xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nữ điều dưỡng 27 năm chăm sóc những em bé tí hon

Bài và ảnh: THÁI BÌNH

Nữ điều dưỡng Lê Thị Vân đã cùng đồng nghiệp nối dài sự sống cho nhiều sinh linh bé nhỏ sinh thiếu tháng mà có những trường hợp hồ sơ bệnh án còn nặng hơn cả cân nặng

"Mẹ con con cảm ơn các y bác sĩ nhiều lắm, đặc biệt là bác Vân đã luôn bên con, chăm sóc con từ khi lọt lòng mẹ" - chị Nguyễn Thị Mai Phương, mẹ của "cô bé tí hon" Thái Thị An đã nói như vậy trong niềm hạnh phúc lần đầu được bế ẵm con gái, sau nhiều tháng bé được chăm sóc, nuôi dưỡng đặc biệt trong lồng kính.

Người mẹ thứ 2 của trẻ sơ sinh non tháng, nhẹ cân

"Bác Vân" mà chị Phương nhắc đến là nữ điều dưỡng trưởng Lê Thị Vân, thuộc Trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh – Bệnh viện Phụ sản Trung ương, người đã có hơn 26 năm gắn với nghề - nghiệp điều dưỡng sơ sinh.

Chị Phương là mẹ của "cô bé tí hon" Thái Thị An khi chào đời ở tuần thai thứ 27 và chỉ nặng vẻn vẹn 400 gram, nhỏ như một chiếc xi lanh 50 ml, lọt thỏm trong lòng bàn tay của nhân viên y tế.

Ngay sau khi ra khỏi bụng mẹ, An đã rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng nặng, bụng chướng, thở nấc. Các y, bác sĩ đã tiến hành hồi sức sơ sinh, tận dụng thời gian vàng cấp cứu bé, đặc biệt thực hiện chiến lược chống nhiễm trùng nhiều tầng để kiểm soát nhiễm khuẩn. 

Nữ điều dưỡng 27 năm chăm sóc những em bé tí hon- Ảnh 1.

Điều dưỡng Bà Lê Thị Vân hướng dẫn mẹ bé An cho cháu bú đúng khớp

Kể về hành trình để chăm sóc bé sơ sinh nhẹ cân nhất được nuôi dưỡng và cứu sống tại Việt Nam (đến thời điểm tháng 9-2021) Thái Thị An, bà Vân bảo "cô bé tí hon này là bệnh nhi đặc biệt bởi không chỉ vì khi sinh ra đã đối mặt với nhiều nguy cơ về sức khỏe mà còn ngay trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát dữ dội. Khi đó, mẹ bé An sau khi sinh đã ra viện về nhà ở Nghệ An và suốt nhiều tháng liền không thể ra Hà Nội với con.

An được nuôi dưỡng tĩnh mạch hoàn toàn từ khi mới sinh cho đến ngày thứ 15, ăn bữa đầu tiên qua đường miệng với chỉ 1,5-2ml/bữa. Sau 23 ngày, bé ăn 5ml sữa/bữa, 16 lần/ngày, sữa được nhỏ từng giọt vào miệng bé.

"Cứ 2 tiếng chúng tôi lại cho con ăn 1 lần, trong quá trình chăm sóc, không biết bao lần con đã ở lằn ranh sinh tử, bệnh viện phải gọi về thông báo nhưng khi đó gia đình không thể đến được vì dịch. Rồi với may mắn thần kỳ, An lại vượt qua, lớn lên từng ngày bằng chính những giọt sữa mẹ của nhân viên y tế, của các bà mẹ khác và với sữa giàu đạm nhân viên y tế gom tiền lại mua" – bà Vân kể.

Chăm sóc An suốt quá trình dài, bà Vân nhớ An rất thích liệu pháp massage, lúc đầu bé oe oe khó chịu, nhưng chỉ ít phút sau thì nằm ngoan, mỉm cười.

Sau 3 tháng 9 ngày được chăm sóc đặc biệt, An nặng 1,8 kg, tự thở khí trời, ăn sữa đạt 200ml/ngày và lần đầu tiên được mẹ ôm ấp, chăm sóc, cho bú.

"Ngày 20-10 - 2021, rồi Tết Nguyên đán, mẹ của An đã gửi lời chúc mừng đến tôi và vẫn là lời cảm ơn bác Vân đã tận tụy chăm sóc bé An. Tôi vui lắm, vui không phải chỉ vì lời cảm ơn của gia đình người bệnh mà vui vì mình và đồng nghiệp đã chăm sóc, nuôi dưỡng thành công được một sinh linh bé nhỏ giữa bao khó khăn. Tôi giờ được xem như người nhà của bé vì mỗi tiến trình trưởng thành của An đều được gia đình cập nhật hình ảnh" – bà Vân vui vẻ chia sẻ.

