xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

CUỘC THI VIẾT "NGƯỜI THẦY THUỐC TRONG TÔI": Ở nơi bệnh nhân - bác sĩ là một gia đình

Bài và ảnh: VIỆT ĐỨC

Qua cơn nổi loạn, các bệnh nhân tâm thần lại xin được làm việc phụ giúp các y, bác sĩ - những người đã kiên nhẫn từng ngày giúp họ thoát khỏi cơn mê

Phòng ốc ở các khoa của Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 (Hà Nội) khá đặc biệt. Những ô cửa sổ là những chiếc song sắt kết thành ô vuông bàn cờ chừng 20 cm, đủ chật để không ai có thể chui đầu qua được. Mỗi tầng đều có những chiếc cửa xếp bằng sắt để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân.

Bị đạp, đá, tát là bình thường

Trong phòng điều trị tại Khoa Bán cấp tính nam của Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 còn đặc biệt hơn. Căn phòng rộng với hơn 10 giường bệnh và… 1 bàn bóng bàn. Bác sĩ Lê Thị Thanh Thu, Trưởng Khoa Bán cấp tính nam (A4), có gần 30 năm gắn bó với bệnh viện, giải thích: "Để lúc rảnh bác sĩ và bệnh nhân chơi bóng bàn với nhau".

Chia sẻ về công tác điều trị cho hơn 40 bệnh nhân tâm thần, bác sĩ Thu cho biết với y, bác sĩ của bệnh viện, công việc của họ chẳng khác nào "chăm con mọn" với đủ kiểu áp lực.

Thường thì bệnh nhân mới nhập viện sẽ luôn trong tình trạng kích động, thường xuyên tấn công người khác. Vì vậy, việc y, bác sĩ ở đây bị bệnh nhân chửi, đạp, tát… là chuyện bình thường.

Đa phần các bệnh nhân tâm thần không có gia đình và nhiều người phải điều trị lâu dài, năm này qua năm khác. Vì vậy, mỗi y, bác sĩ ở đây lúc nào cũng phải đặt sự kiên nhẫn lên hàng đầu.

"Nhân viên chúng tôi bị đánh nhiều, có bệnh nhân đang bình thường tự nhiên chạy tới tát luôn vào mặt nhân viên y tế. Khi đó, chúng tôi chỉ có cách giữ tay bệnh nhân, cố gắng đưa về phòng bệnh để họ qua cơn kích động. Dù có thế nào chúng tôi cũng tuyệt đối không được đánh hay lớn tiếng với bệnh nhân" - bác sĩ Thu nói.

Nhập vai, tâm tình với người bệnh

Có những lần đêm khuya, bệnh nhân dọa nếu không mở cửa để họ ra ngoài về nhà sẽ đánh nhân viên y tế hoặc đập phá đồ đạc. Để giải quyết tình huống này, các y, bác sĩ phải mở cửa, rồi gọi người đến tiếp ứng, để khi bệnh nhân ra đến cổng bảo vệ sẽ được giữ lại. Khi đó, có thể họ đã bình tĩnh hơn, tránh những kích động đáng tiếc.

"Điều trị cho bệnh nhân tâm thần không chỉ bằng thuốc mà còn bằng những liệu pháp tâm lý linh hoạt. Bởi tâm thần của bệnh nhân không ổn định nên chúng tôi vừa phải làm theo đúng quy định và dựa vào tâm lý của người bệnh để xử lý tình huống. Khi bệnh nhân căng thẳng quá, chúng tôi vẫn phải làm theo mong muốn của họ rồi tìm cách xử lý tình huống nhanh, hợp lý nhất" - bác sĩ Thu bộc bạch.

Trong công tác điều trị cho bệnh nhân tâm thần, bác sĩ Thu cho hay tùy mỗi người bệnh, nhân viên y tế lại có cách chăm sóc, chia sẻ khác nhau: lúc như người thân, lúc như bạn bè, thậm chí lúc như trong vai người yêu để họ thủ thỉ, trải lòng, trút hờn giận...

Bác sĩ Lê Thị Thanh Thu đánh bóng bàn với bệnh nhân

Bác sĩ Lê Thị Thanh Thu đánh bóng bàn với bệnh nhân

Ngoài ra, để gần gũi hơn với bệnh nhân, 6 năm trước, các y, bác sĩ của Khoa Bán cấp tính nam đã trang bị thêm một bàn đánh bóng bàn để tại phòng bệnh lớn để các y, bác sĩ khi rảnh rỗi đánh bóng bàn với các bệnh nhân. Hoạt động này cũng giúp nâng cao sức khỏe tinh thần và thể chất cho người bệnh. Hiện nhiều nhân viên của bệnh viện biết đánh bóng bàn, riêng bác sĩ Thu cũng là một tay chơi bóng bàn cừ khôi.

Qua cơn, ai cũng là người có ích

Bác sĩ Thu cho biết dù công việc điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân tâm thần nhiều vất vả nhưng nhân viên y tế ai cũng thấy công việc mình làm là xứng đáng. Bởi sau những cơn "nổi loạn" là những ngày "ngọt ngào". Đó là khi bệnh nhân trở lại bình thường và "xin" được làm việc.

