Trong buổi dẫn đầu đoàn liên ngành lập lại trật tự vỉa hè ở quận 1, TP HCM hôm 21-9, bị một tài xế ô tô vi phạm cự cãi, ông Đoàn Ngọc Hải - Phó Chủ tịch UBND quận 1 - nói thẳng: "Sống ở quận 1 phải biết luật, chấp hành luật, còn không về rừng U Minh mà sống".
Ngay lập tức, nhiều người phản ứng câu nói này. "Tôi là dân U Minh đây, nghe ông Hải nói vậy tôi buồn lắm". "U Minh, Cà Mau cũng là một đơn vị hành chính, ở đó không có luật hay sao mà ông nói vậy", "Quận 1 phồn hoa hay U Minh rừng rú, luật đều áp dụng chung như nhau, ông đừng nói thế".
Về mặt tâm lý, phản ứng của dư luận nói chung và người dân U Minh nói riêng là dễ hiểu bởi câu nói của ông phó chủ tịch quận có phần phân biệt vùng miền, khiến người nghe cảm thấy "U Minh" bị coi thường!
Nhưng rồi "tư lệnh" của "chiến dịch giành lại vỉa hè" đã giải thích với báo chí trong chiều 25-9: Tôi không có ý sỉ nhục người dân U Minh thân thương. Tôi sở dĩ vận dụng hình ảnh rừng rú là để nhấn mạnh về các trường hợp vi phạm mà cố cãi, biện đủ lý do để cãi ngang.
Trước đó, sáng cùng ngày, trả lời báo chí, ông Võ Văn Hoan - Chánh Văn phòng UBND TP HCM - nhận xét: "Phát ngôn của ông Hải có nội hàm không sai nhưng gây bức xúc".
Có thể chia sẻ với ông Đoàn Ngọc Hải được vì trong điều kiện làm việc căng thẳng, luôn có tranh cãi và có mầm mống phát sinh xung đột như vậy, việc buông một câu nói "quá trớn" của bất cứ ai là rất dễ xảy ra. Ngay cả trường hợp một tài xế taxi cự ông vì bị phạt do đỗ xe sai quy định để đi vệ sinh, nghe qua cũng rất buồn cười, nhưng làm sao tránh được bởi đời sống vỉa hè vốn thiên hình vạn trạng.
Điều muốn nói ở đây là: Làm thế nào để những hình ảnh phản cảm, những phát ngôn gây đau lòng... biến mất dần chứ không phải có chiều hướng tăng lên như chúng ta đã thấy?
Từ chỗ "xô đẩy" với một bảo vệ tổ dân phố hồi tháng 3, giằng giật xe bán cá viên chiên với cụ già 80 tuổi hồi tháng 8 hay đôi co với tài xế taxi cách đây vài ngày..., cho dù nhân danh công lực để thi hành luật với mục đích tốt đẹp song vẫn gây nên cái nhìn phản cảm từ phía người dân đối với chính quyền.
Những va chạm, xung đột kiểu như vậy sẽ còn xảy ra nhiều nữa, lẽ nào "đoàn quân" do ông Hải thống lĩnh chỉ nhất nhất một cách xử lý như hồi sau Tết nguyên đán đến giờ: Phải giành phần thắng, không xuống nước, vỏ quýt dày có móng tay nhọn?
Và sau mỗi lần như thế, không khéo lại đẩy người dân - cụ thể là nhóm người nghèo mưu sinh nhờ vỉa hè - vào thế hoặc chạy trốn hoặc đối kháng.
Mà, cũng chẳng biết đến bao giờ ông Hải mới thôi dẫn đoàn liên ngành đi "chinh Nam phạt Bắc". Khi nào đoàn còn đi nghĩa là vỉa hè quận 1 còn bị lấn chiếm. Nhưng nếu hết đi thì cũng chưa hẳn là vỉa hè không còn bị "xẻ thịt".
Thực tế thì như đã thấy, sau hơn 6 tháng "giành lại vỉa hè", "cuộc chiến" này vẫn ngổn ngang trăm mối. Đi tới đâu là có cái để phạt tới đó, từ dừng - đỗ ô tô đến giữ xe "chặt chém", từ đổ đất cát lấn vỉa hè đến chất chở nước đá gây bẩn đường phố, từ đặt bồn hoa đến gắn biển hiệu hay dựng lan can trái phép, dường như chỉ chờ vắng bóng đoàn kiểm tra là mọc lên, là vi phạm.
