Sáng nay (2-10), bà Châu Thị Thu Nga, cựu đại biểu quốc hội (ĐBQH), nguyên chủ tịch HĐQT công ty Housing Group ra tòa về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo cáo trạng, công ty của bà Nga hợp tác với Công ty TNHH một thành viên xuất nhập khẩu và đầu tư xây dựng phát triển nhà (HAIC) đầu tư, xây dựng nhà ở chung cư và biệt thự ở một khu đất thuộc dự án B5, ở thị trấn Cầu Diễn. HAIC góp 40% vốn, Housing Group 60%.
Dù dự án chưa được cấp phép xây dựng nhưng để có tiền chi cho hoạt động, bằng nhiều thủ đoạn khác nhau, bà Nga đã chỉ đạo thuộc cấp ‘bán căn hộ trên giấy’.
Theo cáo trạng, từ năm 2009 đến năm 2013, bà Nga và các thuộc cấp đã đã ký 752 hợp đồng huy động vốn của 726 khách hàng, thu tổng số tiền 377 tỉ đồng. Sau khi trừ các chi phí, số tiền còn lại 348 tỉ đồng bà Nga đã sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, trong đó có chi cho lợi ích cá nhân, thậm chí chi cho con gái du học. Trong số tiền lớn đã chi ra có nhiều khoản rất khó xác minh và khó hiểu nhưng do thời hạn điều tra đã hết, nên cơ quan điều tra tách riêng ra để điều tra sau.
Bà Nga là ĐBQH khoá XIII; đại biểu HĐND TP Hà Nội nhiệm kỳ 2011-2016 và đã bị bãi nhiệm tư cách đại biểu theo luật định.
Chuyện ĐBQH bị bãi miễn tư cách đại biểu do vi phạm pháp luật, đã từng xảy ra và quốc hội quốc gia nào cũng có thể xảy ra.
Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, Quốc hội nước ta cũng đã từng bãi miễn tư cách đại biểu đối với bà Đặng Thị Hoàng Yến do không trung thực khi khai hồ sơ ứng cử.
Trước ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV, Hội đồng bầu cử Quốc gia đã bỏ phiếu không công nhận tư cách ĐBQH của ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang vì có những sai phạm nghiêm trọng trong quản lý kinh tế ở Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Cũng ở Quốc hội khóa này Hội đồng bầu cử quốc gia cũng đã bỏ phiếu không xác nhận tư cách ĐBQH đối với bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường vì kê khai tài sản không trung thực, có quốc tịch Malta và bà Nguyệt Hường cũng có đơn xin rút.
Điều đáng nói là với quy trình bầu cử chặt chẽ như hiện nay nhưng vẫn có những đại biểu không xứng đáng được giới thiệu ứng cử. Ở đây xin nói đến trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh và bà Châu Thị Thu Nga.
Ông Trịnh Xuân Thanh (hiện đang tạm giam) có những sai phạm rất nghiêm trọng từ hồi lãnh đạo PVC trong thời gian kéo dài từ năm 2007 đến 2013. Vậy mà ông Thanh vẫn ung dung thăng tiến, làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, trúng cử ĐBQH khóa XIV.
Với bà Châu Thị Thu Nga, nhân vật này đã có dấu hiệu lừa đảo từ năm 2008-2009, vậy mà bà vẫn được giới thiệu ứng cử ĐBQH một cách dễ dàng.
Bà Nga từng khai rằng đã bỏ ra 1,5 triệu USD để lọt vào danh sách ứng cử ĐBQH. Về vấn đề này, ngày 8-9-2016, trả lời báo chí, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết chưa thể kiểm chứng lời khai này vì cơ quan điều tra đang làm việc. Ông Phúc khẳng định: "Nếu có thông tin như thế thì phải kiểm chứng ngay để tránh ảnh hưởng đến uy tín của Quốc hội. Làm rõ đưa ai, bao nhiêu, đưa làm gì? Nếu có thì đó là chuyện tày trời".
Tại sao những nhân vật "có vấn đề" như ông Trịnh Xuân Thanh, bà Châu Thị Thu Nga lại muốn vào Quốc hội? Chắc họ nghĩ rằng thêm một vỏ bọc nữa để che dấu những sai phạm mà bản thân họ thừa biết mình đang mắc phải, nhưng luật pháp rất rõ ràng và nghiêm minh. Họ đã "lộ sáng" và hoàn toàn không xứng đáng đại diện cho cử tri trong Quốc hội.
Qua trường hợp của bà Nga, ông Thanh, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc rút ra những bài học đắt giá trong công tác bầu cử Quốc hội, đặc biệt trong công tác thẩm tra, hiệp thương, thẩm tra, quản ký hồ sơ lý lịch của ĐBQH.
Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, do vậy luôn yêu cầu có những đại biểu ưu tú nhất để đại diện nhân dân. Những kẻ đội lốt đại biểu cho nhân dân trước sau gì cũng lộ diện.
Bình luận (0)