Công ty CP Chứng khoán SSI khuyến nghị trung lập cổ phiếu FPT của Công ty CP FPT với giá mục tiêu 114.100 đồng/cổ phiếu.
Trong năm 2023, FPT đạt 52.600 tỉ đồng doanh thu (tăng 19,6% so với cùng kỳ). Lợi nhuận sau thuế và lợi ích cổ đông thiểu số đạt 6.500 tỉ đồng (tăng 21,9% so với cùng kỳ), lần lượt hoàn thành 98% và 101% dự báo của SSI cho năm 2023.
Theo SSI, tăng trưởng của FPT từ thị trường Mỹ và châu Âu cao hơn dự kiến. Ngoài ra, trong tháng 3-2024, FPT công bố mua lại Next Advanced Communications NAC Co., Ltd. (NAC), một công ty dịch vụ công nghệ của Nhật Bản.
FPT đặt mục tiêu tăng gấp đôi số khách hàng cũng như danh mục dịch vụ tại thị trường Nhật Bản thông qua thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) này. Đây là yếu tố tác động có thể làm tăng ước tính của SSI đối với mảng công nghệ thông tin (CNTT) nước ngoài.
Tuy nhiên, lương kỹ sư CNTT cao hơn dự kiến; doanh thu từ phần mềm và dịch vụ CNTT thấp hơn dự kiến; tiến độ triển khai ngành vi mạch bán dẫn trong mảng giáo dục chậm hơn dự kiến. Do đó, SSI đưa ra khuyến nghị trung lập cổ phiếu FPT, với giá mục tiêu 114.100 đồng/cổ phiếu.
Công ty TNHH Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) khuyến nghị mua cổ phiếu PNJ của Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận với giá mục tiêu 90.100 đồng/cổ phiếu.
Trong tháng 1-2024, tổng doanh thu của PNJ đạt 3.800 tỉ đồng (giảm 7% so với cùng kỳ). Lợi nhuận sau thuế giảm 19%, chỉ đạt 245 tỉ đồng.
Cũng trong tháng 1, PNJ đã mở thêm 2 cửa hàng mới, nâng mạng lưới lên 402 cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc.
YSVN kỳ vọng kết quả kinh doanh tháng 2 của PNJ sẽ tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu mua thường tăng trong dịp Tết hằng năm. PNJ cũng đã cho ra mắt dòng sản phẩm vàng mini có trọng lượng 0,3 đến 0,5 chỉ trong dịp Tết 2024 và nhận được nhiều sự quan tâm chủ yếu từ nhóm khách hàng trẻ tuổi.
Trên cơ sở đó, YSVN khuyến nghị mua cổ phiếu PNJ với giá mục tiêu 90.100 đồng/cổ phiếu.
Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) khuyến nghị mua cổ phiếu OCB của Ngân hàng TMCP Phương Đông với giá mục tiêu 18.100 đồng/cổ phiếu.
Cả năm 2023, OCB đã duy trì mức tăng trưởng cao so với toàn ngành nhờ vào việc mở rộng các nguồn thu ngoài lãi và kiểm soát tốt được các cấu phần chi phí với CIR (chỉ số chi phí trên thu nhập) giảm 280 điểm cơ bản và chi phí tín dụng giảm 11 điểm cơ bản so với năm 2022.
Nhờ đó, OCB ghi nhận tổng thu nhập hoạt động và lợi nhuận trước thuế lần lượt là là 9.500 tỉ đồng và 5.200 tỉ đồng, tăng 11,6% và 19% so với cùng kỳ.
Năm 2024, VDSC kỳ vọng ngân hàng OCB sẽ đạt mức tăng trưởng tín dụng ở mức 20%, kết hợp với biên lãi ròng (NIM) cải thiện lên mức 3,73% nhờ vào nhu cầu cải thiện của khối bản lẻ kể từ giai đoạn cuối năm 2023 và dòng tiền của các doanh nghiệp tốt lên khi các gói hỗ trợ kết thúc sẽ giúp thu nhập lãi thuần của OCB tăng trưởng 20,5%.
Đồng thời, các nguồn thu về phí (mảng thẻ, quản lý tài khoản doanh nghiệp) và thu hồi nợ xấu thông qua thanh lý tài sản tiếp tục cải thiện bù đắp cho hiệu ứng từ thu nhập từ đầu tư chứng khoán không còn quá mạnh mẽ. Theo đó, tổng thu nhập và lợi nhuận trước thuế của OCB được dự phóng trong năm 2024 ước tính lần lượt đạt 11.300 tỉ đồng và 6.200 tỉ đồng, tăng 19,6% và 19,3% so với cùng kỳ.
Vì vậy, VDSC khuyến nghị mua cổ phiếu OCB với giá mục tiêu 18.100 đồng/cổ phiếu.
(Những phân tích và khuyến nghị của các công ty chứng khoán chỉ mang tính chất tham khảo).
Bình luận (0)