Người ta thường nghĩ hộ sinh như người hỗ trợ sản phụ "vượt cạn" hay theo dân gian còn gọi là "bà mụ" nhưng đó chưa phải là tất cả công việc của họ. Theo chân các nữ hộ sinh tại Khoa Sanh, Bệnh viện Hùng Vương (quận 5, TP HCM) trong một ngày làm việc, tôi mới thấu hiểu được những vất vả của nghề này.
Những con thoi ở phòng sanh
Một ngày làm việc mới của các chị được bắt đầu bằng giao ban, giao ca với hộ sinh trực ngày hôm trước để tiếp nhận đầy đủ các thông tin về các sản phụ, trẻ sơ sinh. Sau đó, các chị phải nhanh chóng khai thác được tiền sử của thai phụ, theo dõi sát sao sức khỏe của họ và đánh giá cuộc chuyển dạ có bất thường không để chuẩn bị phương án xử lý…
Sau khi em bé chào đời, hộ sinh sẽ hỗ trợ mẹ và bé được da kề da, theo dõi tình trạng sức khỏe của sản phụ, lưu ý các bà mẹ những điều cần thiết trong quá trình phục hồi và chăm sóc con…
Hơn 12 giờ trưa, các ca sanh vẫn không ngớt. Các bác sĩ và hộ sinh vẫn tất bật với công việc. "Sản phụ chuẩn bị sanh rồi", "Cho em hỏi đăng ký phòng sanh gia đình"... - những thông báo, những câu hỏi không ngớt và những hồi chuông điện thoại liên tục; các chị làm việc như con thoi, chạy đua với từng giờ, từng phút.
Túc trực nhiều ngày ở Khoa Sanh, tôi mới hiểu hết sự vất vả của nghề này và tinh thần làm việc đáng nể của họ. Trong một ca trực, các hộ sinh làm việc liên tục, gần như không có một phút nghỉ ngơi. Dường như họ đã quen với việc bữa sáng thành bữa trưa, bữa trưa thành bữa tối, thậm chí làm việc quên ăn uống.
Dù công việc nối tiếp, dồn dập, đôi khi căng thẳng cực độ nhưng tôi nhận thấy sự bình tĩnh trên khuôn mặt của các nữ hộ sinh. Lúc nào họ cũng giữ nụ cười trên môi, giọng nói nhẹ nhàng, ánh mắt ân cần khi giao tiếp với các sản phụ, đặc biệt là khi chăm sóc các thiên thần nhỏ.
Nhiều nữ hộ sinh tâm sự trực đêm mệt mỏi nhưng khi nhìn thấy cái đau của sản phụ, sự lo lắng xen lẫn nỗi mong chờ của người nhà như làm họ sực tỉnh. Các cô phải tập trung cao độ, phải xem sự đau đớn của sản phụ là của mình mà cố gắng.
Vượt khó, gắn bó với nghề
Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh đã có hơn 32 năm làm nghề hộ sinh. Bà chia sẻ có lẽ cái duyên đã đưa bà đến với nghề và gắn bó cho đến nay. Khi tôi hỏi: "Có ca sinh nào đáng nhớ với chị không?", bà Hạnh xúc động: "Trong thời gian đầu làm việc tại Khoa Sanh, tôi vẫn còn nhớ như in hôm đó đỡ sanh cho một ca khó. Em bé bị kẹt vai. Đầu của trẻ đã ra được nhưng vai vẫn bị kẹt trong khung xương chậu của mẹ. Sản phụ lúc ấy hỏi tôi: "Con em có sao không chị?". Tôi sợ lắm nhưng chỉ biết trấn an và cố gắng phối hợp cùng các bác sĩ và chị em hộ sinh để giúp ca sinh thành công".
Cũng có thâm niên hàng chục năm trong nghề hộ sinh, bà Vũ Thị Tố Chinh cũng cho biết nghề này nhiều áp lực nhưng cũng nhiều niềm vui, nhờ đó đã giữ bà lại. "Những năm đầu làm nghề, có đôi lúc áp lực quá, nhất là khi có con nhỏ, không ít lần tôi đã nộp đơn xin thôi việc. Nhưng những lời khuyên từ tiền bối, đồng nghiệp và hơn hết là lời cảm ơn từ các sản phụ đã giúp tôi có thêm động lực để bước tiếp" - bà Tố Chinh kể.
Rất nhiều sự hy sinh thầm lặng của các hộ sinh mà không phải ai cũng biết. Lễ, Tết, đêm giao thừa, hay thậm chí cả giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát, họ vẫn phải bám trụ bệnh viện.
