Gần đây, nông dân tỉnh Đồng Tháp phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân chuyên nghiệp, chuyển mạnh từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.
Theo đó, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Tịnh Thới (xã Tịnh Thới, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) đã phát huy vai trò trung tâm kết nối cộng đồng, góp phần từng bước giúp người nông dân chuyển dần tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.
Tình làng, nghĩa xóm càng thêm gắn bó
HTX này được thành lập vào năm 2018 trên nền tảng Đồng Tâm Hội quán và Thịnh Hưng Hội quán ở xã Tịnh Thới. Sau khi thành lập HTX, Hội đồng quản trị HTX phối hợp với ban chủ nhiệm 2 Hội quán tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động, sản xuất kinh doanh, đặc biệt là dịch vụ liên kết tiêu thụ xoài.

Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tịnh Thới giúp các thành viên bao tiêu trái xoài ổn định đầu ra
Trong các buổi sinh hoạt Hội quán, Ban Giám đốc và Hội đồng quản trị HTX đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện và hướng dẫn nông dân tham gia các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản.
Bên cạnh đó, các thành viên HTX còn tích cực tham gia liên kết, hợp tác sản xuất và tiêu thụ nông sản, nâng cao ý thức liên kết, áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, từ đó giảm được giá thành sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu theo tiêu chuẩn VietGAP.
Ông Trần Hữu Trang, thành viên HTX Dịch vụ nông nghiệp Tịnh Thới, chia sẻ: "Tham gia vào HTX, tôi được hướng dẫn khoa học - kỹ thuật về canh tác xoài theo hướng an toàn để xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Ngoài ra, chúng tôi còn được bao tiêu sản phẩm, mua phân hữu cơ với giá ổn định hơn so với mua ở bên ngoài; mối quan hệ giữa các nông dân thêm đoàn kết, cùng chia sẻ kinh nghiệm làm ăn".
HTX Dịch vụ nông nghiệp Tịnh Thới thường xuyên tổ chức tập huấn, hội thảo, hội nghị, dạy nghề cho hơn 4.000 lượt thành viên và nông dân tham gia, định hướng nông dân chuyển dần từ tư duy sản xuất truyền thống sang sản xuất hiện đại theo hướng hữu cơ, an toàn với người tiêu dùng. HTX được phát triển theo chủ trương đẩy mạnh việc sản xuất nông nghiệp sạch, nông sản an toàn và các dịch vụ đi kèm nhằm đem lại lợi ích tối đa cho xã hội.
Ông Võ Tấn Bảo, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Tịnh Thới, cho biết: "Ban đầu thành lập có khoảng 40 người tham gia Hội quán, năm 2018, số thành viên đã tăng lên hàng trăm người và hiện HTX có 144 thành viên tham gia sinh hoạt. HTX là nơi giúp các thành viên giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, từ đó giúp nông dân biết chăm sóc cây xoài tốt hơn, bán với giá cao hơn".

Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tịnh Thới thường xuyên tổ chức tập huấn hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất xoài cho các thành viên
Hiện nay, HTX Dịch vụ nông nghiệp Tịnh Thới kinh doanh 4 ngành nghề: thuốc bảo vệ thực vật và phân bón; nông ngư cụ; túi bao xoài; liên kết tiêu thụ xoài cho nông dân.
Từ đầu vào đến đầu ra, HTX phối hợp Viện Cây ăn quả miền Nam thực hiện khoảng 40ha sản xuất xoài theo tiêu chuẩn VietGAP để xuất sang thị trường nước ngoài như: Mỹ, Nga, Hà Lan, Malaysia, Hàn Quốc, Trung Quốc...
HTX phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP Cao Lãnh thực hiện mô hình xoài rải vụ hàng trăm héc-ta (ha), liên kết với nhiều công ty phân thuốc hữu cơ cung cấp cho thành viên theo hình thức trả trong 4 tháng không tính lãi.
HTX còn liên kết Trường Đại học Cần Thơ thực hiện mô hình sản xuất xoài theo hướng bền vững thích ứng biến đổi khí hậu gắn với hợp đồng tiêu thụ trên diện tích khoảng 150 ha.