Nữ điều dưỡng 27 năm chăm sóc những em bé tí hon- Ảnh 2.

Nữ điều dưỡng Lê Thị Vân tự hào vì mình đã góp phần nối dài sự sống cho trẻ sinh non, nhẹ cân

Càng gắn bó, càng yêu thương

Chiều cuối năm, trong câu chuyện với chúng tôi, bà Vân say mê kể về công việc chăm sóc những trẻ sinh non nhẹ cân trong lồng kính.

Duyên số gắn bà Vân với nghiệp chăm sóc trẻ sơ sinh. Sau khi tốt nghiệp trung cấp y, về Bệnh viện Phụ sản Trung ương công tác, bà mong về khoa khác nhưng khi thi đỗ công chức lại được bệnh viện phân công về khoa sơ sinh (hiện nay là trung tâm).

"Hồi mới làm việc tôi run lắm vì mình còn trẻ, chưa có gia đình nên chăm sóc trẻ còn lóng ngóng, ngượng tay. Khi nhìn thấy một chị điều dưỡng bế hai tay hai cháu bé đỏ hỏn, tôi toát mồ hôi nghĩ sao mình có thể đảm nhiệm được việc này. Thế nhưng khi đã vào đây làm việc, gắn bó với các bé từng ngày nên tôi quyết tâm học hỏi từ các đồng nghiệp, trau dồi chuyên môn và trưởng thành hơn" – bà Vân nói.

Sau đó, bà Vân học lên cao đẳng, rồi học tiếp lên chuyên khoa I đều về chuyên ngành chăm sóc trẻ sơ sinh vì "càng gắn bó càng thêm yêu thương các bé và tự hào về công việc của mình".

Bản thân bà Vân cũng là người mẹ sinh non. Có lần khi con trai còn nhỏ, bị sốt lúc nửa đêm nhưng bà không về nhà được vì đang ca trực.

"Lúc đó tôi sốt ruột lắm, vì con mình tiền sử sinh non, nhưng tại khoa đang có nhiều trẻ cần tôi chăm sóc, theo dõi và vì đêm muộn cũng khó đổi ca trực cho các đồng nghiệp khác. Tôi hướng dẫn chồng cách cho con uống thuốc, theo dõi con, nhưng lòng như lửa đốt, thương con. Vậy mà hôm sau tôi về nhà, con trai lại động viên mẹ đừng lo cho con, khiến tôi càng thêm thương cháu" - bà Vân tâm sự.

Nữ điều dưỡng 27 năm chăm sóc những em bé tí hon- Ảnh 3.

Bà Vân xúc động khi kể về những bé không may mắn

Xem các bé như con mình

Gần 27 năm gắn bó với trẻ sơ sinh, bà Vân tự hào vì đã cùng đồng nghiệp nối dài sự sống cho nhiều sinh linh bé nhỏ mà có những trường hợp hồ sơ bệnh án còn nặng hơn cả cân nặng của bé khi ra viện.

"Cứ nuôi được 1 trẻ non tháng, thiếu cân, đặc biệt là những trường hợp khó khăn thành công là chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh, tiếp thêm lòng yêu nghề. Nghề chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ sơ sinh rất đặc thù vì trẻ sơ sinh chưa biết nói nên không thể hiện được mong muốn của mình. Do đó, khi làm điều gì chúng tôi đều cố gắng làm tốt nhất, giảm thiểu nhất những ảnh hưởng đến các cháu. Vì mới sinh đã rời vòng tay mẹ nên chúng tôi luôn coi các bé như con của mình và chăm sóc các bé bằng tất cả sự yêu thương, tận tâm, tận lực" – bà Vân trải lòng.

Với nền y học ngày càng phát triển và đặc biệt là tình yêu thương, nỗ lực không ngừng của đội ngũ nhân viên y tế, trong những năm qua, tỉ lệ trẻ sinh non được cứu chữa, nuôi dưỡng thành công tăng lên đáng kể. Thế nhưng người nữ điều dưỡng này cũng không ít lần rơi nước mắt vì những trường hợp gia đình hiếm muộn sinh con non tháng, nhẹ cân và dù đã được chăm sóc tận tình nhưng vẫn có bé không may mắn…

Nối dài những niềm vui

Nhiều gia đình có con sinh non tháng, nhẹ cân, sau này đã quay lại cảm ơn Trung tâm như tặng lò vi sóng, tủ lạnh, quạt sưởi cho phòng bệnh; hoặc có gia đình đã nhắn nhủ nếu có hoàn cảnh nào cần giúp đỡ thì Trung tâm kết nối để họ giúp các cháu.

"Trung tâm đã kết nối để giúp được một số hoàn cảnh khó khăn, đây cũng là một trong những niềm vui của nghề đem lại cho chúng tôi"- bà Vân bày tỏ.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo