Đây là vụ án giết người, che giấu tội phạm và hủy hoại tài sản xảy ra tại tiểu khu 1535 (xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) vào tháng 10-2016, từng gây chấn động dư luận, vừa được đưa ra xét xử sơ thẩm.
Đặng Văn Hiến (1976) cùng các bị can khác đã xả súng săn vào những người của Công ty TNHH Đầu tư - Thương Mại Long Sơn (gọi tắt là Công ty Long Sơn) làm 3 người chết và 13 người khác bị thương.
Hiến và các bị can đã gây ra tội ác nên phải chịu sự trừng phạt của pháp luật. Đấy là sự nghiêm khắc và công bằng. Điều lạ là ở chỗ thay vì lên án, hô hào trừng phạt nghiêm khắc hơn, thậm chí phải sớm loại bỏ ngay kẻ thủ ác ra khỏi đời sống như vẫn thường thấy ở nhiều vụ án hình sự thì Hiến và các bị cáo lại đang nhận được nhiều sự chia sẻ của dư luận.
Thực ra không lạ, bởi trước khi trở thành tội phạm thì Hiến và các bị cáo đều là nạn nhân của một hệ quả về tranh chấp đất đai dẫn họ đến chỗ không kiềm chế nổi và mất kiểm soát hành vi.
Hiến và các bị cáo không tranh chấp đất với ai cả mà chính là Công ty Long Sơn (doanh nghiệp, ở tỉnh Bình Phước được tỉnh Đắk Nông cho thuê hơn 1.000 ha đất lâm nghiệp tại xã Quảng Trực để thực hiện dự án trồng cây hằng năm) muốn sử dụng đất được cho thuê nhưng không muốn sòng phẳng với những người dân đã bỏ công khai hoang phục hóa trên diện tích đất này. Những người dân này chỉ đơn giản là bảo vệ miếng cơm manh áo của họ.
Theo lời của một lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông được báo chí ghi tại hiện trường khi xảy ra vụ án thì trên vùng đất này trước đó đã có nhiều hộ dân vào khai hoang, canh tác. Trong quá trình thỏa thuận đền bù, hỗ trợ đã xảy ra nhiều vụ ẩu đả giữa người dân địa phương với nhân viên Công ty Long Sơn. Đến thời điểm xảy ra vụ án, Công ty Long Sơn chỉ mới đền bù cho người dân được hơn 400 ha đất. Đền bù chưa xong mà đã định "cướp" miếng cơm manh áo, mồ hôi nước mắt của người ta thì đến ai chịu cho thấu, chưa kể những người dân này sống trong núi sâu rừng thẳm nên hẳn là hiểu biết về pháp luật còn nhiều hạn chế.
Nhưng Công ty Long Sơn hay bất kỳ doanh nghiệp nào cũng sẽ không dám manh động để sử dụng hàng chục người lẫn phương tiện đến vườn tược của người dân để hiện việc cưỡng chế, kể cả khi người dân có chiếm đất trái phép. Vì hoạt động cưỡng chế là của nhà nước. Doanh nghiệp nếu được cho thuê đất mà chỉ được giao trên giấy chứ không có trên thực địa thì có quyền gọi "chủ đất" mà hỏi. Những người dân ở đây nếu chiếm dụng đất trái phép thì chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng phải có trách nhiệm xử lý để bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp. Nếu quan chức trong bộ máy chính quyền các cấp từ xã Quảng Trực đến huyện Tuy Đức và tỉnh Đắk Nông không "vô cảm" với doanh nghiệp và người dân, xử lý rốt ráo từ đầu thì đã không có chuyện những người của Công ty Long Sơn cùng những người như Hiến hành động như ở chốn vô pháp.
Chính HĐXX khi tuyên án cũng nhận định đối với cơ quan chức năng huyện của Tuy Đức và tỉnh Đắk Nông, trong công tác quản lý, nắm địa bàn, xử lý đối với người dân xâm canh, phá rừng trái phép không kịp thời dẫn đến tình trạng mua bán, chuyển nhượng đất rừng trái phép diễn ra phức tạp, người dân sau khi khai phá đất rừng hoặc mua bán trái phép đã ổn định sinh sống. Tranh chấp kéo dài giải quyết không dứt điểm để các bên tự giải quyết tranh chấp trái pháp luật gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Nguyên nhân dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng của vụ án này, vì thế phải được khẳng định chính là từ sự vô cảm của những quan chức trong bộ máy chính quyền các cấp từ xã Quảng Trực đến huyện Tuy Đức và tỉnh Đắk Nông lúc bấy giờ.
Cho nên, nếu muốn không còn những "án tử Đặng Văn Hiến" thì không còn cách nào khác là bộ máy chính quyền của tỉnh Đắk Nông, và cả các địa phương khác, phải thanh lọc ngay những công chức hưởng lương đều đều nhưng chỉ "tọa sơn quan hổ đấu", vô cảm đến mức mặc doanh nghiệp và dân chúng tự hành xử như đã xảy ra ở vụ án này.
Trước mắt, điều cần làm ngay cho công chúng thấy, chính là truy cứu và xử lý nghiêm khắc các công chức và quan chức đã vô trách nhiệm trong vụ này.
Bình luận (0)