Chiếc xe đẩy được thiết kế từ những mảnh tôn có thêm 4 bánh kêu lọc cọc di chuyển dọc hành lang cắt ngang cuộc trò chuyện của tôi và bác sĩ Thu. Trên xe là chiếc thùng xanh chứa những hộp cơm và nồi canh cỡ lớn.

Bệnh nhân V.Q.Nh. (65 tuổi, quê Hà Tĩnh) đẩy xe chở thùng cơm - canh, rảo bước nhanh vào phòng ăn, thoăn thoắt xếp hộp cơm ngăn nắp lên từng bàn để bệnh nhân ăn trưa. Vừa đi ông vừa cười tươi, nụ cười mãn nguyện, đầy phấn khởi.

Nhìn ông Nh., không ai nghĩ là bệnh nhân tâm thần bởi tác phong nhanh nhẹn, khuôn mặt tươi tỉnh. Chỉ các y, bác sĩ ở đây mới biết ông từng có những thời điểm tâm thần bất ổn, làm bất cứ việc gì từ nổi nóng la hét đến đập phá đồ đạc…

"Ông Nh. là một trong những bệnh nhân gắn bó lâu năm nhất với bệnh viện. Ông bị bệnh tâm thần phân liệt và vào viện điều trị đợt đầu tiên từ những năm 1970. Đây là đợt điều trị thứ 50 của ông tại bệnh viện" - bác sĩ Thu nói.

Có hàng chục năm gắn bó với Khoa Bán cấp tính nam - Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, ông Nh. xem đây là ngôi nhà thứ 2 của mình. Ông Nh. xin nhận rất nhiều phần việc như đưa cơm, lấy các bình nước cho vào các cây nước, khóa cửa phòng ăn…

Ông V.Q.Nh. xem Khoa Bán cấp tính nam - Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 như ngôi nhà thứ hai của mình

Ông V.Q.Nh. xem Khoa Bán cấp tính nam - Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 như ngôi nhà thứ hai của mình

"Thấy ông lớn tuổi, chúng tôi không để làm việc quá sức. Nhưng những việc đó nếu ai không cho làm là ông liền mắng. Do vậy, nhân viên y tế chỉ còn cách đi kèm giám sát. Chúng tôi vẫn bảo nhau là ông như 1 biên chế của khoa" - bác sĩ Thu giải thích.

Để có được những bệnh nhân có thể làm việc như một người bình thường là sự nỗ lực không mệt mỏi của y, bác sĩ, người nhà bệnh nhân và chính những bệnh nhân.

Bác sĩ Thu cho biết ngày càng có nhiều bệnh nhân "xin" được làm việc như ông Nh. Có thời gian rảnh là họ "xin" được quét dọn, rửa bát, lau nhà. "Chúng tôi phấn khởi lắm, không phải vì họ đỡ đần công việc mà quan trọng nhất là trong tâm trí của họ đã tỉnh, đã nhận thức được giá trị của bản thân mình và muốn làm những việc có ích cho bản thân cũng như xã hội. Đó chính là những thành quả mà chúng tôi mong đợi, trân trọng nhất" - bác sĩ Thu nói.

Nhân viên y tế cắt móng chân cho bệnh nhân

Nhân viên y tế cắt móng chân cho bệnh nhân

Khoa Bán cấp tính nam hiện có 32 nhân viên y tế, trong đó chỉ 8 nhân viên y tế là nam, còn lại là nữ. Mỗi ca trực tối có 4 nhân viên trực (3 y tá và 1 hộ lý) nên mỗi khi có sự vụ như một bệnh nhân nổi loạn, các nhân viên nữ cũng rất vất vả.

Bác sĩ Thu kể điều đáng mừng là khi xảy ra sự vụ, nhân viên y tế cũng nhận được sự giúp đỡ từ các bệnh nhân nam khác. Có nhiều bệnh nhân nam khỏe, khi thấy bệnh nhân khác kích động cũng tham gia giúp nhân viên y tế giữ chân tay bệnh nhân, khiêng bệnh nhân lên giường để cố định lại. 

Khổ với chuyện tin thầy bói, thầy cúng

Hơn 30 năm gắn bó nghề y với công tác điều trị cho những bệnh nhân tâm thần, bác sĩ Lê Thị Thanh Thu bày tỏ sự tiếc nuối khi có người bệnh mới đến điều trị, tâm thần chưa ổn, gia đình đi xem bói sau đó không nghe theo sự tư vấn của bác sĩ mà xin về.

"Chúng tôi rất tiếc khi người bệnh không được điều trị sớm. Có những gia đình bệnh nhân tin thầy bói, thầy cúng rồi không điều trị bằng thuốc nên hiệu quả không cao. Sau đó một thời gian, họ lại đưa bệnh nhân quay lại viện điều trị. Việc điều trị muộn sẽ khổ cho cả người bệnh và nhân viên y tế" - bác sĩ Thu nhấn mạnh.

CUỘC THI VIẾT "NGƯỜI THẦY THUỐC TRONG TÔI": Ở nơi bệnh nhân - bác sĩ là một gia đình- Ảnh 4.

CUỘC THI VIẾT "NGƯỜI THẦY THUỐC TRONG TÔI": Ở nơi bệnh nhân - bác sĩ là một gia đình- Ảnh 5.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo