Dòng sản phẩm hữu cơ đã định vị được phân khúc và tăng trưởng tốt. Các đơn vị sản xuất, cung ứng không lo sức mua chậm mà chỉ ngại không có đủ hàng bán cho khách.
Nhiều sản phẩm mới
Công ty TNHH Nông nghiệp hữu cơ Đức Tiến (cam hữu cơ theo chuẩn Mỹ) đang lo không còn hàng để bán. Ông Trần Hữu Đức, giám đốc công ty, cho biết từ nay đến Tết, công ty chỉ còn khoảng 30 tấn cam, chưa đủ lượng cung ứng cho các đại lý trong ngày thường.
Vinamit muốn tạo nên trào lưu “lắc” (phối trộn) nước trái cây trong Tết này Ảnh: TẤN THẠNH
Theo ông Lâm Anh Tú, Giám đốc Công ty CP Nông sản hữu cơ Hoa Nắng, sản lượng gạo hữu cơ bán ra trong mùa Tết cao gấp 2 ngày thường. "Gạo Hoa Nắng mỗi năm có một vụ thu hoạch Tết nên gạo mới, dẻo và thơm nhất năm nên rất phù hợp "ăn" Tết. Nhiều đơn vị đã liên hệ đặt mua gạo của chúng tôi để làm quà cho nhân viên" - ông Tú cho hay.
Sau nhiều năm theo đuổi sản phẩm hữu cơ, Tết năm nay, chuỗi cửa hàng Organica của Công ty CP Đầu tư Organica bổ sung thêm nhiều mặt hàng cả trong nước lẫn nhập khẩu lên quầy kệ. Đáng chú ý là dòng bia hữu cơ được nấu thủ công từ Bỉ của hãng Brunehaut nổi tiếng lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam, giá khoảng 4 triệu đồng/thùng 24 chai. Các loại trà hữu cơ rất đa dạng, năm nay có thêm trà hoa cúc sấy khô được thu hoạch trong vườn ôn đới của Organica đóng gói dạng túi để khách pha trà hay ngâm làm mứt. Ngoài ra, còn có nhiều trái cây sấy nhập khẩu đạt chuẩn hữu cơ như: mơ, mận, chà là, kỷ tử, nho; các loại hạt như hạnh nhân và điều trong nước sản xuất. Cửa hàng còn có mật ong hữu cơ và tinh bột nghệ hữu cơ (sản phẩm mới của Việt Nam đạt tiêu chuẩn organic của Mỹ, châu Âu và Nhật).
Chị Phan Minh Tuyền, Trưởng Chi nhánh Công ty TNHH Rau sạch Mầm Xanh (TP HCM), cho biết Tết năm nay thị trường lần đầu tiên xuất hiện sản phẩm phúc bồn tử hữu cơ trong nước. "Sản phẩm của trang trại có chứng nhận hữu cơ của Nhật Bản tại Lâm Đồng giá khoảng 1 triệu đồng/kg trái tươi, cao gấp 3-4 lần phúc bồn tử đỏ. Trang trại này còn có rượu vang, mứt, trà..." - chị Tuyền bày tỏ.
Theo chị Tuyền, so với hàng hữu cơ nhập khẩu cùng phân khúc thì hàng sản xuất trong nước có giá mềm hơn nhưng vẫn gặp nhiều trở ngại trong cạnh tranh bởi người tiêu dùng tin tưởng hàng nhập khẩu hơn. Các nhà sản xuất trong nước phải nỗ lực chứng minh chất lượng để thuyết phục họ.
Thêm quà tặng, tăng kênh bán hàng
"Tết năm rồi, Vinamit có sản phẩm đặc biệt là sữa chua sấy đông khô, các hộp quà là sản phẩm này "cháy" hàng, không đủ bán. Tết này, Vinamit tung ra thị trường bộ quà tặng sản phẩm nước uống cũng theo công nghệ sấy đông khô, kèm theo đó là 1.000 máy xay sinh tố mini và bộ ống hút bằng tre tặng khách hàng làm quà mừng năm mới" - ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch Công ty CP Vinamit, chia sẻ và cho biết bộ sản phẩm này gồm các loại nước thơm, cóc, tắc, mãng cầu, chanh dây, rau má, cà phê, nước cốt dừa theo công nghệ sấy thăng hoa, vẫn giữ được mùi vị tự nhiên và các loại vi sinh có lợi. Đặc biệt, tất cả sản phẩm không chứa chất bảo quản hay phụ gia gây hại. Giá bán trung bình tại cửa hàng Vinamit là 70.000-80.000 đồng/hộp 40-200 g, tùy loại.
Cũng theo ông Viên, khách hàng có thể thỏa sức sáng tạo bằng cách kết hợp 2-3 loại lại để cho ra một loại nước uống mới. Ví dụ như nước mía cóc, nước mía rau má, cà phê nước mía, cà phê nước cốt dừa... vừa lạ miệng vừa phù hợp sở thích các thành viên trong gia đình.
Một món quà khác dành cho khách hàng tại TP HCM là ứng dụng (app) bán hàng trên điện thoại thông minh tên gọi bansaoem sẽ ra mắt vào giữa tháng 1-2019. 1.000 thẻ thành viên với ưu đãi giảm giá 30% (có thời hạn sử dụng 1 năm) dành cho 1.000 khách hàng đầu tiên đặt rau củ, trái cây, sản phẩm chế biến của Vinamit trên app. Khoảng 15-20 loại rau tươi, 3 loại trái cây là thơm, chuối, mít và 30 nhóm hàng (mỗi nhóm có vài chục mã hàng) được bán thông qua app với giá tương đương giá hiện có tại các siêu thị hoặc cửa hàng Vinamit. "Tất cả rau củ, trái cây tươi Vinamit bán ra thị trường đều là hàng organic. Chúng tôi đang mở rộng diện tích trồng rau củ, trái cây ở trang trại chính tại Bình Dương, chuẩn bị cho nhu cầu thị trường tăng. Dự kiến thời gian tới, Vinamit sẽ cung ứng ra thị trường 10 tấn rau trái tươi mỗi tháng, gấp 3 lần so với hiện nay" - ông Viên nói thêm.
Xu hướng của sự khác biệt
Kết quả nghiên cứu thị trường của Công ty Kantar Worldpanel chỉ ra rằng người tiêu dùng Việt Nam ở 4 thành thị lớn đang tăng chi tiêu cho thực phẩm tươi sống và hàng tiêu dùng nhanh. Xu hướng mới nổi gần đây là thực phẩm hữu cơ, dù phân khúc này chưa thực sự phổ biến nhưng khá tiềm năng. Các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khởi nghiệp lĩnh vực này, đang tạo ra những sản phẩm khác biệt, chuẩn bị cho sự bùng nổ thị trường sản phẩm dành cho sức khỏe, an toàn và cao cấp.
Bình luận (0)