Ông Võ Tấn Bảo, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Tịnh Thới, chia sẻ: "Lô xoài 3 tấn đầu tiên xuất sang thị trường nước ngoài vào năm 2022, sau đó, HTX tiếp tục mở rộng thị trường cho sản phẩm đặc trưng của địa phương. Để xuất khẩu sang châu Âu, HTX phải thay đổi mô hình sản xuất từ đơn lẻ sang ứng dụng khoa học công nghệ và liên kết với doanh nghiệp để sản xuất theo chuỗi. HTX xúc tiến, tìm kiếm thị trường để giải quyết đầu ra cho trái xoài ổn định".
Các HTX trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã giúp các thành viên chuyển từ sản xuất truyền thống sang hiện đại, hỗ trợ tập huấn cho nông dân kỹ thuật quản lý dịch bệnh, sản xuất rải vụ, sử dụng phân bón hữu cơ cải tạo đất và liên kết tiêu thụ nông sản, góp phần nâng cao năng suất, thu nhập cho các thành viên.
Thay đổi lớn nhất của HTX là chuyển từ mô hình sản xuất đơn lẻ sang ứng dụng khoa học công nghệ và liên kết với doanh nghiệp để sản xuất theo chuỗi. Trong đó, vai trò đầu tàu của HTX được thể hiện khi HTX ký hợp đồng tiêu thụ nông sản của nông dân với các công ty và ký hợp đồng cung cấp hàng nông sản vào các siêu thị.
Tham gia vào HTX Dịch vụ nông nghiệp Tịnh Thới, nông dân Thái Hùng Dũng (ngụ ấp Tịnh Hưng, xã Tịnh Thới) canh tác 10 công xoài, bộc bạch: "Cái lợi của việc tham gia vào HTX là giúp nông dân được bao tiêu sản phẩm, không phải lo lắng đầu ra. Trước đây, việc trồng xoài không được hướng dẫn kỹ thuật sản xuất theo hướng hiện đại, trái xoài không đạt chất lượng nên bán với giá thấp. Bây giờ, sản xuất xoài phải tuân thủ theo đúng quy trình sản xuất an toàn, hữu cơ và có sổ nhật ký ghi chép quá trình sản xuất. Từ ngày vào HTX, tình làng, nghĩa xóm của nông dân càng thêm gắn bó, đoàn kết, cùng nhau bàn chuyện làm ăn, trồng xoài hiệu quả, bán được giá cao nên nông dân đều phấn khởi".
Sản xuất an toàn, nâng cao thu nhập
Mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP (sản xuất lúa gạo bền vững) gắn với liên kết tiêu thụ được thực hiện ở huyện Thanh Bình (tỉnh Đồng Tháp), với diện tích 790 ha. Người dân sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP áp dụng tốt giải pháp "1 phải, 5 giảm" (tức là phải sử dụng giống xác nhận để SX lúa hàng hóa; giống, phân bón, thuốc BVTV, chi phí bơm tát, thu hoạch và thất thoát sau thu hoạch cần giảm để tăng lợi nhuận - PV) kết hợp thêm các giải pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập cho nông hộ.
Ông Tạ Văn Bông, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tân Bình (huyện Thanh Bình), cho biết: "HTX quyết tâm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp với việc thành lập cánh đồng lớn, tập hợp thành viên HTX có nhu cầu sản xuất theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm và cùng chủng loại giống để có sản lượng lớn thu hút doanh nghiệp đến hợp đồng thu mua. Năm 2024, HTX đăng ký tham gia mô hình theo tiêu chuẩn SRP gắn liên kết tiêu thụ với quy mô 100ha/41 hộ nông dân. Thời gian tới, HTX và địa phương tiếp tục duy trì và mở rộng diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn SRP; đồng thời tuyên truyền vận động thành viên, nông dân tham gia mở rộng liên kết, trong đó tuyên truyền và so sánh về hiệu quả sản xuất lúa nhằm giảm chi phí mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân".
Ngành hàng ớt ở huyện Thanh Bình đã xây dựng nhãn hiệu "Ớt Thanh Bình" được công nhận và tiếp tục duy trì, phát triển.
Đến nay, huyện Thanh Bình xây dựng và cấp 16 mã số vùng trồng ớt với diện tích 210 ha, hỗ trợ 3 công ty được cấp mã số cơ sở đóng gói đảm bảo đủ điều kiện xuất khẩu; toàn bộ sản lượng ớt của huyện được các cơ sở, doanh nghiệp ở địa phương thu mua, chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Hoa Kỳ.
Ngoài ra, trái ớt được chế biến thành nhiều loại sản phẩm, như: bột ớt, tương ớt, ớt khô, muối ớt... Hiệu quả kinh tế 1 ha ớt lợi nhuận từ 50 triệu - 100 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Ten (ngụ ấp Tân Thuận A, xã Tân Phú, huyện Thanh Bình), cho biết: "Ớt là một trong những cây trồng chủ lực của huyện Thanh Bình, chỉ sau cây lúa. Chính quyền địa phương vận động nông dân tham gia thực hiện mô hình sản xuất ớt an toàn gắn với liên kết tiêu thụ với tổng diện tích 10 ha/8 hộ. Tôi nhận thấy mô hình này đáp ứng được yêu cầu của nông dân, từ đó mạnh dạn đăng ký tham gia 2 ha. Mô hình được hỗ trợ phân bón DAP hữu cơ và thuốc trừ sâu, bệnh sinh học để phòng, trị bệnh trên cây ớt. Quy trình sản xuất này vào thực tế đồng ruộng nhằm giảm chi phí, tăng thêm thu nhập kinh tế cho nông dân".

Nông dân Đồng Tháp chuyển đổi tư duy sản xuất trái xoài theo hướng hữu cơ để nâng giá trị trái xoài, xuất khẩu sang thị trường nước ngoài
Mô hình sản xuất xoài theo hướng hữu cơ gắn truy xuất nguồn gốc sản phẩm ở ấp Tân Hậu (xã Tân Thuận Tây, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), với 24 thành viên tham gia do ông Đặng Văn Những - Chủ nhiệm Tâm Quê Hội quán làm Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất.
Khi tham gia vào Tổ hợp tác sản xuất, nông dân được nhà nước hỗ trợ 50% chi phí để mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, máy móc phục vụ sản xuất.

Ông Đặng Văn Những trồng xoài theo hướng hữu cơ có quét mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm
Ông Những cho biết ông canh tác 1,5 ha xoài theo hướng hữu cơ bằng cách dùng củ gừng, ớt ủ chung để phun xịt trừ sâu bệnh cho trái xoài. "Trái xoài sản xuất theo hướng hữu cơ, khi xuất bán trên thị trường có truy xuất nguồn gốc và bán được giá cao. Nông dân tham gia vào tổ hợp tác cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm trồng xoài theo hướng hữu cơ, tuyên truyền bài thuốc phun xịt cây xoài để giảm chi phí sản xuất; đồng thời phối hợp với HTX Tân Thuận Tây liên kết bao tiêu trái xoài, ổn định đầu ra" - ông Những chia sẻ.
Trân quý người nông dân
Năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 62,5 tỷ USD, chiếm tới 71,6% xuất siêu cả nước. Trả lời với báo chí về kết quả kỷ lục này, ông Lê Minh Hoan - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội – cho rằng có được kết quả này, đầu tiên chúng ta phải trân quý người nông dân. Bởi, dù thắng lợi gì mà không có chỗ dựa là bà con nông dân thì rất khó. Kết quả này cũng cho thấy sự năng động của các địa phương trong việc chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Điều ấy đã thẩm thấu dần vào trong xã hội. Bà con nông dân, chính quyền địa phương đều biết rằng chỉ đạo sản xuất phải kết nối được tới thị trường.
"Trước đây, chúng ta có tư duy phải thúc đẩy sản xuất nhiều hơn, nhưng quan điểm ấy giờ cần thay đổi, cùng với sản xuất phải áp dụng thêm tư duy kinh tế, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường. Hiệu quả phát triển từ việc rộng mở các thị trường cũng cho thấy nhu cầu thị trường rất đa dạng. Tư duy sản xuất theo thị trường đã từng bước được hình thành. Như vậy, không đơn giản là câu chuyện sản xuất - mua bán nữa, mà là sự định hình thói quen sản xuất theo tín hiệu thị trường, nghĩa là chúng ta bán cái thị trường cần, chứ không phải bán cái mà chúng ta có" – ông Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Bình luận (0)