Là một hộ sinh có nhiều năm trực đêm giao thừa, bà Tố Chinh bộc bạch: "Ở Khoa Sanh này dường như không có ngày nghỉ. Những ngày lễ, Tết chúng tôi đều thay phiên nhau trực. Trùng hợp là có nhiều năm tôi trực đúng vào đêm giao thừa. Những năm đầu tiên trực đêm giao thừa, tôi cũng buồn vì không được quây quần bên gia đình nhưng dần dần rồi cũng quen. Thậm chí tôi cảm thấy may mắn vì được trực vào những ngày đặc biệt như vậy".
Sự hồi đáp ngọt ngào
"Giỏi quá, mẹ giỏi quá, chúc mừng mẹ, em bé ra rồi" - tiếng nói xen lẫn tiếng khóc ré lên từng hồi của trẻ con. Khi em bé vừa cất tiếng khóc chào đời liền được da kề da trong vòng tay ấm áp của mẹ. Tôi thấy nụ cười rạng rỡ hạnh phúc của người mẹ bất chợt nở trên gương mặt mệt mỏi khi vừa đi qua "cửa tử".
Dù đã là lần thứ hai vượt cạn tại Bệnh viện Hùng Vương, chị Lê Thị Tuyết Hạnh (Củ Chi) vẫn không khỏi bồi hồi khi thấy con gái lọt lòng: "Trước khi sinh tôi khá lo lắng nhưng các bác sĩ và hộ sinh ở đây rất nhiệt tình nên tôi thấy an tâm và bình tĩnh hơn".
Trong hơn 30 năm làm nghề, bà Tố Chinh không nhớ mình đã đỡ sinh cho bao nhiêu sản phụ, ẵm bao nhiêu em bé chào đời. Và điều làm bà hạnh phúc nhất là rất nhiều sản phụ vẫn nhớ tới "hộ sinh Tố Chinh".
Không giấu niềm vui, bà Chinh kể: "Nhiều trường hợp ấn tượng lắm. Điển hình nhất là một sản phụ (hiện sống ở Đài Loan - Trung Quốc) đã giữ rất kỹ tấm thiệp chúc mừng của bệnh viện vào đêm giao thừa năm 1997, trong đó có chữ ký của tôi - người đã đỡ sanh cho chị. Sau 21 năm, chị đã tin tưởng giao con gái cho bàn tay của "bà mụ" Tố Chinh và hạnh phúc lên chức bà ngoại. Tôi cảm thấy biết ơn vì chỉ những hành động chăm sóc nhỏ của tôi được sản phụ nhớ lâu đến vậy".
Bà Trần Thị Mai (Long An) xúc động nhắc về kỷ niệm 32 năm trước: "Khoảng 11 giờ khuya ngày 14-9-1992, tôi nhập viện và được hộ sinh Chinh chăm sóc ân cần. Tôi vẫn còn nhớ rõ những lời dặn dò hướng dẫn trước và sau khi sinh của cô ấy. Ngay lúc đó, tôi có cảm giác mình như người thân của cô ấy vậy, kỷ niệm luôn trong tâm tôi. Thậm chí, khi em bé vừa ra đời, tôi bị mất máu nhiều, dù cả ê-kíp khi đó mỗi người mỗi việc nhưng chung quy lại họ chỉ chạy để cấp cứu cho tôi, bằng mọi cách bảo vệ tốt nhất cho sản phụ".
Tin tưởng, quý mến hộ sinh Tố Chinh nên sau khi con lớn lên có gia đình, sinh con đẻ cái, bà Mai đều đưa đến Bệnh viện Hùng Vương. "Sau này cả 2 cháu nội của tôi cũng được bàn tay của hộ sinh Tố Chinh đón ra từ bụng mẹ. Nay cháu trai đã 4 tuổi và cháu gái 4 tháng. Với gia đình tôi, hộ sinh Tố Chinh như là cô tiên vậy" - bà Mai bộc bạch.
Trĩu lòng trước cảnh sinh ly tử biệt
Bà Tố Chinh cho biết làm nghề hộ sinh nhiều áp lực, vất vả nhưng chúng đến rồi đi. Chỉ có những nỗi buồn sinh ly tử biệt là còn đọng mãi. "Không ít trường hợp sản phụ chỉ được làm mẹ trong vài khoảnh khắc ngắn ngủi vì đứa trẻ không khỏe hoặc chính họ phải ra đi. Có những trường hợp tôi vừa chăm sóc, trò chuyện chưa lâu thì sau đó sản phụ đã qua đời. Mỗi lần như vậy, tôi buồn đến cả tháng trời. Nhưng tôi và các đồng nghiệp luôn cố gắng giữ tinh thần tích cực và lan truyền năng lượng đến sản phụ" - bà Chinh tâm sự.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)