Nhằm cụ thể chủ trương của Chính phủ, UBND tỉnh Vĩnh Long đã phê duyệt chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) vào năm 2018. Năm 2019, chương trình bắt đầu khởi động, đến nay đã đạt được nhiều kết quả.
Nâng chất sản phẩm OCOP
Cụ thể, khi triển khai thực hiện chương trình OCOP, các cấp, các ngành đã tuyên truyền bằng nhiều hình thức, từ đó thu hút được nhiều cơ sở sản xuất, hợp tác xã (HTX) và doanh nghiệp tham gia. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 254 sản phẩm OCOP 3 sao trở lên (trong đó có 59 sản phẩm OCOP 4 sao và 35 sản phẩm đã được hội đồng chuyên gia thông qua đạt chuẩn 4 sao), đạt 169% so với kế hoạch cả giai đoạn 2021 - 2025.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long, chương trình OCOP đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế nông thôn của tỉnh - không chỉ là động lực thúc đẩy sản xuất mà còn tạo ra mối liên kết chặt chẽ giữa các khâu trong chuỗi giá trị, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Điểm nổi bật của chương trình là đã góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người dân địa phương. Từ phương thức sản xuất truyền thống, nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn áp dụng khoa học - kỹ thuật, đổi mới - sáng tạo trong quy trình sản xuất. Nhiều thanh niên địa phương cũng được khuyến khích khởi nghiệp, tạo ra những sản phẩm độc đáo mang đậm bản sắc địa phương.
Thông qua chương trình, các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh không ngừng được nâng cao về chất lượng và giá trị. Sự đa dạng và phong phú của các sản phẩm OCOP đã góp phần quảng bá hình ảnh, thương hiệu của địa phương; đồng thời tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Điều này không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế mà còn bảo đảm tính bền vững trong phát triển nông thôn của tỉnh Vĩnh Long.
Anh Lâm Hoàng Chí, chủ hộ kinh doanh Thiên An 3 (xã Thanh Đức, huyện Long Hồ), có sản phẩm thanh long vàng được chứng nhận OCOP 3 sao vào cuối năm 2022. Anh cho hay với sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền tỉnh, anh đã có cơ hội tham gia nhiều hội chợ xúc tiến thương mại ở cả trong và ngoài địa phương. Những sự kiện này đã mở ra cơ hội quý giá để anh tiếp cận nhiều đối tác tiềm năng, đồng thời giúp sản phẩm được quảng bá rộng rãi đến nhiều khách hàng mới.
"Thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, tôi chủ động tìm hiểu nhu cầu thị trường, xây dựng mối quan hệ với các đối tác phân phối và khách hàng tiềm năng. Kết quả là doanh số bán hàng đã tăng đáng kể, mở rộng được thị trường tiêu thụ và tạo dựng được uy tín thương hiệu trên thị trường. Có thể nói, sự hỗ trợ của tỉnh trong việc tạo điều kiện tham gia các hội chợ đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh doanh của tôi" - anh Chí bộc bạch.
Ông Huỳnh Văn Cập (ngụ xã Đông Thành, thị xã Bình Minh) là người đầu tiên nghiên cứu thành công kỹ thuật xử lý cây thanh trà ngọt ra hoa và cho trái vụ nghịch. Ông cũng là người tiên phong phát triển giống thanh trà ngọt tại địa phương với việc thành lập HTX Thanh trà ngọt xã Đông Thành. Ông Cập tiết lộ: "Thanh trà ngọt của HTX đạt sản phẩm OCOP 4 sao. Nhờ sự hỗ trợ của địa phương, mỗi vụ có bao nhiêu sản lượng đều được siêu thị tiêu thụ hết với giá khá cao, đem lại thu nhập ổn định cho các xã viên".
Phát triển hiệu quả và bền vững
Những sản phẩm được thị trường chú ý
Nhiều sản phẩm OCOP 4 sao của Vĩnh Long được thị trường ưa chuộng như: Mít sấy thăng hoa 6 Ri, dưa lưới Bình Minh, bưởi Năm Roi Mỹ Hòa, trà gừng mật ong hòa tan Gingo, khoai lang sấy giòn miền Tây, trà khổ qua gừng túi lọc Modica, điểm du lịch Somo Farm Cửu Long, hủ tiếu khô Sáu Thạnh…
Bên cạnh đó, các mặt hàng OCOP 3 sao của tỉnh cũng được nhiều người tìm mua như: bánh xếp Thanh Thảo, nước mắm me Thuận Duyên, lạp xưởng Như Ý, vỏ bưởi sấy Nhật Ngọc, hột vịt muối Vĩnh Nghiệp, rau câu Vinh Quang, bánh tét ngũ sắc Cô Ba Giang…
Ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, cho biết để thương hiệu sản phẩm OCOP phát triển hiệu quả, bền vững và đáp ứng yêu cầu của thị trường hiện nay, Vĩnh Long đã đề ra nhiều giải pháp. Trong đó, tỉnh tăng cường quảng bá, giới thiệu và kết nối tiêu thụ những sản phẩm OCOP thông qua các hệ thống siêu thị trong nước, tham gia sàn thương mại điện tử, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm OCOP của người dân trên thị trường.
Bên cạnh đó, để nhanh chóng đưa các sản phẩm nông nghiệp trở thành một loại hình hàng hóa thế mạnh của tỉnh, góp phần phát triển du lịch nông nghiệp, tỉnh đã có chủ trương, chính sách tập trung khuyến khích và hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP, bao gồm các chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất - kinh doanh, năng lực quản trị, xây dựng thương hiệu, hỗ trợ tiếp cận thị trường và xúc tiến thương mại. Việc tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm OCOP được lồng ghép với chương trình khuyến công, chương trình phát triển công nghiệp nông thôn, phát triển tiểu thủ công nghiệp và làng nghề, chương trình xúc tiến thương mại.
Ngoài ra, tỉnh tiếp tục tập trung phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị dựa trên thế mạnh về nguyên liệu, văn hóa như: các sản phẩm làng nghề, sản phẩm tiềm năng gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, giá trị văn hóa địa phương, để sản phẩm OCOP sớm trở thành sản phẩm hàng hóa đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh và hướng tới xuất khẩu.
Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát thực hiện chương trình OCOP, góp phần lan tỏa thương hiệu riêng cho sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương.
Bình luận (0)