Trong bối cảnh thực phẩm hữu cơ ngày càng được ưa chuộng và bán giá cao, những năm gần đây xuất hiện tình trạng gian lận thực phẩm hữu cơ tại Mỹ.
Giới chức Mỹ đang ra sức bảo vệ người tiêu dùng trước tình trạng thực phẩm hữu cơ “dỏm” Ảnh: AP
Chẳng hạn như hồi năm ngoái, tờ Washington Post đưa tin 3 lô hàng bắp và đậu tương nhập khẩu trị giá hàng triệu USD, được dán nhãn mác hữu cơ nhưng thực chất chỉ là sản phẩm thông thường. Sau đó, tờ báo này tiếp tục đăng tải loạt bài đặt nghi vấn về độ tin cậy của thực phẩm hữu cơ được bán tại Mỹ, đặc biệt là trứng, sữa và ngũ cốc nhập khẩu.
Giới chức, người tiêu dùng và cả nông dân Mỹ đang lo lắng về thực phẩm hữu cơ "dỏm". Theo nông dân Mỹ, chiêu trò cạnh tranh thiếu lành mạnh này khiến thực phẩm hữu cơ thực thụ gặp khó khăn, rớt giá.
"Thực phẩm hữu cơ giả khiến người tiêu dùng tin rằng nếu chúng được nhập khẩu và dán nhãn hữu cơ, chúng đích thị là thực phẩm hữu cơ" - dân biểu John J. Faso, TP New York, bày tỏ.
Chương trình Hữu cơ Quốc gia của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) được mong đợi sẽ bảo vệ người tiêu dùng trước tình trạng thực phẩm quảng bá là hữu cơ nhưng không đạt chuẩn hữu cơ, đặc biệt là thực phẩm nhập khẩu. Theo Washington Post, Mỹ nhập khẩu thực phẩm hữu cơ từ hơn 100 quốc gia. Trong đó, một số nông sản như bắp, đậu tương và cà phê có tỉ lệ nhập khẩu ít nhất 50%.
Theo Đạo luật Nông trại 2018, thực phẩm hữu cơ nhập khẩu phải có chứng từ nêu rõ xuất xứ, điểm đến cũng như cơ quan kiểm tra và kết luận đó là hàng hữu cơ. Ngoài ra, đạo luật này còn yêu cầu USDA thành lập hệ thống rà soát giấy chứng nhận nhập khẩu hữu cơ và làm báo cáo thường niên.
"Đây chắc chắn là những bước đi tích cực liên quan đến hàng hóa nhập khẩu. Trong nhiều năm qua, nông dân trồng ngũ cốc hữu cơ của Mỹ đã tổn thất hàng trăm triệu USD vì hàng hữu cơ nhập khẩu dỏm. Không thể làm ngơ vấn đề này" - ông Anne Ross, đến từ Viện Cornucopia, cơ quan theo dõi chính sách nông nghiệp và thực phẩm quốc gia Mỹ, khẳng định.
Bình luận (0)