Phóng viên Báo Người Lao Động đã có cuộc trao đổi với ông Thái Như Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA), về những giải pháp để xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt kim ngạch 5 tỉ USD, thậm chí cao hơn nữa.
Phóng viên: Thưa ông, đến nay, niên vụ cà phê (tính từ tháng 10 năm trước đến tháng 9 năm sau) 2023-2024 đã qua gần nửa thời gian, xin ông đánh giá sơ bộ tình hình xuất khẩu cà phê Việt Nam?
- Ông THÁI NHƯ HIỆP: Cập nhật đến hết tháng 2-2024, Việt Nam đã xuất khẩu gần 700.000 tấn cà phê. Theo tính toán của VICOFA, lượng hàng tồn kho tại các doanh nghiệp (DN) khoảng 350.000 - 400.000 tấn, trong dân còn khoảng 150.000 - 200.000 tấn. Như vậy, tối đa Việt Nam còn khoảng 600.000 tấn cà phê cho đến vụ thu hoạch mới bắt đầu vào tháng 10 tới. Năm ngoái, cà phê rất thiếu, năm nay tình hình thiếu hụt còn nghiêm trọng hơn nên khả năng giá sẽ còn tăng đột biến.
Ấn Độ và Indonesisa cũng có cà phê nhưng sản lượng dành cho xuất khẩu rất ít. Còn nguồn cung lớn là Brazil phải đến tháng 7 mới vào mùa nên nguồn cung cà phê cho thế giới vẫn còn rất căng thẳng.
Có nhiều thông tin nói rằng cà phê đang sốt giá nhưng nông dân hưởng lợi không nhiều vì họ đã bán từ khi hàng có giá 60.000 - 70.000 đồng/kg, thậm chí DN xuất khẩu cũng than lỗ vì mua cao bán thấp, ông nhìn nhận sao về vấn đề này?
- Điều đầu tiên phải khẳng định là trong 40 năm trồng cà phê, lần đầu tiên nông dân có lãi cao như hiện nay. Niên vụ cà phê 2023-2024 thu hoạch trễ, đến tháng 12-2023 mới kết thúc trong khi mọi năm thường hái xong vào tháng 10. Năm nay, đa số nông dân đưa hàng ra thị trường chậm vì họ có cây trồng khác như sầu riêng nên không gặp áp lực phải bán sớm. Thậm chí, một số nông dân có tiền từ bán sầu riêng đã mua thêm cà phê để trữ. Khi họ trồng sầu riêng lãi 500 - 700 triệu đồng/ha/vụ thì thấy giá cà phê 60.000 - 70.000 đồng/kg vẫn rẻ, hiệu quả canh tác còn thấp nên đợi giá cao hơn mới bán. Đó là về phía nông dân, họ thu hoạch xong mới lên kế hoạch bán.
Còn phía DN xuất khẩu, DN nào nhận định sai về cung cầu, không thấy được khủng hoảng thiếu cà phê mà dự đoán giá cà phê sẽ giảm và bán khống dựa trên dự đoán sai này coi như cầm chắc lỗ. Trong kinh doanh, khi nhận định sai thị trường, kinh doanh lỗ thì phải tự chịu trách nhiệm. Còn những DN xuất khẩu cà phê thuần túy, mua hàng từ đầu vụ, mua đâu bán đó không hề lỗ.
Hy vọng mùa vụ tới, các DN dự đoán về vụ mùa chính xác hơn để bảo đảm hiệu quả kinh doanh.
Cà phê Robusta của Việt Nam hiện có giá rất cao và đang thu hẹp khoảng cách với cà phê Arabica, VICOFA có chương trình gì để tận dụng thời cơ vàng này?
- Chúng tôi đã có kế hoạch xây dựng thương hiệu cà phê Robusta của Việt Nam ở thị trường nước ngoài. Hiện nay, các nhà rang xay, chế biến cà phê thế giới đang phụ thuộc nguyên liệu từ Việt Nam nên rất thích hợp để xây dựng thương hiệu. Cà phê Việt Nam cần được ghi trên bao bì sản phẩm để bán cho người tiêu dùng.
Với tình hình mùa vụ cà phê như hiện nay, VICOFA có khuyến nghị gì với nông dân và các DN để toàn ngành tận dụng cơ hội thị trường và tiến đến phát triển bền vững?
Nông dân Việt Nam rất chăm chỉ và thông minh. Lâu nay, VICOFA đã đồng hành với nông dân ở các vùng nguyên liệu để hỗ trợ họ sản xuất bền vững. Người trồng cà phê đã thay đổi nhiều trong canh tác để giảm chi phí đầu vào, tăng chất lượng sản phẩm và nâng giá trị đầu ra. Hiện nay, nông dân trồng cà phê đã có sự cải thiện về kinh tế. Điều này giúp họ điều tiết được lượng hàng ra thị trường, giữ được giá bán, không còn cảnh được mùa mất giá như trước.
Với các DN thu mua, chế biến cà phê, tôi cho rằng cần phải đồng hành với nông dân, chia sẻ lợi nhuận xứng đáng để họ gắn bó với cây cà phê, ổn định vùng nguyên liệu. Đất đai của nông dân có giới hạn, họ sẽ chọn cây trồng nào cho hiệu quả kinh tế tốt nên khó có chuyện nông dân sẽ mở rộng diện tích ồ ạt sau một vụ trúng lớn như vừa qua.
Ông dự báo như thế nào về giá trị và kim ngạch xuất khẩu cà phê năm nay?
Thực sự là tình hình năm nay rất khó đoán. Chỉ có thể nói chắc chắn rằng giá trị xuất khẩu cà phê năm nay sẽ lập kỷ lục mới, có thể là cột mốc 5 tỉ USD!
Xin cảm ơn ông!
Đầu tư mạnh vào chế biến sâu
Nói về giải pháp để ngành cà phê phát triển bền vững, nâng cao giá trị xuất khẩu và thương hiệu trên thị trường quốc tế, ông Lê Đức Huy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, cho rằng trước hết phải duy trì và phát triển vùng nguyên liệu cà phê rộng lớn, liên kết sản xuất bền vững theo tiêu chí xanh. Xây dựng các trung tâm chế biến cà phê nguyên liệu quy mô, hiện đại, tập trung giảm tổn thất khi chế biến, giảm phát khí thải. Tiếp tục đầu tư mạnh và xúc tiến đầu tư vào chế biến sâu, sản phẩm tiêu dùng, sản phẩm sáng tạo, mới từ cà phê như mỹ phẩm, dược phẩm. Phát triển du lịch sinh thái, văn hóa bản địa gắn liền với cà phê.
Bên cạnh đó, tập trung phát triển giá trị thương hiệu bởi có thương hiệu mạnh sẽ là đòn bẩy kinh tế tăng giá trị toàn ngành cà phê lên gấp nhiều lần. Chung tay vì thương hiệu quốc gia cà phê bằng cách tham gia các hội chợ lớn về cà phê và thực phẩm quốc tế, các diễn đàn và cuộc thi quốc tế. Đưa chất lượng và văn hóa thưởng thức cà phê Việt Nam vào phim ảnh, ấn phẩm PR để lan tỏa khắp nơi.
Ngoài ra, cần phải kết nối nhanh các trung tâm logistics của Việt Nam bằng đường cao tốc, đường sắt, nâng cấp sân bay Buôn Ma Thuột lên sân bay quốc tế, phát triển khu công nghiệp, cảng cạn hiện đại... để thúc đẩy nhà đầu tư lớn đến đầu tư sản xuất, chế biến và xuất khẩu cà phê. Nếu xây dựng được ngành cà phê chuyên nghiệp, bao trùm, giá trị cao, ngành cà phê có thể đạt được 10 tỉ USD trong 10 năm tới.
Cao Nguyên
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 25-3
Kỳ tới: Phát triển cà phê bền vững
Bình luận (0)