Cứ đều đặn mỗi sáng, bác sĩ Mai Thị Hường, Trưởng Khoa Khám bệnh, tư vấn và điều trị ngoại trú - Bệnh viện 09 (Hà Nội), lại tất bật dậy sớm lo việc nhà rồi tới viện - nơi mà nhiều bệnh nhân có HIV/AIDS chờ đợi. Không ồn ào người ra vào như nhiều bệnh viện khác, Bệnh viện 09 luôn đóng cửa im ỉm.
Xốc lại tinh thần, gieo niềm tin cho bệnh nhân
Đã quá trưa, bác sĩ Mai Thị Hường mới có thời gian chia sẻ về cuộc đời làm thầy thuốc thầm lặng của mình. Trước đây, chị là cán bộ dân số tại huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình; công việc khá ổn định. Sau đó, chồng chị chuyển công tác lên Hà Nội và chị quyết định đi cùng.
"Hồi đó, khi nghe tôi lên Hà Nội và xin vào Bệnh viện 09, lãnh đạo và đồng nghiệp ở cơ quan cũ đều cho rằng tôi gàn. Tuy nhiên, tôi vẫn quyết định lựa chọn nơi đây như là ngôi nhà thứ hai của mình" - bác sĩ Hường nói.
Cách đây gần 20 năm, mỗi ngày, Bệnh viện 09 có rất đông người tới thăm khám. Có thời điểm khoa điều trị cho hơn 1.000 bệnh nhân ngoại trú (hiện có khoảng 400 người).
Gắn bó với Bệnh viện 09 suốt gần 18 năm, bác sĩ Hường không nhớ mình đã tiếp xúc không biết bao nhiêu bệnh nhân mang "căn bệnh thế kỷ". Mỗi bệnh nhân là một hoàn cảnh, số phận khác nhau.
Bác sĩ Hường nhớ mãi trường hợp nam bệnh nhân nhiễm HIV khi mới ngoài 20 tuổi. Người này trước đó có quan hệ tình dục với gái mại dâm nhưng không có biện pháp phòng tránh nên nhiễm bệnh.
"Bệnh nhân có hoàn cảnh gia đình khó khăn, mẹ mất sớm. Lúc đó, toàn cơ thể bạn ấy lở loét khiến ai cũng sợ hãi, vào bệnh viện tuyến trung ương khám thì được chẩn đoán bị u phổi. Bệnh nhân đến Bệnh viện 09 vì nghĩ nếu chết thì kinh phí hỏa táng sẽ được thành phố chi trả và đưa ra Nghĩa trang Văn Điển (huyện Thanh Trì, Hà Nội - PV) cũng gần. Khi mới vào viện, bệnh nhân bị sốc nặng, không tiếp xúc với bất kỳ ai. Nhân viên y tế lấy máu, tiêm thuốc thì bệnh nhân cáu gắt, từ chối vì nghĩ mình không còn cơ hội sống nữa" - bác sĩ Hường nhớ lại.
Trong quá trình điều trị ở khoa, bác sĩ Hường đã tìm cách thuyết phục, hướng dẫn và đưa bệnh nhân đi Bệnh viện Phổi Trung ương chụp X-quang. Qua đó xác định bệnh nhân có thể không phải u phổi.
"Sau vài tuần động viên bệnh nhân đã hợp tác điều trị. Tôi bảo em phải cố gắng điều trị để còn về chăm sóc bố. Sau vài tuần điều trị đỡ nấm phổi thì chúng tôi cho bệnh nhân điều trị ngoại trú, hằng tháng đến khám định kỳ lấy thuốc về uống và bệnh nhân cũng dần vui vẻ trở lại" - bác sĩ Hường kể.
Xót lòng những phút lâm chung
Bác sĩ Hường chia sẻ nghề thầy thuốc gắn với sứ mệnh cứu người. Để hoàn thành sứ mệnh ấy là cả hành trình nỗ lực không ngừng nghỉ. Bên cạnh việc làm quen và vượt qua những khó khăn, áp lực của nghề, đôi khi người thầy thuốc còn phải lặng lẽ giấu đi tiếng thở dài khi chứng kiến bệnh nhân lìa đời. Nhất là khi đó, những bệnh nhân AIDS, ra đi trong cô độc.
Gần 2 thập niên gắn bó với nghề tại Bệnh viện 09, bác sĩ Hường đã chứng kiến không ít cái chết rất lạnh lẽo khi không có người thân bên cạnh. Phút lâm chung của họ chỉ có mặt các y, bác sĩ của bệnh viện. Với những người không có gia đình, khi tử vong, bệnh viện sẽ đưa đi hỏa táng và gửi tro cốt ở Nghĩa trang Văn Điển hoặc Nghĩa trang Thiên Đức (Ba Vì, Hà Nội).
