Số cá, mực này được nhanh chóng chuyển về các ngả đường đến khắp mọi miền gần xa phục vụ nhu cầu cuộc sống.
Chợ cá biển ngay trên bến ồn ã kẻ bán người mua, kẻ xếp lưới, dọn đồ nghề, neo lại tàu thuyền cho chắc chắn. Đằng sau nụ cười tươi rói của những ngư dân trúng cá, có giọt mồ hôi mặn chát gian truân và hốc mắt trũng sâu. Chưa đầy canh giờ, chợ tan, ai đều về nhà nấy tiếp tục công việc của ngày.
Lão ngư phủ làng biển thu trọn mọi nhịp thở yên bình của vùng quê đã nuôi nấng ông hơn bảy mươi năm trời vào trong trí nhớ. Mắt thẳm sâu hướng về xa xăm, ông nén hơi thở từ từ và ngẫm, biết đâu mai này chẳng giữ lại được chút gì.
Đã dăm năm nay, họ hàng làng xóm bốn bên chung tay khôi phục và phát triển nghề làm nước mắm truyền thống cá cơm, mắm ruốc hũ, vang tiếng tận xứ người. Vài hộ dân được đầu tư vốn, quảng bá thương hiệu, cả làng rộn rã người tới lui, tham quan, chụp ảnh, phỏng vấn, đưa tin. Rồi chế biến món cá ngừ đại dương, dân đại phường gọi là cá bò gù, nghe loa đài đưa tin xứ mình là nơi đầu tiên biết đánh bắt và chế biến món cá ngừ này, bỗng chốc làng biển của lão trở nên nổi tiếng. Du khách trong nước, nước ngoài về nườm nượp, giá cả leo thang vùn vụt, đặc biệt là đất đai.
Ngọn lửa hồng được thổi lên ấm sáng, nhưng dường như có những cơn gió ngoài khơi xa kia thổi vào mạnh quá làm lão cảm giác nhởm cả chân lông. Bên phải căn nhà của lão là khu vườn rộng một ngàn hai mét vuông vừa sang tên đổi chủ tuần trước. Người đến từ tận đẩu tận đâu, dùng mấy chục tỉ đồng để đổi tài sản bao đời của những nhà hàng xóm. Đầu ngõ làng chài vừa mọc lên hai nhà nghỉ năm tầng chắn hết khoảng trời đón nắng sớm phơi tép biển của mấy nhà dân xung quanh; nhà nghỉ có tường rào, cổng lớn với người trông coi, người như lão không biết có những gì bên trong. Phía xa xa cách nhà lão vài trăm mét, ba, bốn mảnh vườn cũng đã được bán đi nghe đâu mỗi mảnh dăm tỉ đồng. Xóm trên có hộ làm mắm nổi tiếng đang làm thủ tục chuyển nhượng, tiền chuyển qua tài khoản ngân hàng, không cần đếm. Người ta kháo nhau rằng đất ven biển bây giờ nặng mùi tiền...
Tỉ, dăm tỉ, chục tỉ đồng, đối với người dân làng ven biển này là số tiền quá lớn, có nằm mơ tích góp mấy đời cũng chẳng có được, cứ như trong một điều ước lớn mà họ luôn mong cầu. Vợ chồng, con cái giục nhau gật đầu nhanh lẹ như sợ người mua rút lời, lại tuột mất cơ hội đổi đời.
Khi nhận được tiền rồi, cả gia đình dọn lên phố, mua xe hơi, sang trang cuộc đời, quên hết mắm muối, tương cà, ghe thuyền, chài lưới. Chỉ còn lão ngư già ở lại ngồi ngẫm, rồi lão buồn. Trên cuộc đời ai cũng có nỗi tâm tư, day dứt khó giãi bày bằng vài lời ngắn ngủi. Có thể vì quá nghèo, không thể trụ nổi với cái nghề của bao thế hệ ông cha truyền nối; trong thời buổi thị trường cạnh tranh khốc liệt này, khó mà phân giải được.
Qua đại dịch, sự biến động như bão của thị trường, nhiều nơi đang trượt dài thua lỗ. Hơn nữa, con cháu lớn lên khát khao tung cánh vùng trời mới, làm gì có những người được tiếp xúc với văn minh thời đại mà dễ dàng quay lại trói đời mình trong mắm muối mặn mùi.
Theo đà này, chừng dăm bảy năm nữa, ngôi làng bình lặng này sẽ nhộn nhịp du khách đến nghỉ dưỡng, tắm biển. Người làng biển dần lui đi hết, lúc bấy giờ đã bao kẻ đổi đi nơi khác sống. Lão ngư phủ làng biển nhỏ nhoi đâu ngăn được cuộc biến thiên tất yếu của thời đại; chỉ biết ngồi lặng yên, thầm tiếc mãi những rặng dừa ngút ngàn xanh cao vời vợi, tiếc những giọt nước mắm cá cơm nhỏ đều đều từ lọn ra thơm nức mũi.
Mỗi buổi bình minh lên, từng đoàn tàu thuyền tấp nập về trên bến làng vạn chài, lão ngư phủ lại đi bộ dọc bờ cát trắng lặng nhìn xa khơi. Lòng rối bời trước những câu hỏi hiện lên trong đầu: Liệu những vùng ven biển như thế này sẽ yên ắng được đến bao giờ? Rồi sẽ còn không những nghề truyền thống đan vá lưới, nghề muối mắm tinh tế với giọng nói nặng mùi sóng gió biển khơi và tình làng, nghĩa xóm khi mùa mưa bão đến?.
Bình luận (0)