Theo tờ The Straits Times (Singapore), đây là nghiên cứu toàn diện nhất từ trước đến giờ về N2O, với sự tham gia của 58 nhà khoa học tại 15 nước.
Chuyên gia Pep Canadell của Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Khối thịnh vượng chung (CISRO, trụ sở ở Úc), một đồng tác giả của báo cáo, lưu ý N2O hiện đang tích tụ ngày càng nhanh hơn, chỉ trong 3 năm qua tốc độ đã nhanh hơn gần 30% so với thập kỷ trước.
Hiện CO2 (carbon dioxide) chiếm 65% lượng khí thải nhà kính toàn cầu hằng năm, CH4 (mê-tan) 16% và N2O khoảng 7%. Tuy nhiên, N2O có khả năng gây nóng gấp 300 lần so với CO2.
N2O được sử dụng như một loại thuốc mê trong y tế và còn được gọi là khí cười. Ngoài ra, N2O được tạo ra như một sản phẩm phụ từ phân bón gốc nitơ được sử dụng khắp thế giới, đe dọa các mục tiêu toàn cầu về giảm phát thải và được các nhà khoa học môi trường gọi là khí nhà kính "bị lãng quên".
Nhà khoa học khí hậu Joeri Rogelj từ Trường King's College London (Anh), tác giả chính của nghiên cứu, cho biết lượng khí thải N2O cần giảm 20% - 25% vào năm 2050 để giúp ích cho mục tiêu giữ nhiệt độ trái đất tăng không quá 2 độ C (hoặc thậm chí là 1,5 độ C) so với thời kỳ tiền công nghiệp. Đây là mục tiêu đề ra trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu ký năm 2015.
Theo nghiên cứu, trong danh sách 10 nước thải nhiều khí N2O nhất có Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Brazil, Úc, Indonesia… Một số quốc gia đã có một số biện pháp nhằm hạn chế thải N2O, như New Zealand từ năm 2021 bắt đầu khống chế số lượng phân bón nitơ có thể sử dụng trên mỗi hecta đất trồng.
Một ngày trước khi báo cáo trên được công bố, Hội đồng Điều hành Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) đã phê duyệt kế hoạch tăng cường giám sát các loại khí giữ nhiệt đang thúc đẩy biến đổi khí hậu và cung cấp thông tin cho các chiến lược khí hậu. Theo WMO, trọng tâm của kế hoạch là CO2, CH4, N2O - 3 loại khí nhà kính quan trọng nhất đang bị ảnh hưởng bởi hoạt động của con người.
Bình luận (0)