Tết Nguyên đán ở nước ta gắn liền với nhiều lễ hội. Đây là điểm mạnh - dịp để truyền đi tinh hoa văn hóa, tâm linh, vật thể và phi vật thể Việt qua những lễ hội có tính lịch sử, văn hóa ngàn năm. Tuy nhiên, đây cũng là điểm yếu nếu bị lợi dụng theo kiểu "tháng giêng là tháng ăn chơi" và tìm cách trục lợi theo kiểu buôn thần bán thánh.
Nhiều lễ hội kéo dài như ''Hội Xuân Bái Đính - Giáp Thìn 2024'' kéo dài từ mùng 6 Tết đến hết tháng 3 âm lịch; lễ hội chùa Hương cũng dài tương tự... Ngoài ra, nhiều địa phương khác từ Bắc chí Nam đều có nhiều lễ hội thu hút rất đông đảo du khách.
Chính vì nhiều lễ hội nên rất dễ xảy ra những hiện tượng mê tín dị đoan, buôn thần bán thánh.
Hội Chùa Hương, Hội Gióng, Đền Cổ Loa, Hai Bà Trưng... tưng bừng mở hội vào mồng 6 tháng Giêng (ngày 15-2), dù vẫn còn những hình ảnh phản cảm như tranh cướp lộc, chèo kéo, mê tín dị đoan… nhưng cũng đang bớt dần.
Tại lễ hội Gióng đền Sóc 2024 (Sóc Sơn, Hà Nội), ban tổ chức thay đổi hình thức tất lộc thay cho tranh cướp lộc để tránh tranh chấp nhưng việc tranh nhau để có được lộc hoa tre vẫn diễn ra khá ác liệt.
Lễ hội chùa Hương cũng được tổ chức khá tốt. Nhiều người đến chùa Hương để du xuân, trẩy hội, không đặt nặng vấn đề cầu cúng. Những mâm lễ đơn giản, không phô trương như những lời cầu mong một năm mới vui vẻ, hạnh phúc, sức khỏe dồi dào. Đó là nét mới, dần dần sẽ trở thành thói quen của người dân khi du xuân.
Những kết quả đáng khích lệ đó là nhờ TP Hà Nội đã ban hành các văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý lễ hội và kế hoạch tổ chức thực hiện. Trong đó, nhấn mạnh không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu. TP cũng đã công bố đường dây nóng (0965.404.557) để tiếp nhận và xử lý các thông tin phản ánh về lễ hội.
Tệ nạn buôn thần bán thánh chỉ xuất hiện ở những đền chùa nhỏ. Ví dụ ở Đền Đức Thánh Cả (xã Hồng Quang, huyện Ứng Hòa) là một trong những ngôi đền thiêng, ngay từ ngày mùng 1 Tết đã có rất đông đảo khách thập phương đổ về chiêm lễ. Dọc đường vào đền, nhiều hàng quán bán đồ ăn uống mở loa công suất lớn mời chào; mùi dầu rán, xúc xích nướng làm không gian trở nên ngột ngạt. Vào trong đền, không gian chật chội nhưng nhiều người vẫn thắp hương, đốt nến. Đặc biệt dịch vụ khấn thuê khá tấp nập bởi nhiều người vẫn có nhu cầu. Nhiều người của đền đi mời khách công đức và giới thiệu dịch vụ "gửi lễ tuần rằm" - nghĩa là, khách tùy tâm đặt tiền, ghi lại họ tên, địa chỉ, nhà đền sẽ có trách nhiệm kêu cầu cho khách cả năm dịp ngày rằm, mùng 1 hằng tháng.
Nếu so sánh, chuyện "gửi lễ tuần rằm" không khác gì chuyện người thân gửi lễ cho người chăm sóc nghĩa trang lo cúng kính cho người thân chôn cất ở nghĩa trang. Nhưng "gửi lễ tuần rằm" - rất sáng tạo trong câu chữ (!) để dụ khách cúng cho chính mình và người thân còn sống!
Lường trước những vấn đề có thể xảy ra, đặc biệt các vấn đề lợi dụng tín ngưỡng, đẩy lên thành mê tín, trước Tết Giáp thìn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 11/CĐ-TTg về việc bảo đảm nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội xuân 2024.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; hướng dẫn việc thực hiện nếp sống văn hoá, văn minh tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở thờ tự, cơ sở tôn giáo và lễ hội; đồng thời lên án, đấu tranh quyết liệt chống các hiện tượng lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội để trục lợi.
Thủ tướng chỉ đạo không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, dâng sao giải hạn, gọi hồn, cúng vong, trục vong, cúng oan gia trái chủ, phản văn hóa, trục lợi tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo.
Nhờ chỉ đạo rất quyết liệt và chỉ đích danh "hoạt động mê tín dị đoan" nêu trên của Thủ tướng, các hoạt động này "ẩn khuất" hoặc "chìm lấp" đâu đó, không dám hoạt động công khai như mọi năm. Dẫu sao đó cũng là một bước tiến đáng ghi nhận, khi người dân ngày càng hiểu các hoạt động tâm linh tín ngưỡng khác với với hoạt động mê tín.
Tuy nhiên cho đến nay, những mặt trái của lễ hội năm 2024 vẫn chưa bộc lộ hết, vì vẫn còn hàng ngàn lễ hội sẽ tiếp tục diễn ra.
Theo thống kê của Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội, hiện TP có hơn 1.500 lễ hội được tổ chức trong năm 2024 với nhiều quy mô khác nhau; trong đó, phần lớn các lễ hội được tổ chức vào dịp đầu xuân, ngay sau Tết Nguyên đán.
Hãy trả lễ hội về với dân gian, hãy thẳng thắn nhìn vào mặt trái của lễ hội, chung tay loại bỏ những biến tướng dị đoan, buôn thần bán thánh, thương mại hóa lễ hội.
Với tín ngưỡng cũng tương tự, hãy đến với chùa chiền, đến với Phật bằng cái tâm trong sáng thì niềm tin mới bền vững. Các Phật tử nên ghi nhớ câu dạy của Đức Phật rằng "tin ta mà không hiểu ta là phỉ báng ta" nhằm nhắc nhở việc tu học phải đúng chánh pháp.
Đừng mang mê tín đến cửa chùa, nhà chùa cũng đừng thực hiện các hoạt động khiến người dân lầm tưởng Phật giáo là mê tín.
Bình luận (0)