xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cuộc thi viết “Người thầy thuốc trong tôi”: Ông Hoa "bụt" một đời thiện nghiệp

Bài và ảnh: LÊ KHÁNH

Không chỉ dốc hết sức mình để giúp đỡ, cứu người vượt qua bệnh tật, hoạn nạn, lương y Phạm Hoa còn rất mát tay khi cứu người bị rắn cắn và hoàn toàn miễn phí

Người ta thường nói "lương y như từ mẫu" nhưng với người dân thôn Bình Đông, xã Tịnh Bình, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, lương y Phạm Hoa còn hơn thế, họ gọi ông bằng biệt danh trìu mến: ông Hoa "bụt".

Nghề y là nghiệp

Từ TP Quảng Ngãi theo Quốc lộ 1 về hướng Bắc, khoảng 8 km là đến ngã tư Hàng Da, rẽ trái về hướng Tây chừng 8 km nữa là đến thôn Bình Đông. Tôi dừng lại hỏi những nông dân đang gặt lúa đường đến nhà lương y Phạm Hoa thì được họ tận tình chỉ dẫn: "Có phải cô hỏi nhà ông Hoa "bụt"? Cô đi thêm quãng nữa, qua ngọn đồi này là tới".

Tôi đến nhà lương y Phạm Hoa lúc ngả xế, ngôi nhà nép bên vệ đường, sau lưng là đồi cây keo yên bình. Đến nơi, người nhà cho biết ông Hoa đi thăm và tiêm thuốc cho người bệnh ở các xã lân cận từ sáng chưa về. Người nhà gọi điện thì ông Hoa cho biết đang truyền nước biển cho một bệnh nhân ở xã Tịnh Thọ, không về kịp. Sợ lỡ cuộc gặp, chúng tôi vội đến nơi ông Hoa đang chữa bệnh.

Tiếp chúng tôi tại nhà cụ Đinh Thị Lan (80 tuổi) tại xã Tịnh Thọ, huyện Sơn Tịnh, ông Hoa cho biết mình đến với nghề y là sự tình cờ và rồi nghề chọn mình như một định mệnh.

Năm 1979, ông Hoa nhập ngũ, đóng quân tại Đà Nẵng, sau đó chuyển ngạch sang phục vụ quân y được gần 4 năm thì giải ngũ. Về lại quê nhà, ông là thương binh hạng 3/4, tỉ lệ thương tật 45%, nhận nhiệm vụ tại Trạm Y tế xã Tịnh Bình.

"Những năm 1980, nơi này còn nghèo lắm, núi rừng hoang vu, y tế coi như "vùng trắng". Trong khi dịch bệnh, rắn rít… vây quanh rình rập, cuộc sống người dân muôn vàn khó khăn. Với ý chí được trui rèn trong quân đội cộng với chút kiến thức quân y, tôi góp sức giúp người dân vượt qua những năm tháng đói nghèo, bệnh tật" - ông Hoa nhớ lại.

Cuộc thi viết “Người thầy thuốc trong tôi”: Ông Hoa bụt một đời thiện nghiệp - Ảnh 1.

Ông Hoa “bụt” đang thăm khám và điều trị cho một bệnh nhân tại xã Tịnh Thọ

Cứu nhiều người khỏi cửa tử

Ông Hoa cho biết thời đó còn trẻ, ông làm việc không biết mệt, ngoài thời gian khám chữa bệnh ở trạm y tế xã, ông còn đi tiêm thuốc cho người dân trong vùng đến tận khuya... Vì nơi này địa hình toàn núi rừng, đồi dốc nên đi lại rất khó khăn. "Trong lúc ốm đau, hoạn nạn người ta mới đến cậy mình, khó mấy cũng phải giúp họ. Có những bữa giữa khuya, vừa về đến nhà, ăn dở bữa cơm tối đã có người gọi đi cứu người bị rắn cắn" - ông Hoa kể.

Trong hàng ngàn bệnh nhân được ông Phạm Hoa cứu chữa có bà Hai Biên, ở tận huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Bà Hai Biên bị bệnh gai cột sống, suy nhược nặng đã đi điều trị nhiều nơi nhưng không khỏi. Lúc đó, bà Hai Biên đã tiều tụy, sức khỏe suy kiệt, người nhà nghe danh ông Hoa "bụt" mát tay nên đưa bệnh nhân đến với tâm lý có bệnh thì vái tứ phương.

Qua thăm khám, bắt mạch… cho bệnh nhân, ông Hoa quyết định cứu chữa. Trước hết, ông tìm cách nâng thể trạng để bà Hai Biên đủ sức khỏe đáp ứng điều trị. Tiếp đến là kết hợp đông - tây y trong châm cứu, trị liệu.

"Sau hơn 3 tháng, bà Hai Biên tự đi lại được, sức khỏe dần hồi phục. Nhìn bệnh nhân vượt qua được cơn thập tử nhất sinh mà lòng mình hạnh phúc thay" - ông Hoa tâm sự.

Lần điều trị cho bệnh nhân Huỳnh Nhứt ở xã Tịnh Bình còn khó hơn. Ông Nhứt lúc đó 69 tuổi, trong cơn bạo bệnh, bệnh viện cho về nhà chờ lo hậu sự. Ông Hoa được gia đình bệnh nhân mời đến với hy vọng còn nước còn tát. Ông Hoa đã dùng dược liệu ở quanh vùng để chữa trị, cứu sống ông Nhứt.

