Theo quy định hiện hành, trong thời hạn 3 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, người lao động (NLĐ) nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) tại trung tâm dịch vụ việc làm (DVVL) do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập. Do quy định về thời gian, nên nhiều NLĐ không được hưởng TCTN.
Bị "hành"
Đại diện Công ty TNHH KOL (quận 1, TP HCM) cho biết ở công ty có trường hợp NLĐ khi nghỉ việc mới phát hiện trong tờ rời BHXH bị chốt sai thời gian bảo lưu hưởng TCTN (thời gian thực tế 48 tháng nhưng tờ rời chỉ thể hiện 7 tháng).
Khi phát hiện vụ việc, doanh nghiệp (DN) đã thông tin đến cán bộ thu BHXH thì được yêu cầu nộp tờ rời kèm theo phiếu giao nhận hồ sơ 620 (mẫu xác nhận quá trình đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN)… của người tham gia đã nộp đủ tiền). Gần nửa tháng sau, cán bộ BHXH báo lại do trên hệ thống chưa cập nhật đầy đủ thời gian bảo lưu hưởng TCTN nên NLĐ phải tự liên hệ cơ quan BHXH để làm hồ sơ 629 (xác nhận lại sổ BHXH khi người tham gia dừng hưởng hoặc kết thúc đợt hưởng BHTN).
Trước đó, khi báo tăng đóng BHXH cho NLĐ, công ty đã nộp kèm theo quyết định về việc tạm dừng hưởng TCTN của NLĐ. "Việc trên hệ thống không ghi nhận đủ thời gian bảo lưu BHTN không phải lỗi của NLĐ. Song, vì điều này NLĐ phải đi lại làm thủ tục nhiều lần, kéo dài, trong khi thời gian đăng ký hưởng TCTN chỉ có 90 ngày, khiến họ có nguy cơ không được hưởng TCTN" - đại diện công ty nói.

Hàng trăm lao động tại một doanh nghiệp ở quận Tân Phú, TP HCM không được hưởng trợ cấp thất nghiệp do bị nợ bảo hiểm thất nghiệp
Tương tự, trường hợp lao động ở Công ty TNHH K.P (quận 11, TP HCM) nghỉ việc đã gần nửa năm nhưng chưa chốt sổ BHXH được nên không thể hưởng BHTN. Theo đó, khi công ty làm thủ tục chốt sổ BHXH thì phát hiện NLĐ có 2 số sổ BHXH, tham gia ở 2 nơi là TP HCM và tỉnh Long An.
Bên cạnh đó, NLĐ còn bị sai tên trên sổ BHXH nên phải làm các thủ tục gộp sổ và điều chỉnh thông tin. NLĐ này phải đi lại nhiều lần đến BHXH TP HCM và Long An để làm thủ tục, dẫn đến mất thời gian, không kịp làm hồ sơ hưởng TCTN theo quy định.
Còn bà Võ Thị Kim Thư (TP Thủ Đức, TP HCM) làm việc tại một DN ở Bình Dương và chính thức nghỉ việc từ ngày 30-6-2023 nhưng đến ngày 13-11-2023 mới được chốt và trả sổ BHXH. Khi bà Thư nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN thì bị trung tâm DVVL từ chối do quá thời hạn. Bức xúc bà Thư kiện công ty ra tòa. "Tháng 2-2025, tòa tuyên buộc công ty phải bồi thường cho tôi số tiền bằng với khoản hưởng TCTN. Nhưng tôi phải mất hơn 1 năm đi kiện, tốn tiền bạc và sức lực. Nếu thời gian nộp hồ sơ hưởng BHTN không bị khống chế thì đỡ vất vả hơn" - bà Thư bày tỏ.
Cần thay đổi quy định
Bà Nguyễn Thị Ngọc Nga - Trưởng Phòng Nhân sự một DN tại huyện Củ Chi, TP HCM - cho hay hiện nay, hầu hết NLĐ khi nghỉ việc đều đăng ký hưởng TCTN ngay nếu đủ điều kiện. Trong số họ có những người chưa thật sự cần đến khoản TCTN, nhưng vẫn hưởng để an tâm, để không bị mất quyền lợi. Bởi ít NLĐ có thể bảo đảm rằng trong vòng 3 tháng kể từ khi nghỉ việc họ có thể tìm được việc làm ngay và đóng tiếp BHTN.
Chưa kể theo quy định hiện hành, NLĐ chỉ được hưởng tối đa 12 tháng TCTN nên những người đóng BHTN lâu năm sẽ hưởng để tránh thiệt thòi. Điều này không có lợi cho quỹ BHTN, đồng thời tạo ra tình trạng trục lợi quỹ khi NLĐ thỏa thuận với DN không đóng BHTN để tiếp tục hưởng TCTN dù đã có việc làm. Do đó, theo bà Nga, không nên khống chế thời gian đăng ký hưởng BHTN của NLĐ.
Góp ý cho dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), BHXH TP HCM cũng kiến nghị nên bỏ quy định thời hạn nộp hồ sơ hưởng TCTN trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng vì không cần thiết. Việc hủy bỏ quy định cũng sẽ khuyến khích NLĐ tìm kiếm việc làm và chỉ đăng ký hưởng TCTN sau khi đã nỗ lực chủ động tìm kiếm việc làm nhưng thành công. Điều này cũng giúp giảm tải cho các trung tâm DVVL trong khâu tiếp nhận hồ sơ của NLĐ và vẫn bảo đảm tại thời điểm đăng ký hưởng TCTN của NLĐ không có việc làm và đủ điều kiện hưởng.
Ông Phạm Văn Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM, cho rằng nếu không thể hủy bỏ quy định trên thì nên gia hạn thời gian nộp hồ sơ hưởng BHTN của NLĐ lên 6 tháng thay vì 3 tháng như hiện nay. Bởi hiện nay có khá nhiều DN chậm đóng, nợ đóng BHTN dẫn đến NLĐ bị chậm chốt, trả sổ BHXH.
Ngoài ra, cũng cần cho NLĐ khoản thời gian rộng hơn để họ cân nhắc, lựa chọn để xác định phương án phù hợp nhất cho bản thân: bảo lưu hay hưởng BHTN và các chính sách liên quan như đào tạo nghề, giới thiệu việc làm…
Xử phạt nếu khai báo không trung thực
Tại hội thảo tham vấn ý kiến về Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) do Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội vừa tổ chức ở TP HCM, nhiều đại biểu đã kiến nghị nghiên cứu để cơ quan BHXH thực hiện toàn bộ quy trình về BHTN nhằm tạo thuận lợi cho NLĐ, cũng như công tác quản lý. Cụ thể, theo quy định của Luật Việc làm 2013, cơ quan BHXH được giao nhiệm vụ thu BHTN nhưng các trung tâm DVVL lại là nơi giải quyết hồ sơ và đề xuất ban hành quyết định hưởng TCTN cho NLĐ. Điều này phát sinh nhiều bất cập do việc triển khai không liền mạch. Chẳng hạn, các trung tâm DVVL không có dữ liệu của NLĐ, khi tiếp nhận thông báo việc làm phần lớn chỉ căn cứ vào sự trung thực của NLĐ. Sau đó, khi rà soát dữ liệu NLĐ tham gia tăng mới, cơ quan BHXH mới phát hiện ra các trường hợp sai sót và thông báo ngược lại.
Bên cạnh đó, trước thực trạng nhiều NLĐ đang hưởng TCTN có việc làm nhưng không khai báo, dừng hưởng theo quy định, các đại biểu đề xuất cần bổ sung thêm chế tài xử phạt. Cá nhân có hành vi khai báo không trung thực về tình trạng việc làm dẫn đến hưởng TCTN không đúng hoặc có hành vi khác vi phạm quy định, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm để xử phạt...
Bình luận (0)