh bay lên từ đâu đó, lòng tôi như sống lại cả một trời tuổi thơ. "Nhật mộ hương quan hà xứ thị?/ Yên ba giang thượng sử nhân sầu" (nhà thơ Thôi Hiệu), Tản Đà dịch: "Quê hương khuất bóng hoàng hôn/ Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai?"…
Đôi lúc, trong tĩnh lặng, tôi khẽ nhắm mắt, để làn khói trong miền ký ức lững lờ trôi qua. Không chỉ là khói đốt đồng năm nào, mà là mùi hương của quá khứ, là thanh âm thầm lặng của quê nhà trong tim. Gần 40 năm xa quê, nỗi nhớ ấy vẫn cháy âm ỉ, như làn khói mong manh mà không bao giờ tan biến.
Bình luận (0)