"Đó là những ca thập tử nhất sinh mà tôi cứu họ từ cõi chết trở về. Mỗi khi có dịp, họ lại ghé đến thăm và cảm ơn, nhìn họ khỏe mạnh tôi rất mừng" - ông Hoa bày tỏ.

Cuộc thi viết “Người thầy thuốc trong tôi”: Ông Hoa bụt một đời thiện nghiệp - Ảnh 2.

Lương y Phạm Hoa đang điều trị cho cha ông Đỗ Văn Hải

Khắc tinh của rắn

Nói về cái duyên với nghề y, lương y Phạm Hoa tự nhận mình là người may mắn vì thời trẻ ông được một lương y đến địa phương và truyền cho cách chữa trị rắn cắn. "Khi vào quân ngũ, tôi được học đông - tây y và biết kết hợp trong điều trị nên đó cũng là một lợi thế" - ông Hoa nói.

Sơn Tịnh là huyện có một phần địa hình đồi núi, có nhiều loài rắn độc như cạp nong, cạp nia, lục đuôi đỏ và các dòng rắn hổ. Người dân làm đồng, đi rẫy, đi rừng nhiều người không may bị rắn cắn. "Tùy loài rắn và thời điểm bị cắn, trong vòng 1 giờ (giờ vàng) tôi có thể chữa trị khỏi" - lương y Phạm Hoa khẳng định.

Cách đây hơn 30 năm, khi ông Phạm Hoa đi tiêm thuốc ở một xã lân cận thì con trai ông đi học ngang qua một cánh rừng bị rắn lục đuôi đỏ cắn. Cháu được bạn cõng về và người thân tức tốc đi tìm ông Hoa.

"Khi về đến nhà thì thấy con toàn thân đã tím tái, thở gấp... Tôi như chết lặng, nghĩ rằng sao oan trái lại đến với mình thế này. Lẽ nào mình cứu người bị rắn cắn mà con mình bị rắn cắn lại không cứu được! Lúc đó nước mắt tôi chực ứa ra… Nhưng rồi lấy hết sức bình sinh, trong hơn 2 giờ chạy đua với tử thần, tôi đã giữ được mạng sống cho con" - ông Hoa kể lại.

Không lâu sau, con gái của ông Hoa cũng bị rắn cắn nguy kịch và ông cũng may mắn cứu được con.

"Tôi thầm nghĩ ở xứ này, tôi là khắc tinh của rắn nên loài rắn đố kỵ, làm hại con tôi chăng? Nhưng ông trời còn thương, như ban phước lành để tôi cứu người. Và từ đó, tôi nguyện dù có khó khăn hay cách trở đến mấy hễ có ai bị rắn cắn tôi đều cứu giúp miễn phí" - ông Hoa "bụt" cười hiền.

Trong đời làm nghề, dù đêm hôm hay xa xôi, cách trở, dù có trèo đèo, lội suối, hễ nhận điện thoại cứu người thì ông Hoa "bụt" cũng mang thuốc cấp tốc lên đường. "Mỗi ngày còn được đi tiêm thuốc, cứu được mạng người trong lúc hoạn nạn là cuộc sống tôi còn ý nghĩa" - ông Hoa trải lòng.

Nói về lương y Phạm Hoa, ông Đỗ Văn Hải, một lão nông ở xã Tịnh Thọ, nhận xét: "Ông Hoa là một lương y tận tụy và đức độ. Ở nơi xa xôi này, ai ốm đau cũng gọi bác Hoa. Người trẻ, đi lại được thì tự đến nhà bác. Các cụ già cả như cha mẹ tôi đã 80, 90 tuổi, đi lại khó khăn thì được bác Hoa đến tận nơi thăm khám và tiêm thuốc. Có được người thầy thuốc tận tụy như bác Hoa thật là phước cho người dân vùng này" - ông Hải cảm kích.

Câu chuyện còn dang dở, ông Hoa "bụt" vội thu xếp y cụ rồi tạm biệt chúng tôi để đi thăm bệnh, tiêm thuốc ở làng bên; dáng vẻ như ông Bụt hiền từ, nhẹ bước trong trời chiều... 

Mong mỏi truyền nghề

Hơn 40 năm làm nghề cứu người, ông Hoa "bụt" chưa từng nghĩ nghề này sẽ mang lại cho mình vinh hoa phú quý, mà luôn tự nhủ lấy tình yêu nghề làm lẽ sống, cứu chữa được nhiều người là hạnh phúc. Có những lúc vất vả tưởng chừng không trụ nổi với nghề nhưng rồi cái nghiệp đã vận vào, nghề y như một sứ mệnh đeo mang ông cả đời.

Khi chúng tôi hỏi về dự định truyền nghề, ông Hoa "bụt" nói: "Tôi nay đã 70 tuổi, ở cái tuổi cổ lai hy, đến lúc cần nghỉ ngơi nhưng chưa tìm được người kế thừa. Truyền nghề thì dễ nhưng để có người chịu trị rắn cắn cứu người không lấy tiền thì ngặt nỗi tìm không ra. Truyền nghề rồi họ lợi dụng làm tiền người ta thì mình có tội".

Lương y Phạm Hoa: “Tôi nguyện phụng sự và tận hiến cho nghề đến khi đôi chân này mỏi, không đi được nữa mới thôi”.


ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH


Cuộc thi viết “Người thầy thuốc trong tôi”: Ông Hoa bụt một đời thiện nghiệp - Ảnh 5.
Cuộc thi viết “Người thầy thuốc trong tôi”: Ông Hoa bụt một đời thiện nghiệp - Ảnh 6.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo