Theo Bộ Nội vụ, thời gian qua, mặc dù cơ quan BHXH thực hiện nhiều giải pháp nhằm hạn chế tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Tuy nhiên, tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN vẫn còn diễn ra ở nhiều DN, địa phương, bình quân trên 10.000 tỉ đồng/năm. Đặc biệt vẫn còn tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm diễn ra thời gian dài, khó có khả năng thu hồi, ảnh hưởng tới việc giải quyết chế độ BHXH của người lao động (NLĐ).

DN nợ BHTN khiến hàng trăm công nhân Công ty TNHH SX-TN-DV Vinh Thông không được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi nghỉ việc
Chẳng hạn, mới đây, hàng trăm công nhân từng làm việc tại Công ty TNHH May Minh Hoàng 2 (KCN Điện Nam - Điện Ngọc, tỉnh Quảng Nam) đã tập trung trước cổng công ty để yêu cầu giải quyết quyền lợi khi nghỉ việc. Theo đó, bên cạnh 50% số tiền thưởng Tết Nguyên đán 2025 công ty hứa trả vào ngày 31-3-2025 nhưng không thực hiện, điều NLĐ bức xúc hơn cả là khoản nợ BHXH, BHYT, BHTN kéo dài 33 tháng (tổng số tiền hơn 10,3 tỉ đồng) khiến họ không thể chốt sổ BHXH để hưởng trợ cấp thất nghiệp và tham gia tiếp BHXH khi tìm công việc mới.
Tương tự, tại TP HCM, hơn 300 lao động cũng bị Công ty TNHH SX-TN-DV Vinh Thông (KCN Tân Bình, TP HCM) nợ BHXH, BHYT, BHTN kéo dài gần 3 năm khiến NLĐ không được hưởng các quyền lợi liên quan. Chị Đinh Thị Bích Hạnh, công nhân công ty này cho biết do bị nợ 65% lương tháng 12-2024 và trọn lương tháng 1-2025, chị cùng tập thể công nhân đã nghỉ việc.
Chị Hạnh đang mang thai tháng thứ 8 nên không thể tìm việc làm mới. Bên cạnh đó, công ty nợ bảo hiểm, không làm thủ tục thôi việc, chốt, trả sổ BHXH cho NLĐ nên dù đã tham gia BHXH, BHYT, BHTN 7 năm nhưng chị Hạnh không được hưởng trợ cấp thất nghiệp; khi sinh con không được hưởng BHYT và chế độ thai sản. Do đó cuộc sống những ngày sắp tới của chị Hạnh vô cùng khó khăn.
Để xử lý hành vi chậm đóng, trốn đóng BHTN, bảo vệ quyền lợi NLĐ, tại dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đã bổ sung một số biện pháp chế tài. Cụ thể, tại khoản 5 và khoản 7 điều 38 dự thảo luật quy định việc xử lý hành vi chậm đóng, trốn đóng BHTN được thực hiện theo quy định của Luật BHXH;

Lao động nữ mang thai gặp nhiều khó khăn vì không được hưởng trợ cấp thất nghiệp, khó tìm việc làm mới
Người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng đủ BHTN theo quy định đối với người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc chấm dứt làm việc để kịp thời giải quyết chế độ BHTN cho NLĐ.
Trường hợp người sử dụng lao động không đóng đủ BHTN cho NLĐ thì phải trả khoản tiền tương ứng với các chế độ BHTN mà NLĐ được hưởng theo quy định của pháp luật.
Luật sư Nguyễn Văn Phúc, Đoàn Luật sư TP HCM, chia sẻ hiện nay, đối với trường hợp doanh nghiệp nợ BHTN, NLĐ vẫn có thể được nhận số tiền tương ứng với khoản trợ cấp thất nghiệp nhưng họ phải khởi kiện ra tòa, gặp nhiều khó khăn. Việc dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) bổ sung quy định "người sử dụng lao động không đóng đủ BHTN cho NLĐ thì phải trả khoản tiền tương ứng với các chế độ BHTN mà NLĐ được hưởng" sẽ tạo thuận lợi hơn cho NLĐ.
Tuy nhiên, BHTN không chỉ có trợ cấp thất nghiệp mà còn bao gồm cả các chính sách khác như hỗ trợ chi phí đào tạo nghề, vay vốn tạo việc làm…do đó, cần có quy định cụ thể hơn về quy định này để tiện trong việc thực thi. Chẳng hạn, cần làm rõ "khoản tiền tương ứng với các chế độ BHTN mà NLĐ được hưởng" là những khoản nào? NLĐ phải làm gì hoặc cơ quan nào có thẩm quyền buộc người sử dụng lao động thực hiện quy định này? Chế tài ra sao nếu người sử dụng lao động không thực hiện nghĩa vụ?...
Ông Phạm Văn Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM, đề xuất nên có thêm quy định về giải quyết quyền lợi liên quan BHTN cho NLĐ tại các doanh nghiệp nợ BHTN khó có khả năng thu hồi như chủ bỏ trốn, phá sản, ngừng hoạt động…
"Nhiều NLĐ bị trừ lương hằng tháng, tham gia BHTN thời gian dài, nhưng vì doanh nghiệp trốn đóng, nợ đóng BHTN nên không được hưởng bất cứ quyền lợi gì. NLĐ không có lỗi nhưng phải chịu thiệt thòi là chưa công bằng và thể hiện sự sẻ chia với họ, nhất là những lao động lâm vào cảnh thất nghiệp khi đã lớn tuổi, khó tìm việc làm mới. Do đó, cần có chính sách hỗ trợ, giải quyết quyền lợi cho NLĐ trong trường hợp này để NLĐ bớt khó khăn" - ông Hiền nhấn mạnh.
Theo Điều 40 và 41 Luật BHXH 2024, từ 1-7-2025, các biện pháp chế tài đối với người sử dụng lao động có hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm BHXH, BHTN bao gồm:
- Bắt buộc đóng đủ số tiền chậm đóng và đóng đủ số tiền trốn đóng;
- Nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền BHXH, BHTN chậm đóng, trốn đóng và số ngày chậm đóng, trốn đóng vào quỹ BHXH, BHTN.
- Xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Riêng trường hợp trốn đóng còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
- Không xem xét trao tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng.
Bình luận (0)