Đó là buổi sáng 25-10 cách đây gần 8 năm. Một cơn đột quỵ do xuất huyết não khiến tôi bắt đầu quá trình dài có mối dây liên hệ khá thân thiết với bệnh viện và nhân viên y tế.
"Mình được cứu rồi!"
Người nhà đưa đến Bệnh viện quận 2, nay là Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TP HCM), sau đó chuyển tuyến đến Bệnh viện Trưng Vương (quận 10, TP HCM). Nhờ sự chuyên nghiệp của lực lượng y - bác sĩ ở Bệnh viện Lê Văn Thịnh, thời gian từ khi xuất hiện triệu chứng đột quỵ tới khi tôi được vào phòng phẫu thuật là khoảng hơn 5 giờ rưỡi.
Ở Bệnh viện Trưng Vương, trước khi bước vào cuộc phẫu thuật, vợ tôi được bác sĩ phẫu thuật chính là Lê Điền Nhi tư vấn về những nguy cơ có thể xảy ra sau khi mổ như: mất trí nhớ, tư duy kém, sống thực vật... để chuẩn bị tinh thần!
Sau này, khi đi tập phục hồi chức năng, qua các y - bác sĩ, tôi mới biết bác sĩ Nhi là một trong những bác sĩ phẫu thuật não hàng đầu hiện nay ở TP HCM. Nhờ vậy tôi mới mau đi lại được và nói năng tương đối bình thường.
Tiến sĩ - bác sĩ Lê Khánh Điền (đứng, thứ 6 từ trái qua) chụp ảnh lưu niệm cùng các học viên, tình nguyện viên lớp vẽ ở Bệnh viện An Bình (TP HCM) vào dịp Giáng sinh năm 2022. (Ảnh do tác giả cung cấp)
Khi đó, tôi mới cố mường tượng lại hình dáng người bác sĩ nhỏ gầy, tóc lơ thơ bạc, nói năng nhỏ nhẹ và hết sức ân cần với bệnh nhân mỗi lần tới thăm khám vết mổ trên đầu tôi. Bác luôn nhẹ nhàng dặn dò: "Cố gắng siêng tập vật lý trị liệu sẽ tốt thôi. Nhưng nhớ không có chuyện phục hồi một trăm phần trăm đâu nhé!".
Bác sĩ Nhi còn tặng tôi bộ "bệnh sử" của chính mình. Trong đó tóm tắt quá trình từ khi tôi ở Bệnh viện Lê Văn Thịnh đến khi chuyển sang Bệnh viện Trưng Vương đã được xử lý như thế nào, tình trạng ra sao kèm những hình ảnh chi tiết. Bác sĩ Nhi cho biết ông soạn bộ tài liệu này để dạy sinh viên, sẵn tiện sao chép thêm một bộ cho tôi.
Nhờ vậy, tuy đã bất tỉnh từ khi vào cấp cứu ở Bệnh viện Lê Văn Thịnh nhưng tôi vẫn có thể hình dung rõ ràng, chi tiết những gì xảy với bản thân từ khi chìm vào cơn mê cho đến khi tỉnh dậy 10 ngày sau đó. Khoảnh khắc ấn tượng nhất khi đó là những chiếc bóng áo trắng tất tả đẩy băng ca đưa tôi ra xe. Trong cơn mơ màng, tôi tự nhủ: "Mình sống rồi, mình được cứu rồi!".
Nỗi tuyệt vọng của "đứa trẻ" 52 tuổi
Tỉnh dậy trong bệnh viện, tôi chưa nhận thức rõ tình trạng tồi tệ của cơ thể mình. Chỉ đến khi về nhà, theo thói quen, lúc định lấy tờ báo ra ban công đọc vào sáng hôm sau, tôi mới ý thức được đầy đủ mọi chuyện!