Chính quyền quận 1, bản thân ông Đoàn Ngọc Hải hay chúng ta muốn bộ mặt đô thị tốt đẹp, muốn cư dân địa phương hay bất cứ ai đến đây đều phải "vì quận 1" nhưng thực tế thì vẫn còn quá nhiều người sống theo "luật ở rừng U Minh" - như cách ông Hải nghĩ - thì phải làm thế nào?
Vi phạm về trật tự đô thị giống như mầm cỏ, rất dễ mọc khi gặp "bờ xôi ruộng mật" như không gian đô thị quận 1. Và nó cũng như "giặc Phạm Nhan" mà có lẽ ông Đoàn Ngọc Hải đã từng biết về sử thuyết "chặt đầu Phạm Nhan" - tướng giặc Nguyên Mông - chặt đầu này thì mọc đầu khác, chặt hoài không hết.
Vì thế, phải thay đổi cách làm. Hãy bắt đầu từ gốc. Nhìn vào từng trường hợp "va đập" đã xảy ra trên thực tế mà có giải pháp căn cơ.
Đó là sắp xếp, bố trí thêm nhiều nơi buôn bán tập trung có miễn thuế hoặc giảm thuế đáng kể cho người nghèo, đồng thời từng bước chuyển đổi công ăn việc làm cho họ.
Đó là các bãi giữ xe cũng phải đưa vào quy hoạch và quản lý; có các điểm đỗ ô tô hợp lý và gần nhà vệ sinh công cộng. Anh nói anh có đủ nhà vệ sinh công cộng nhưng ngay đó không cho đậu xe, đậu sai thì anh phạt, vậy tài xế giải quyết nhu cầu cá nhân cấp bách kiểu gì?
Đó là tuyên truyền sâu rộng hơn nữa về chủ trương đúng đắn của chính quyền, song song đó là công tác vận động, giáo dục một cách thực chất, có chiều sâu và lâu dài.
Đó là công tác cán bộ. Đây là khâu quan trọng nhất. Không phải nay đề xuất đình chỉ cán bộ này, mai kiến nghị cắt chức bà kia vì buông lỏng quản lý... là được việc, mà phải truy cho ra, công khai và xử lý đến nơi đến chốn những cá nhân đã bán vỉa hè lấy tiền đút túi.
Viết đến đây, chợt nhớ chuyện chiều hôm qua, 25-9, khi dẹp cơ sở nước đá ở góc đường Pasteur - Huỳnh Thúc Kháng, ông truy vấn chủ cơ sở: "Anh không chung chi sao người ta cho anh kinh doanh 10 năm nay, làm sao 10 năm anh tồn tại ở đây mà không có cán bộ nào đồng ý. Phải có đồng chí nào đồng ý cho làm thì anh mới tồn tại ở đây được. Anh khai ra cán bộ nào tôi đề nghị xử lý cán bộ đó".
Nói vậy là thừa, ông Hải ạ! Bởi chủ cơ sở đã cho biết "chỉ bị phường kiểm tra và phạt 200.000 đồng mỗi tháng, sau đó tiếp tục hoạt động suốt 10 năm qua", tức là địa chỉ đã khá rõ rồi, ông muốn biết ai đã nhận tiền và dung túng thì có gì khó.
Không cần "biểu diễn", không cần hình thức mà phải thực chất và bắt đầu từ gốc. Cái gốc lớn nhất chính là đạo đức cán bộ. Nhiều người có trách nhiệm đã đồng tình với ông Hải rằng vỉa hè bị lấn chiếm mãi là do có bảo kê. Chỉ có cán bộ có chức, có quyền ở địa phương mới đủ sức bảo kê chứ ai chen chân vô được?!
Vậy hãy bắt đầu từ các "địa chỉ" ấy đi. Chứ chẳng lẽ vung gươm "chặt đầu Phạm Nhan" mãi thì biết tới bao giờ mới xong!
(Tòa soạn đón nhận tất cả các ý kiến tranh luận. Chúng tôi khuyến khích các ý kiến mang tinh thần xây dựng cao).
Thăm dò ý kiến
Bạn nghĩ gì về cách "giành lại vỉa hè"?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Bình luận (0)