Số liệu làm day dứt nhất là số người chết vì tai nạn giao thông. Chỉ sau 5 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất, cả nước xảy ra 202 vụ tai nạn giao thông, làm chết 155 người, bị thương 149 người. Số liệu này năm nào cũng rất cao, các dịp lễ Tết đều vậy, cho thấy tai nạn giao thông là một vấn đề cực kỳ nan giải.
Số liệu khác cũng làm chúng ta giật mình là số người nhập viện vì... đánh nhau trong dịp Tết. Tết Mậu Tuất này số liệu đánh nhau dù có giảm hơn so với năm trước nhưng trong 3 ngày Tết vừa qua cũng có tới gần 1.950 người phải nhập viện, trong đó có gần 1.100 người phải nằm viện điều trị, 6 người chết.
Thực tế nguyên nhân "đánh nhau" gây hậu quả nghiêm trọng như vậy, đa số đều do rượu bia mà ra!
Đêm giao thừa Tết Mậu Tuất, nhiều địa phương ở tỉnh Bình Định pháo nổ vang trời - Ảnh: Vĩnh Hy
Một số liệu khác khiến chúng ta phải suy nghĩ, đó là số người bị thương do pháo nổ tăng cao. Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính từ 30 tháng Chạp đến ngày mùng 2 Tết, cả nước có190 người nhập viện do tai nạn pháo nổ, tăng gấp rưỡi so với Tết Đinh Dậu 2017. Đó chỉ là con số thống kê được. Tại Nghệ An, có một số người bị tai nạn pháo nổ dẫn đến cụt tay nhưng không nhận mình bị thương do pháo nổ!
Nên nhớ rằng, cho đến nay quy định về việc cấm sản xuất buôn bán và đốt pháo nổ vẫn còn hiệu lực kể từ 1-1-1995 - Chỉ thị 406-TTg, do cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký ngày 8-8-1994.
Thế nhưng trong những năm gần đây pháo vẫn nổ vang trời mỗi khi Tết đến, đặc biệt là các tỉnh biên giới giáp Trung Quốc, Lào.
Còn nhớ Tết năm 2015, người viết bài này đón giao thừa ở Lao Bảo (Quảng Trị) đã hết sức kinh ngạc khi chiều 30 Tết pháo đã nổ vang trời cho tới tận giao thừa. Năm đó một số tỉnh biên giới phía Bắc như Quảng Ninh, một số cán bộ địa phương bị kỷ luật vì để dân đốt pháo nổ.
Rồi đến Tết năm nay, hầu hết các tỉnh miền Trung, phía Bắc đều đốt pháo vang trời trong đêm giao thừa. Pháo được đốt là pháo hoa loại 38 ống, vừa là pháo bông vừa là pháo nổ do Trung Quốc sản xuất và các loại pháo nổ khác. Nhiều địa phương việc đốt pháo kéo dài cả tiếng đồng hồ, đốt pháo trên diện rộng và vô tư đốt xả láng. Người ta có cảm giác dường như lệnh cấm đốt pháo đã không còn hiệu lực!
Điều đáng nói là nhiều địa phương người dân vô tư đốt pháo nhưng dường như chỉ có Hà Tĩnh xử lý người đốt pháo. Trong những ngày qua, một số huyện của Hà Tĩnh đã lập biên bản, xử lý hành chính hàng trăm vụ vi phạm lệnh cấm đốt pháo.
Thực tế nếu địa phương nào cũng là như Hà Tĩnh, sẽ không làm xuể vì đâu đâu cũng thấy pháo nổ tưng bừng!
Chỉ thị 406-TTg do cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký ngày 8-8-1994 về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo nổ là một thành công lớn lúc bấy giờ. Lúc đó, ra được chỉ thị này là hết sức khó khăn, phải có sự đồng thuận của toàn xã hội, bởi nó đụng chạm đến một thói quen, tập quán rất lâu đời của dân tộc. Đây là một thành công rất lớn lao của chính phủ lúc bấy giờ, bởi trước đó, năm nào nước ta cũng có hàng trăm người chết vì sản xuất pháo, đốt pháo tràn lan.
Một vài năm gần đây, trên mạng xã hội, một số người muốn xem xét lại việc cấm đốt pháo nhưng không được số đông hưởng ứng, nhất là người dân ở các thành phố lớn.
Thực tế, số người chết, bị thương lên đến hàng trăm người trong những dịpTết gần đây do đốt pháo, đã chứng minh chỉ thị cấm sản xuất, đốt pháo nổ vẫn rất đúng đắn và cần phải duy trì. Đây không đơn giản là một chỉ thị hành chính mà còn có tính nhân văn sâu sắc, vì con người, vì chính chúng ta chứ không phải là một hành vi cấm đoán đơn thuần.
Để "bù" lại việc cấm đốt pháo, nhiều năm qua nhà nước đã tổ chức cho nhiều địa phương đốt pháo hoa trong đêm giao thừa để người dân hân hoan chào đón năm mới. Tết Mậu Tết này, có đến 21 tỉnh thành khắp cả nước đốt pháo hoa từ tầm thấp đến tầm cao, tạo nên không khí vui tươi, đón chào năm mới.
Tình trạng đốt pháo trên diện rộng trong dịp Tết Mậu Tuất đã đến lúc báo động, do vậy nhà nước cần tiếp tục tuyên truyền tác hại của việc đốt pháo, lợi ích của việc cấm đốt pháo đến người dân. Nếu không ứng phó với kịp thời với thực tiễn, coi chừng chỉ thị cấm đốt pháo mất hiệu lực trên thực tế.
Đã đến lúc nên chấm dứt tình trạng pháo vẫn nổ, máu vẫn đổ mỗi khi Tết đến Xuân về!
Bình luận (0)