"Ở một số bệnh viện khác, trước khi bệnh nhân lìa xa cõi đời, người thân bên cạnh rất nhiều. Tuy nhiên, ở bệnh viện chúng tôi có nhiều hoàn cảnh lúc mất không có một ai. Trong lúc thoi thóp giữa sự sống và cái chết, bệnh nhân nắm chặt tay bác sĩ rồi nói thèm được gặp bố mẹ nhưng cuối cùng vẫn chẳng có ai đến, họ chết mà không nhắm được mắt" - bác sĩ Hường chua xót.
Bệnh nhân có HIV/AIDS đa phần nghiện ma túy. Có gia đình 3 người con trai đều nghiện ma túy dẫn tới mắc HIV/AIDS rồi lần lượt qua đời. Bác sĩ Hường từng chứng kiến người đàn ông lần lượt tiễn 3 đứa con ở Bệnh viện 09.
Nhiều bệnh nhân có quá khứ nghiện ngập, phá phách nên bị gia đình từ mặt. Như trường hợp một bệnh nhân ở Hà Nội sắp tử vong, nửa đêm bác sĩ gọi điện báo tin: "Con trai bác đang diễn biến rất nặng sắp không qua khỏi, bệnh nhân tha thiết muốn gặp gia đình". Nhưng vừa dứt lời người cha bảo: "Bao giờ nó chết hãy gọi".
"Nghe xong chúng tôi rất buồn, nghĩ thương bệnh nhân. Mặc dù họ có lỗi trong quá trình sống nhưng nghĩa tử là nghĩa tận... Có lẽ họ quá chán với quá khứ ăn chơi trác táng của con trai nên mới nói như vậy" - bác sĩ Hường ngậm ngùi.
Sau đó, nam bệnh nhân đã trút hơi thở cuối cùng trong cô độc. Sáng hôm sau, bệnh viện đã gọi điện báo tin để gia đình thu xếp lo hậu sự. "Điều đáng buồn hơn nữa là người nhà bảo "nó chết rồi à, thủ tục mai táng bệnh viện làm hết chứ?". Chúng tôi trả lời nếu quá thời gian quy định, gia đình không đến thì bệnh viện sẽ làm hết các thủ tục cho bệnh nhân, chi phí mai táng Nhà nước chi trả. Không lâu sau đó, người nhà bệnh nhân đến đông nghịt" - bác sĩ Hường kể thêm.
Chứng kiến những trường hợp ra đi trong cô độc, bác sĩ Hường thầm nói: "Mỗi người mỗi số phận, trước khi mất bạn không có gia đình mà chỉ có chúng tôi, thôi thì cầu mong bạn về nơi suối vàng yên nghỉ thanh thản. Mỗi người mỗi kiếp, xin hãy vui lòng nhắm mắt". Sau đó, tôi vuốt mắt họ mới nhắm...".
Xem bệnh nhân như người nhà của mình
Chính vì chứng kiến nhiều trường hợp như vậy nên khi mới vào nghề, không ít bác sĩ bị ám ảnh suốt một thời gian dài, không ăn nổi cơm. Một số trường hợp lúc mất, cơ thể bệnh nhân lở loét nên cực kỳ hôi thối. Khi đó, để bớt mùi hôi, nhân viên y tế phải đổ dầu Phật Linh vào khẩu trang nhưng cũng không phai đi bao nhiêu.
Dù vậy, bác sĩ Hường và đồng nghiệp luôn tâm niệm khi đã lựa chọn nghề thì phải yêu nghề, có trách nhiệm và làm tốt nhất có thể, thậm chí xem bệnh nhân như chính người nhà. Khi bệnh nhân mất, các y, bác sĩ phải lau rửa cơ thể, mặt mũi bệnh nhân thật sạch sẽ...
Bác sĩ Hường cho hay những năm trước, bệnh nhân HIV/AIDS điều trị muộn tử vong nhiều, mỗi ngày có từ 2-3 ca. Bây giờ, mỗi năm viện chỉ có một vài ca tử vong.
Nữ bác sĩ bộc bạch từng có thời gian do công việc áp lực nên làm được 2 năm thì bà xin nghỉ việc nhưng được lãnh đạo bệnh viện động viên ở lại. "Một thời gian sau đó tôi lại nộp đơn xin nghỉ. Nhưng khi nghĩ lại mình có quãng thời gian gắn bó với bệnh nhân, rất khó để dứt bỏ, vậy là tôi lại rút đơn và quyết định gắn bó đến tận bây giờ" - bác sĩ Hường trải lòng.
Giữ vững y đức
Bác sĩ Mai Thị Hường cho biết ở Bệnh viện 09, các y - bác sĩ gặp không ít khó khăn khi chỉ nhận 100% lương nhà nước và được thêm 70% độc hại.
"Chúng tôi không có thu nhập thêm bên ngoài. Bệnh nhân nghèo, cuộc sống khó khăn có cảm ơn thì chúng tôi cũng từ chối bởi cầm tiền của họ sẽ rất day dứt. Ai cũng nghĩ bác sĩ có nhà lầu xe hơi nhưng bác sĩ ở đây khá khó khăn. Tuy nhiên, tất cả cũng chỉ vì người bệnh mà cùng cố gắng" - bác sĩ Hường nói.
Bình luận (0)