Ngày 2-1, TAND tỉnh Đắk Nông đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án xả súng kinh hoàng làm 3 người chết và 13 người bị thương xảy ra tại Tiểu khu 1535, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông.
Bức xúc vì bị phá hoại tài sản
Các bị cáo được đưa ra xét xử gồm: Đặng Văn Hiến (SN 1976), Hà Văn Trường (SN 1985), Ninh Viết Bình (SN 1982) cùng ngụ xã Quảng Trực, cùng bị truy tố tội "Giết người"; Đoàn Văn Diện (SN 1980, ngụ huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) bị truy tố tội "Che giấu tội phạm"; Nghiêm Xuân Thiên Sửu (SN 1962, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Đầu tư Long Sơn - gọi tắt là Công ty Long Sơn), Phạm Công Thiện (SN 1977, Trưởng quản lý Công ty Long Sơn) cùng bị truy tố tội "Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản".
Tại phiên tòa, bị cáo Đặng Văn Hiến khai nhận: Gia đình ông bắt đầu tới sinh sống tại Tiểu khu 1535 từ năm 2005, lúc này chưa có công ty nào được giao đất. Từ đó, gia đình bắt đầu khai phá và canh tác trên diện tích này. Vào năm 2008, người của Công ty Long Sơn đã tổ chức san ủi khoảng 2 ha cây trồng của gia đình. Sau đó, nhiều lần Công ty Long Sơn tổ chức lực lượng san ủi nhiều diện tích của người dân trong vùng. Mỗi lần xảy ra vụ việc, ông và người dân tới chính quyền xã, huyện, tỉnh và thậm chí ra cả trung ương để khiếu nại, tố cáo hành vi của Công ty Long Sơn nhưng không được giải quyết.
Tại tòa, bị cáo Nghiêm Xuân Thiên Sửu khai báo quanh co
Cũng theo bị cáo Hiến, rạng sáng 23-10-2016, ông đang ngủ thì thấy người của công ty bao vây nhà. Ông cầm súng ra ngoài thì bị người của Công ty Long Sơn chặn lại nên ông đã nổ súng bắn chỉ thiên. Tuy nhiên, nhóm người đã ném đá nên ông chạy vào nhà, lên gác, đạp tấm ván rồi nổ súng bắn về phía người của công ty. Sau đó, ông đi ra khu vực san ủi và tiếp tục nổ súng về phía người của Công ty Long Sơn.
Tại phiên tòa, bị cáo Ninh Viết Bình bật khóc, khai nhận gia đình tới sinh sống tại Tiểu khu 1535 từ 2003. Sau khi Công ty Long Sơn có mặt, họ đã nhiều lần tổ chức lực lượng san ủi nhiều diện tích cây trồng là mồ hôi công sức của gia đình. Năm 2009, do chống đối việc Công ty Long Sơn san ủi đất mà ông bị Công an huyện Tuy Đức bắt giam 7 tháng nhưng không nói rõ lý do. Năm 2013, khoảng 70 người của Công ty Long Sơn đã bao vây người dân nhưng rất may công an có mặt kịp thời và nổ 3 phát súng mới giải tán được. "Bị cáo xác định phải bám trụ vào mảnh đất đó để sinh sống, khi tài sản của mình bị hủy hoại thì vô cùng bức xúc nên bị cáo đã dùng súng bắn 2 phát về phía người của Công ty Long Sơn" - bị cáo Bình nói.
Bà Nguyễn Thị Khải được triệu tập tới tòa với tư cách nhân chứng. Bà cho rằng mình là người sống lâu năm tại khu vực đó và đã chứng kiến cảnh người dân cơ cực lúc mới vào cho đến khi xảy ra vụ việc. "Chúng tôi đã sinh sống từ 2003 mà đến 2004 tỉnh Đắk Nông mới được thành lập. Vậy tại sao đến năm 2008 tỉnh Đắk Nông lại giao đất cho Công ty Long Sơn khi chưa thỏa thuận bồi thường. Tháng 8-2008 khoảng 11 cái máy ủi của Công ty Long Sơn đã ủi hết sạch 282 ha cây trồng của hơn 10 hộ dân nhưng đến nay vẫn chưa bồi thường" - bà Khải nói.
Còn theo nhân chứng Ninh Viết Thắng, tháng 8-2008 Công ty Long Sơn đã tự ý san ủi 8,7 ha điều đang thu hoạch của gia đình và đến nay chưa bồi thường. Bản thân ông Thắng cũng khiếu nại nhiều nơi nhưng không được giải quyết.
Không hiểu pháp luật Việt Nam (!?)
Trả lời HĐXX về việc có nhận thức được hành vi tự ý san ủi cây trồng của người dân là vi phạm pháp luật, bị cáo Nghiêm Xuân Thiên Sửu nói: "Trước khi thực hiện việc san ủi, bị cáo đã báo cáo cho UBND tỉnh Đắk Nông, trong báo cáo có ghi rằng xin cho san ủi diện tích đất trên. Sau đó, UBND tỉnh Đắk Nông đã có công văn trả lời yêu cầu các cơ quan chức năng phối hợp để giải tỏa. Do đó, bị cáo nghĩ rằng UBND tỉnh đã cho phép san ủi diện tích đất đó nên bị cáo đã cho người thực hiện".
Lúc này, chủ tọa phiên tòa nói: "Bị cáo có trình độ 10/10 lại là phó giám đốc công ty mà sao không hiểu được văn bản?". Bị cáo Sửu trả lời: "Bị cáo sống ở nước ngoài lâu năm nên không hiểu pháp luật Việt Nam". Lý giải việc mang theo đá đi cưỡng chế, bị cáo Sửu cho rằng do đường xấu nên mang đi để chèn đường. Chủ tọa phiên tòa đã nhắc nhở bị cáo Sửu cần khai báo thành khẩn, không quanh co chối tội.
Trả lời câu hỏi của đại diện VKSND, vườn cây của các hộ dân có tuổi đời từ 7 đến 12 năm, trong khi ông Sửu mới nhận chuyển nhượng từ năm 2013 nhưng lại đi hủy hoại tài sản của dân, bị cáo Sửu cho rằng có thể trong lúc giải tỏa đất, cấp dưới có sự nhầm lẫn diện tích chứ diện tích mà ông chỉ đạo giải tỏa mới bị người dân xâm chiếm sau này (!?).
Hôm nay (3-1), phiên tòa tiếp tục với phần tranh luận.
Diễn biến vụ việc
Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, năm 2008, UBND tỉnh Đắk Nông đã cho Công ty Long Sơn thuê 1.079 ha đất rừng tại Tiểu khu 1535 để thực hiện dự án sản xuất nông lâm nghiệp. Tháng 6-2013, ông Nghiêm Xuân Thiên Sửu và vợ nhận chuyển nhượng công ty này. Trong quá trình thực hiện dự án, một số hộ dân xâm canh trồng điều, cà phê, cao su và bán cho các hộ dân khác. Ngày 15-10-2016, ông Sửu cùng ông Thiện họp bàn bạc chuẩn bị san ủi vườn cây do người dân trồng. Ngày 23-10-2016, hơn 30 cán bộ, bảo vệ của Công ty Long Sơn chia thành 2 nhóm vào san ủi, phá hủy cây điều, cà phê của các hộ dân...
Lúc này, ông Đặng Văn Hiến cùng ông Ninh Viết Bình dùng súng bắn nhiều phát về nhóm người của Công ty Long Sơn làm 3 người chết, 13 người khác bị thương tích.
Bình luận (0)