Ngày 30-7, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết sức khỏe của bệnh nhân P.T.T. (43 tuổi, trú tại tỉnh Quảng Nam) đang dần hồi phục sau khi được ghép tim.
Vào ngày 17-7, Bệnh viện Trung ương Huế đã cử ê-kíp ra Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) nhận điều phối tạng ngay sau khi nhận được thông tin có nữ bệnh nhân 65 tuổi hiến tim từ Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia.
Đây là ca hiến tạng lớn tuổi và nhẹ cân nên việc lựa chọn người ghép sẽ khó khăn do có nhiều nguy cơ cao khi ghép; chỉ ưu tiên lựa chọn các trường hợp ghép cấp cứu hoặc các bệnh nhân suy tim nặng giai đoạn cuối.
Trong danh sách chờ ghép tim trên hệ thống của Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia có có bệnh nhân P.T.T. ở Bệnh viện Trung ương Huế là phù hợp nhất.
Đây là trường hợp suy tim rất nặng, đáp ứng kém với điều trị nội khoa, chức năng tim rất thấp LVEF 14%, tiên lượng tử vong rất cao. Sau khi giải thích về các nguy cơ và tim hiến từ người lớn tuổi, bệnh nhân và gia đình đồng ý nhận tim.
Việc nhận tạng tim từ người hiến trên 55 tuổi đòi hỏi thời gian thiếu máu lạnh càng thấp càng tốt (dưới 4 giờ). Vì vậy, cần sự phối hợp nhịp nhàng giữa các kíp làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo yêu cầu về thời gian thiếu máu lạnh.
GS - TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, cho biết bệnh viện phải tính toán thời gian lấy tim và vận chuyển về Huế phải rút ngắn nhất có thể.
Bệnh nhân T. sức khỏe đã hồi phục sau thời gian được ghép tim.
Bệnh nhân T. từng được phẫu thuật thay van động mạch chủ cách đây 9 năm nên trong quá trình ghép tim, cần phải gỡ dính toàn bộ tim và các mạch máu lớn, nguy cơ chảy máu cao.
Đến nay, Bệnh viện Trung ương Huế đã tiến hành ghép thường quy trên 2.000 ca ghép mô, tạng, tế bào gốc cho bệnh nhân khắp mọi miền đất nước, góp phần hồi sinh nhiều cuộc đời đang ở lằn ranh sinh tử.
Vì vậy, thời gian chuẩn bị bệnh nhân nhận tim cũng phải hợp lý nhất vì phải gỡ dính toàn bộ giải phẫu tim trên bệnh nhân suy tim rất nặng, cần sự hỗ trợ của hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể để ổn định huyết động và tối ưu tưới máu các tạng khác; điều này sẽ làm kéo dài thời gian tuần hoàn ngoài cơ thể khi ghép tim làm tăng nguy cơ chảy máu sau ghép.
Sau 4 giờ 52 phút kể từ thời điểm nhận tim và vận chuyển về Huế, trái tim đã đập lại khỏe mạnh trong lồng ngực của người bệnh vào lúc 23 giờ ngày 18-7.
Tuy nhiên, việc cai tuần hoàn ngoài cơ thể rất khó khăn, cần đến sự hỗ trợ tuần hoàn cơ học là bóng đối xung động mạch chủ (IABP) và oxy hóa qua màng ngoài cơ thể (ECMO). Sau 6 ngày chăm sóc và hồi sức tích cực, bệnh nhân được giảm dần các thuốc trợ tim vận mạch, ngưng thở máy, cai ECMO, IABP với các thông số huyết động sinh hóa ổn định chức năng tim tốt EF 60%, TAPSE 20.
Bình luận (0)