Trước giờ, dư luận đã râm ran chuyện xe quá tải, quá khổ "mua đường", chạy bạt mạng nhưng hiếm khi có được bằng chứng cụ thể. Bởi lẽ, người trong cuộc không ai dại gì tung ra chứng cứ vì chẳng khác khác gì "lạy ông tôi ở bụi này". Vì vậy mà chuyện "bảo kê" xe vi phạm, xe quá khổ ai cũng biết nhưng "bắt tận tay, day tận mặt" là việc không hề dễ dàng.
Hình ảnh cắt từ clip tố cáo lãnh đạo CSGT tỉnh Đồng Nai "bảo kê" xe tải
Gần đây nhất, vụ "Đưa hối lộ, làm môi giới hối lộ" trong đường dây logo "xe vua" đã bị TAND Cấp cao tại TP HCM hủy án sơ thẩm vì có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm đối với 80 người là CSGT và thanh tra giao thông (TTGT) các địa phương TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai.
Trong vụ án này, cơ quan tố tụng xác định có người "đưa hối lộ", có người "làm môi giới hối lộ" và đã khởi tố. Dù có nhiều chứng cứ chứng minh "đầu cuối" có "nhận hối lộ" nhưng vì họ không thừa nhận nên không truy cứu trách nhiệm hình sự!
Báo Người Lao Động cũng từng nhiều lần đặt nghi vấn về sự bất thường của vụ án này. Nghi vấn ấy khá trùng khớp với lập luận của TAND Cấp cao và VKSND Cấp cao tại TP HCM trong phiên xử phúc thẩm.
Trong vụ án này, cơ quan tố tụng đã xác định được danh tính một số CSGT đang công tác tại Công an tỉnh Đồng Nai "có nhúng chàm".
Và bây giờ, một số người có chức vụ đang công tác tại Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an tỉnh Đồng Nai bị cấp dưới tố bảo kê cho nhiều đoàn xe quá tải, kèm theo "nhân chứng, vật chứng" khá rõ ràng là các video clip ghi lại hình ảnh, giọng nói của những "lãnh đạo" trực tiếp can thiệp.
Có thể nói, với những chứng cứ quan trọng này, cơ quan có thẩm quyền khó có thể cho qua, nhất là vụ việc có dấu hiệu hình sự, chứ không đơn thuần là vi phạm quy định của ngành.
Đây không phải lần đầu, CSGT tỉnh Đồng Nai bị tai tiếng "bảo kê" cho xe quá tải. Dư luận có quyền đặt nghi vấn ngoài hai vụ việc nêu trên thì một số người đang công tác tại Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an tỉnh Đồng Nai còn "bảo kê" bao nhiêu đường dây nữa và phí "bảo kê" mỗi tháng bao nhiêu cho một xe, số tiền này đi đâu, về đâu, ai hưởng?
Đồng Nai là địa phương có nhiều tuyến đường huyết mạch đi qua: Quốc lộ 1, Quốc lộ 51, Quốc lộ 20, đường cao tốc TP.HCM - Long Thành…; mỗi ngày có hàng ngàn lượt xe lưu thông. Món lợi từ việc "bảo kê" những chuyến xe quá tải không phải là nhỏ. Từ lâu, CSGT tỉnh Đồng Nai là nỗi ám ảnh của cánh tài xế.
Điều đáng nói là mới đây, gần hết thành viên Ban Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai bị kỷ luật do có nhiều vi phạm nghiêm trọng. Trong đó, đại tá Huỳnh Tiến Mạnh, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, bị cách hết các chức vụ về Đảng và chính quyền. Nguyên giám đốc công an tỉnh này trước nhiệm kỳ của ông Mạnh là Thiếu tướng Nguyễn Văn Khánh cũng bị xử lý kỷ luật với những sai phạm khi đương chức...
Điều đó cho thấy Công an Đồng Nai thật sự đã bị bệnh "nan y", cần một cuộc "đại phẫu thuật" mới mong lành mạnh trở lại.
Có thể, nếu cơ quan chức năng quyết liệt vào cuộc điều tra, xác minh vụ việc lãnh đạo CSGT Đồng Nai bị tố "bảo kê", sẽ có một số cán bộ bị kỷ luật, thậm chí hoàn toàn có khả năng bị xử lý hình sự nếu những bằng chứng kia là xác thực.
Nhưng "thà đau một lần", thà loại khỏi ngành những người lợi dụng chức vụ được giao để trục lợi, chứ không thể tiếp tục để xảy ra tình trạng "bảo kê" như vừa rồi, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của nhà nước và của ngành công an.
Dư luận cả nước đang chờ người có thẩm quyền của Bộ Công an và Công an tỉnh Đồng Nai xử lý vụ việc này.
Bình luận (0)