Ban đầu tưởng do nằm lâu và người còn yếu nên tự đi chưa vững, tôi nhờ 2 em trai giúp đưa ra ghế ngồi. Hỡi ơi, 2 thanh niên khỏe khoắn quá vất vả khi xốc nách dìu tôi đi, mà thực ra là lết trên sàn gạch trơn bóng! Chân phải tuy vẫn trụ được nhưng không thể giữ thăng bằng và sự vững vàng cho cả thân người luôn đổ về bên trái, nơi nửa thân người đã liệt hoàn toàn.
Sau hôm đó, tôi thực sự chấp nhận thực tế phũ phàng: Bán thân bất toại!
Cả ngày tôi phải nằm yên một chỗ, ngửa mặt nhìn trần nhà, mọi sinh hoạt bình thường đều phải nhờ người thân giúp. Ngay cả việc vệ sinh cá nhân cũng phụ thuộc, một điều rất khó chịu và bất tiện.
Do chưa hiểu cặn kẽ về các di chứng của tai biến mạch máu não nên trong khoảng vài tháng đầu sau khi xuất viện, tôi vẫn nuôi hy vọng mau hồi phục để đi dạy lại (tôi là giáo viên môn công nghệ). Do đó, tôi chỉ xin nghỉ bệnh mỗi đợt khoảng 10 - 15 ngày chứ không muốn bỏ nghề hẳn. Mãi sau này, theo tư vấn của người quen làm bên Bảo hiểm xã hội, tôi đi khám sức khỏe để thẩm định khả năng lao động (giám định y khoa) và xin nghỉ hưu sớm!
Càng tìm hiểu và hiểu sâu về đột quỵ não và các di chứng cũng như khả năng hồi phục..., tôi càng bi quan và sợ hãi. Nghĩ con người từ khi sinh ra, biết lật, biết bò, biết đi chập chững cho tới khi chạy nhảy vững vàng mất khoảng 10 năm. Vậy mà tôi, ở tuổi 52, bỗng không khác gì một đứa trẻ sơ sinh đang bắt đầu lại từ đầu. "Vậy sẽ mất bao lâu và để làm gì nữa khi lúc đó cho dù không bệnh tật gì thêm, liệu mình có còn đủ sức khỏe để được như... một đứa trẻ lên 10?" - tôi tự nhủ trong tuyệt vọng.
Tình thân vực dậy khỏi bi quan
Do một vài lý do cá nhân, suốt những năm qua, tôi đã được tập vật lý trị liệu ở nhiều bệnh viện: Trưng Vương, Lê Văn Thịnh, Vinmec, An Bình... Cho dù ở đâu, bất cứ bệnh viện nào, tôi đều nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình, ân cần và tâm huyết của những hình bóng áo choàng trắng.
Nhớ nhất là ở Bệnh viện Lê Văn Thịnh, trong buổi đầu tiên, khi người nhà đang dìu tôi lên bậc thang để vào phòng khám thì một bóng áo choàng trắng cũng bước tới bên trái nhẹ nhàng phụ dìu tôi đi. Sau này, tôi được biết đó là Trưởng Khoa Y dược cổ truyền - thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Nga.
Sự tận tâm của bác sĩ Nga không phải là điều cá biệt... ở Bệnh viện Lê Văn Thịnh. Khi vào phòng châm cứu, đang dè dặt chưa biết hỏi ai trong số nhiều áo choàng trắng đang chú tâm với công việc thì một bạn ngừng tay nhẹ nhàng nói: "Chú để sổ trên bàn và chờ chúng cháu một chút ạ!". Những e dè, lo ngại trong lòng bỗng nhẹ tênh, tôi cảm thấy như đang ở nhà người thân, được quan tâm thực sự, không phải "làm màu". Sau này, đến bệnh viện thường xuyên, tôi mới biết bạn mở lời đầu tiên khi tôi đến châm cứu là điều dưỡng Phạm Thị Thanh Huyền.
