Hôm 31-7 ở Sơn La và trước đó nữa, những chiếc còng thép cũng đã tra vào tay hai thầy giáo thuộc Sở GD-ĐT Hà Giang trong một xì-căng-đan gian lận điểm gây chấn động dư luận.
Và hôm 3-8, đến lượt Hòa Bình, hai thầy giáo, một chuyên viên phòng khảo thí của Sở GD-ĐT Hòa Bình và một là hiệu phó trường dân tộc nội trú huyện Lạc Thủy cũng phải tra tay vào còng.
Dư luận hết sức xót xa khi chứng kiến hình ảnh công an khám xét nhà trọ nghèo nàn của hai thầy giáo vi phạm pháp luật ở Hòa Bình nhưng cũng hết sức căm phẫn vì hành vi vi phạm hết sức nghiêm trọng, bất chấp pháp luật, đạo đức của hai thầy giáo này.
Điểm bài thi 3 môn từ 27 điểm trở lên của các tỉnh thành trong cả nước qua phân tích của GS Nguyễn Văn Tuấn (Viện Garvan, Úc).
Lịch sử giáo dục hiện đại của nước ta từng chứng kiến nhiều vụ tiêu cực trong thi cử nhưng chưa bao giờ chứng kiến liên tiếp những vụ tiêu cực chấn động hết địa phương này đến địa phương khác như trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Hết Hà Giang, Sơn La, rồi đến Hòa Bình. Và không biết sắp tới đây đến lượt địa phương nào nữa.
Điều đáng nói là trong một phân tích của mình đã đăng trên báo chí cách đây không lâu, bằng các thuật toán xác suất thống kê, GS Nguyễn Văn Tuấn đã chỉ rõ 4 tỉnh - thành có điểm bài thi 3 môn từ 27 điểm trở lên, trong đó có Hà Giang, Hà Tĩnh, Hòa Bình và Sơn La. Thực tế qua chấm thẩm định của Bộ GD-ĐT, 3 trong 4 tỉnh thành nêu trên đã lòi ra tiêu cực rất nghiêm trọng và 3 vụ án liên quan đã bị khởi tố.
Hiện Bộ GD-ĐT đang tiến hành chấm thẩm định ở một số địa phương. Điều đáng tiếc là kết quả việc chấm thẩm định chưa được công khai, cho nên chưa biết điều gì đang xảy ra. Bộ GD-ĐT cũng đang yêu cầu 63 tỉnh - thành rà soát lại việc coi thi, chấm thi.
Liệu các tỉnh thành tự rà soát, kiểm tra có đáng tin cậy? Ngay cả ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, trước khi phát hiện ra tiêu cực động trời, các giám đốc Sở GD-ĐT đều mạnh miệng tuyên bố rằng đã tiến hành tổ chức kỳ thi rất nghiêm túc, khẳng định không có tiêu cực.
Hôm 3-8, sau khi hai cán bộ giáo dục của mình tra tay vào còng, ông Bùi Trọng Đắc, Giám đốc Sở GD-ĐT Hòa Bình nói lời xin lỗi rất gượng gạo trước báo giới, mới thấy các quan chức ngành giáo dục chủ quan (hay trơ trẽn) đến mức nào!
Ngay cả tiêu cực ở Hòa Bình, trước, trong và sau khi thi (đã nghe dư luận phản ánh tiêu cực), có đến ba đoàn của Bộ GD-ĐT đến kiểm tra, trong đó có cả thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ và Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Mai Văn Trinh dẫn đầu, cũng đâu phát hiện tiêu cực!
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ tuyên bố xử lý nghiêm các sai phạm trong kỳ thi vừa qua nhưng dư luận làm sao tin được?
Lấy ví dụ này để thấy bộ trưởng có "xử lý nghiêm" hay không: Tại sao cho đến nay, sau khi dư luận lên tiếng về điểm thi tốt nghiệp quá bất thường của 35 chiến sĩ cảnh sát cơ động ở tỉnh Lạng Sơn, cả trong việc tổ chức thi rất đáng nghi ngờ, Bộ GD-ĐT không kiểm tra lại khâu tổ chức thi mà chỉ soi khâu chấm thi, rồi thôi? Như vậy là nghiêm hay không nghiêm?
Và đó là lý do để dư luận có quyền đặt nghi vấn: Sau Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, rồi sẽ đến tỉnh, thành nào lòi ra tiêu cực?
Bình luận (0)