xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tôi sẽ về sông nước của quê hương

Bài và ảnh: VÕ QUÝ CẦU

Khác với những dòng sông lớn ở Quảng Ngãi như Trà Khúc, Vệ, Trà Câu..., sông Trà Bồng (huyện Bình Sơn) 4 mùa ăm ắp nước. Sông đi vào thơ ca tự nhiên, đằm thắm tình quê

Cuối tháng 6-2024, ngành du lịch Quảng Ngãi phối hợp với một số công ty du lịch lữ hành khảo sát, đánh thức tiềm năng du lịch vùng hạ lưu sông Trà Bồng.

Thăm nhà thi sĩ Tế Hanh

Sông Trà Bồng phát nguyên từ những dãy núi cao của huyện Trà Bồng - nơi đồng bào Co từ lâu đời trồng quế. Ở vùng thượng nguồn của sông có quần thể di tích cuộc khởi nghĩa Trà Bồng nổ ra vào tháng 8-1959, có điện Trường Bà đều là di tích lịch sử văn hóa quốc gia.

Sông băng qua nhiều đồng bãi xuôi về hạ lưu, con nước lững lờ trôi...

Tế Hanh - người được mệnh danh là nhà thơ quê hương - sinh ra, lớn lên ở vùng hạ lưu dòng sông này. Những năm xa quê ra Huế học, ông viết: "Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới/ Nước bao vây cách biển nửa ngày sông". Rồi khi tập kết ra Bắc, ông viết: "Quê hương tôi có con sông xanh biếc/ Nước gương trong soi tóc những hàng tre (...) Tôi sẽ về sông nước của quê hương. Tôi sẽ về sông nước của tình thương".

Tháng năm xưa lùi sâu vào ký ức nhưng dòng sông quê còn đó. Mùa hạ về, nước vẫn trong xanh và bờ tre vẫn ríu rít tiếng chim kêu. Khách phương xa hay người xứ Quảng xa quê, trở về thăm dòng sông khá thuận tiện. Từ TP Quảng Ngãi có thể đi xe máy, xe buýt, taxi về phía Bắc 20 km đến thị trấn Châu Ổ là có thể ngắm vùng hạ lưu của dòng sông mênh mông và mát rượi trong sắc trời chiều.

Nhiều du khách yêu quý nhà thơ Tế Hanh tìm về ngôi nhà xưa nơi ông cất tiếng khóc chào đời tại thôn Đông Yên, xã Bình Dương. Họ có thể đi theo đường bộ, bắt đầu từ ngã tư Lý Bình nằm ở bờ Bắc sông Trà Bồng hoặc từ vùng Giao Thủy, xã Bình Thới băng qua chiếc cầu sắt kiên cố. Nhưng hấp dẫn hơn vẫn là thuê một chiếc đò dọc từ bến sông Châu Ổ xuôi dòng.

Làng quê xưa của Tế Hanh "nước bao vây cách biển nửa ngày sông", đã thay đổi nhiều. Trường Đông Yên, nơi tuổi thơ ông theo học, giờ là ngôi trường cao tầng và Chợ Hôm ngày trước tấp nập thuyền về, nay là khu chợ khá bề thế.

Từ đó, theo dọc con đường bê tông vòng qua xóm là đến ngôi nhà thuở ấu thơ của thi sĩ Tế Hanh. Ngôi nhà làm bằng khung gỗ, mái lợp ngói qua mấy bận tu sửa vẫn giữ được dấu xưa. Trên bàn thờ là hình của song thân và trên bộ phản là hình của nhà thơ với nụ cười hiền lành, đôn hậu.

Tôi sẽ về sông nước của quê hương- Ảnh 1.

Sông Trà Bồng quanh năm đầy ắp nước

Tôi sẽ về sông nước của quê hương- Ảnh 2.

Ngôi nhà xưa của nhà thơ Tế Hanh

Thưởng thức món ngon nồng vị biển

Rời nhà của nhà thơ, du khách có thể thăm vạn chài Đông Yên cạnh đó, được xây dựng khá lâu đời. Nếu đến thăm vào lúc đầu năm hoặc cuối mùa biển có thể xem lễ cúng thần Nam Hải, được nghe hát bả trạo (tức hò chèo thuyền) của ngư dân, xem nghề đan thúng chai, ngắm nhìn cánh đồng rau màu bạt ngàn xanh trong nắng hè.

Ở xã Bình Dương lâu rồi đã có khu ẩm thực hàng dương nằm ở bờ Bắc sông Trà và phía Nam có rừng dừa nước Cà Ninh thuộc xã Bình Phước. Đến đây, du khách có thể bơi ghe máy, thúng chai trong rừng dừa và thưởng thức những món ngon nồng vị biển như cua hấp chấm muối tiêu, mực luộc chấm mắm gừng, cá đối hấp hành...

Nhiều du khách cao hứng tiếp tục thuê thuyền máy xuôi dòng về cửa biển Sa Cần ngắm hòn Ông, hòn Bà và những công trình của Khu Kinh tế Dung Quất. Từ cửa Sa Cần trở về thị trấn Châu Ổ, du khách có thể chọn một khách sạn hay nhà nghỉ bên sông, ghé thăm làng gốm Mỹ Thiện tồn tại trên 300 năm. Ở đây có khu nhà trưng bày của ông Lâm Zủ Xênh với nhiều hiện vật gốm và xem đôi tay người thợ tài hoa Đặng Văn Trịnh chế tác những sản phẩm gốm dân dụng và gốm mỹ nghệ, hiểu hơn về màu men hỏa biến (nghĩa là sản phẩm làm cốt, xối men nhưng màu sắc của sản phẩm phụ thuộc vào ngọn lửa trong lò - PV) nên mỗi sản phẩm là một tiêu bản có màu sắc không giống nhau.

Ở giữa lòng thị trấn bên sông này từ lâu cũng đã hình thành một khu ẩm thực (nằm ở khu vực UBND thị trấn Châu Ổ cũ) với nhiều món ngon như mì Quảng, phở Bắc có từ lâu đời hay món ram, thịt nướng, bún thịt nướng... 

Trước mắt, huyện Bình Sơn quy hoạch mời gọi đầu tư tuyến du lịch bên sông Trà Bồng đoạn từ thị trấn Châu Ổ đến xã Bình Dương - quê hương của nhà thơ Tế Hanh.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo