Ngày 9-1, quỹ đầu tư SWOF trở thành cổ đông chiến lược của Công ty CP Đầu tư Organica (sở hữu chuỗi cửa hàng Organica) sau khi 2 bên đã ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư.
Số tiền đầu tư không được 2 bên tiết lộ nhưng bà Phạm Phương Thảo, Giám đốc điều hành Organica cho biết SWOF đã mua 30% cổ phần của Organica và cam kết một khoản vay dài hạn để công ty có đủ vốn phục vụ cho kế hoạch kinh doanh trong thời gian tới.
Quỹ đầu tư SEAF có văn phòng tại 29 quốc gia chuyên đầu tư vào các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ có tiềm năng tăng trưởng cao tại các thị trường mới nổi và đến nay đã đầu tư vào khoảng 400 DN. Trong đó, riêng quỹ SWOF của SEAF tập trung tìm kiếm các DN có nữ giới là người sáng lập, lãnh đạo với mức đầu tư tới 2 triệu USD cho mỗi khoản đầu tư.
Bà Phạm Phương Thảo, sáng lập Organica (bìa phải) trao đổi với đại diện quỹ đầu tư SEAF
Ông Phạm Sang, Giám đốc quỹ SWOF cho biết trước khi đầu tư vào Organica đã tìm hiểu về thị trường thực phẩm hữu cơ và nhận thấy thị trường này còn rất nhỏ, không chỉ tại Việt Nam mà trên thế giới. Riêng tại Việt Nam, có nhiều con số thống kê về quy mô thị trường sản phẩm hữu cơ nhưng rất chênh lệch nhau, từ 17 – 200 triệu USD/năm.
"Tuy vậy, đây là lĩnh vực có tiềm năng do thu nhập người tiêu dùng tăng lên, quan tâm hơn các vấn đề về sức khỏe và họ muốn làm gì đó cho chính mình và gia đình. Đơn cử như việc tập thể dục, ăn uống an toàn hơn. Hơn nữa, Việt Nam là đất nước nông nghiệp, đây là một lợi thế và thời gian qua, số người tham gia vào ngành nông nghiệp hữu cơ nhiều hơn. Thời gian tới, SWOF có thể sẽ tiếp tục đầu tư vào DN trong lĩnh vực hữu cơ nhưng theo nguyên tắc không đầu tư vào 2 DN là đối thủ cạnh tranh trực tiếp. SWOF chọn DN có nữ lãnh đạo để đầu tư nhưng phải đáp ứng tất cả các tiêu chí dưới góc độ kinh doanh. Phải là DN xứng đáng để đầu tư, không vì chủ DN là nữ "nhân nhượng" bất kỳ tiêu chí nào" – ông Sang nhấn mạnh.
Bên trong cửa hàng Organica trên đường Nguyễn Đình Chiểu
Organica là một công ty khởi nghiệp từ năm 2013 với một cửa hàng chuyên doanh thực phẩm hữu cơ trên đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3, TP HCM), đến nay đã có 5 cửa hàng tại TP HCM (3 cửa hàng) và Đà Nẵng, Hà Nội. Năm 2015, trang trại rau hữu cơ Organica Long Thành (Đồng Nai) được chứng nhận đạt chuẩn hữu cơ theo tiêu chuẩn Mỹ và châu Âu. Đây là trang trại rau nhiệt đới đầu tiên tại Việt Nam đạt chứng nhận này. Đến nay, Organica có 10 trang trại gồm đầu tư trực tiếp và liên kết canh tác rau củ quả hữu cơ có chứng nhận hữu cơ quốc tế hoặc đang trong quá trình chuyển đổi. Ngoài ra, Organica còn bán lẻ các loại thực phẩm hữu cơ nhập khẩu từ Mỹ, EU, Úc, Hàn Quốc,…
Những năm gần đây nông nghiệp hữu cơ và thực phẩm hữu cơ thu hút nhiều người tham gia đầu tư, trong đó có những gương mặt khởi nghiệp trẻ. Có 2 dự án khởi nghiệp đã gọi được vốn thành công thông qua chương trình truyền hình "Thương vụ bạc tỉ" với số vốn 10 tỉ đồng (dự án liên kết với nông dân làm gạo hữu cơ Hoa Nắng) và 15 tỉ đồng (dự án phát triển chuỗi cửa hàng sữa đậu nành hữu cơ Soya Garden).
Bình luận (0)