- Chị NGUYỄN NGỌC HƯƠNG, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thiên Nhiên Việt (sở hữu thương hiệu bột rau Quảng Thanh), trả lời:
Những bài học mà tôi rút ra sau 8 năm khởi nghiệp không phải là mới, chủ yếu là các bài học kinh điển nhưng các startup mắc phải rất nhiều.
Thứ nhất, khi khởi nghiệp, các startup thường dựa vào những điều bản thân đã biết và có thể làm mà không nghĩ đến thị trường. Tức là, DN bán cái mình có chứ không phải cái thị trường cần.
Chúng tôi từng rất tâm huyết với sản phẩm bột rau ngót và nghĩ rằng người tiêu dùng, nhất là phụ nữ sau sinh, phụ nữ chăm con, sẽ ưa chuộng. Thế nhưng, thực tế nhu cầu của người tiêu dùng rất thấp, chúng tôi phải rất vất vả để bán từng gói bột rau ngót. Sau này, chúng tôi phát hiện các cơ sở, nhà máy chế biến có nhu cầu bột rau ngót để tạo màu cho những sản phẩm bún, bánh, phở… nên biến dòng sản phẩm này thành nguyên liệu, cung cấp sỉ cho các đơn vị sản xuất.
Điều đó cho thấy việc nghiên cứu thị trường hết sức quan trọng. Khi đưa sản phẩm, dịch vụ ra thị trường, trước tiên phải nghĩ đến khách hàng. Phải trả lời được câu hỏi liệu đó có phải là thứ thị trường cần? Nếu không, DN sẽ phải mất nhiều thời gian làm thị trường và nhiều DN khởi nghiệp không đủ nguồn lực để chờ đến ngày thành công.
Thứ hai, startup phải học về tài chính để kiểm soát tài chính tốt ngay từ đầu, tránh phải trả giá đắt cho những sai lầm cơ bản trong quản lý tài chính. Thông thường, DN khởi nghiệp không dự trù hết các khoản chi phí phát sinh và chi lố so với kế hoạch. Với lĩnh vực nông sản, giá nguyên liệu có biên độ biến động rất lớn, DN cần có khoản dự phòng cho tình huống này.
Thứ ba, với DN nông sản, chế biến thực phẩm, phải tuyệt đối tuân thủ về pháp lý, an toàn thực phẩm. Nếu không, DN có thể bị thu hồi giấy phép thì không thể kinh doanh, xuất khẩu được nữa.
Bình luận (0)