Thời gian đầu đến với việc tập vật lý trị liệu cùng châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, tôi rất nghi ngờ tính hiệu quả của các liệu pháp này. Tuy vậy, sau khoảng vài tháng được gặp nhiều bệnh nhân cùng cảnh ngộ, có những người lớn hơn đến 10, thậm chí 20 tuổi vẫn đều đặn mỗi ngày đến bệnh viện với tinh thần vui vẻ, lạc quan khiến tôi tỉnh ngộ và có thêm niềm tin.
Đội ngũ y - bác sĩ y học cổ truyền và kỹ thuật viên vật lý trị liệu ở bệnh viện rất nhiệt tình. Qua từng buổi, ngoài học được nhiều bài tập để về nhà tập thêm, tôi còn được các bạn tận tình giải thích cặn kẽ về căn bệnh và các di chứng nguy hiểm của nó ra sao. Rồi cách ăn uống, giữ gìn lối sống lành mạnh như thế nào để tránh tái phát. Cũng có khi các bạn "bí" bởi những câu hỏi của tôi, lại thành thật nói: "Dạ, cái này thì quá hiểu biết của con ạ!". Và thật bất ngờ vài hôm sau đó, khi gặp lại, bạn đã hồ hởi nói: "Chú ơi, con hỏi lại mấy thầy rồi. Nó là như vầy…". Thế đó, tấm lòng các bạn như vậy, hỏi sao tôi có thể phụ lòng để chìm vào bi quan, buồn chán cho được?
Mong trở lại với đam mê
Có thể nói, các y - bác sĩ chẳng những giúp tôi về mặt chuyên môn (cấp cứu qua cơn khẩn nguy, điều trị bệnh, tập luyện phục hồi chức năng) mà còn giúp tôi lạc quan, giữ gìn lối sống lành mạnh, hăng hái luyện rèn để trở lại với đời.
Từ một bệnh nhân tai biến não, chịu di chứng liệt nửa người, nói năng không rành câu rõ chữ, dần dà tôi đã đi lại vững vàng trên chính đôi chân của mình; nói năng rành mạch, khúc chiết; tự phục vụ sinh hoạt cá nhân... Những điều mà khi nằm liệt trên giường sau ca mổ cấp cứu, tôi cứ ao ước "Phải chi có... phép lạ!". Phép lạ không chỉ dừng lại ở đó, tôi mong một ngày mình có thể trở lại trường, đứng trên bục giảng, tiếp tục niềm đam mê của cả đời - dạy học.
Chúng ta thường xem những người mang kiến thức chuyên môn và nét đẹp tâm hồn, sự lạc quan yêu đời đến cho mình là gì nhỉ? Riêng tôi luôn tự nhủ họ chính là những "người thầy lớn" của đời mình.
Lớp vẽ xua tan bệnh tật
Riêng ở Bệnh viện An Bình (TP HCM), tôi được tham gia lớp vẽ dành cho bệnh nhân đến tập phục hồi chức năng. Lớp vẽ là một sáng kiến đầy tâm huyết của tiến sĩ - bác sĩ Lê Khánh Điền, Trưởng Khoa Phục hồi chức năng của bệnh viện.
Ngoài ra, lớp còn được sự tài trợ của các nhà hảo tâm để mua sắm vật liệu, dụng cụ vẽ... cấp miễn phí cho học viên tham gia và sự hỗ trợ đầy nhiệt thành của sinh viên tình nguyện đến từ các trường: ĐH Sài Gòn, ĐH Kiến Trúc, ĐH Văn Lang và ĐH Y Dược...
Lớp vẽ đem đến cho tôi (và có lẽ là với tất cả bệnh nhân tham gia) một niềm vui lớn lao khi được trở về tuổi thơ ấu. Đó là được tô tô, chấm chấm tạo nên những bức tranh với nhiều gam màu rực rỡ.
Lớp vẽ cũng đã đem thế giới nhiều màu sắc lạc quan vào tranh và từ đó lan tỏa ngược vào tâm hồn có phần đã xám xịt, tối đen do bệnh tật phủ bóng trong mỗi bệnh nhân.
Bình luận (0)