Nếu không thì người ta lại nói: "Chuyện gì mà chẳng chạy được". Nhức nhối lắm!
Từ nhỏ, chúng ta đã nghe bài đồng dao: "Tiền là Tiên là Phật, là sức bật của tuổi trẻ, là sức khỏe của tuổi già, là cái đà danh vọng, là cái lọng che thân, là cán cân công lý…".
Nghe mà không để ý lắm, không hiểu mấy cái ý nghĩa thâm sâu về giá trị của đồng tiền, gọi chung là vật chất.
Lớn lên một chút, được học "Đồng tiền đi liền khúc ruột", "Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn", "Nén bạc đâm toạc tờ giấy", "Đa kim ngân phá luật lệ"..., hiểu thêm về sức mạnh của tiền bạc trong đời sống con người và đối với các mối quan hệ xã hội.
Đến khi va đập nhiều trong đời, mới thấy đồng tiền có sức mạnh đáng sợ làm sao. Xã hội càng phát triển, nhu cầu đời sống càng cao, đồng tiền càng chi phối nhiều thứ, quyền năng của nó gần như vô biên. Thế mới hiểu vì sao từ xa xưa người ta đã đúc kết giá trị của nó như một sự sùng kính: "Tiền là Tiên, là Phật".
Và tiền đã trở thành động cơ lẫn phương tiện để người ta "chạy".
Mấy hôm nay, người ta bàn nhiều về nữ thủ khoa Trường Đại học Sư phạm 2 - Bùi Thị Hà - cả năm không xin được việc, cho rằng do không có tiền để "chạy" và sắp tới, nếu có muốn trở thành công chức giáo dục cũng phải "chạy", "chạy" đúng cửa và phải đủ tiền thì mới được (?).
Tại sao phải như vậy? Có thể Hà không phải "chạy", có thể địa phương nơi Hà sinh sống không có chuyện tiêu cực, nhưng người ta vẫn nghĩ là có, như một sự mặc định. Vì ai cũng có tâm lý đó nên thành ra mỗi khi hữu sự, ai cũng sẵn sàng "chạy". Lắm khi chính vì bên "chạy" quá sẵn sàng, quá nhiệt tình nên cuốn cả bên nhận chạy theo, buộc phải đồng tình, nói rõ ra là nhận hối lộ. Bánh ít đi - bánh quy lại, vui cả làng.
Nhưng số trường hợp làm ngược ấy không nhiều. Đa số là do bên có quyền chủ động vòi vĩnh, buộc người ta phải chung chi, buộc người ta phải "chạy". Nơi này "chạy" được thì nơi kia cũng "chạy", thế thành nhà nhà "chạy", người người "chạy", không "chạy" thì không được việc.
"Chạy" miệt mài, từ sống tới chết; từ lúc chào đời đến lúc lìa trần, coi như trọn vòng đời. Tin không? Đây nhé: Lúc có bầu, đi khám thai, có khi phải nhờ đến "cò" để được bác sĩ giỏi khám cho. Lúc sinh con, làm giấy khai sinh, có khi phải "phong bì" cho ông cán bộ tư pháp khó tính. Con đi học thì "chạy" trường, "chạy" cả mấy đầu cấp. Lúc đi làm thì "chạy" việc. Muốn thăng quan thì "chạy" chức. Kinh doanh - làm ăn vừa "chạy" cả cúp vàng cúp bạc vừa "chạy" danh hiệu. Lỡ có mệnh hệ gì thì "chạy" án. Xui rủi dính án thì "chạy" tội. Đến lúc qua đời, có trường hợp phải "chạy nhà xác" mà chuyện này đã được chứng minh qua bài điều tra về nạn chung chi để được đưa thi thể người nhà rời bệnh viện sớm, đăng Báo Người Lao Động vài năm trước.
Đâu phải cá nhân đơn lẻ, doanh nghiệp cũng khốn khổ vì "chạy". Nói đâu xa, vụ ông Trưởng phòng Thanh tra thuế - Cục Thuế tỉnh Bình Định bị bắt quả tang khi đang nhận tiền hối lộ của một doanh nghiệp cách đây ít hôm là ví dụ điển hình.
Ngẫm, làm người vốn đã khổ, muốn làm người bình yên - khổ hơn, muốn làm người tử tế - khổ gấp bội. Khổ là do đồng tiền mà ra.
Bức tranh xã hội nhắc nhở con người phải biết cách làm ra tiền và dùng tiền một cách hợp lý, tích cực. Nhưng đó mãi là một thử thách rất lớn, không dễ vượt qua.
Bình luận (0)