xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ôm rơm nặng hay rặm bụng?

Lê Minh Quốc

Vấn đề đặt ra ở đây, tại sao phải ôm rơm cho nặng/ rậm/ rặm bụng?

Có nhiều câu thành ngữ, tục ngữ do truyền miệng từ bao đời, dần dần về sau, có thể một số từ trong đó đã phai nghĩa theo năm tháng, người ta "cập nhật" bằng cách thay từ khác cho dễ hiểu hơn; từ đó, không những dẫn tới dị bản mà còn làm sai lệch ý nghĩa. Thí dụ: "Ôm rơm nặng bụng". Vậy từ gốc có phải "nặng bụng/ rậm bụng" hay "rặm bụng"? Muốn trả lời đúng, cách tốt nhất vẫn là khảo sát từng từ trong câu này.

Về từ "ôm", thiết nghĩ trên đời này, bất kỳ ai dù trẻ già, lớn bé cũng đều từng thể hiện động tác dành cho người khác hoặc vật dụng nào đó bằng cách quàng hai tay qua giữ sát vào lòng, tùy tâm trạng, tình cảm có thể "ôm chầm", "ôm ấp" thể hiện thêm tình cảm tha thiết, thân mật, thân thương. Dù cũng ôm nhưng rất mất tư cách nếu "Ôm chân liếm gót", "Ôm chân núp bóng" - không hẵn cụ thể là ôm mà thể hiện sự luồn cúi, luồn lách, bợ đỡ miễn có lợi cho mình.

Ôm rơm nặng hay rặm bụng?- Ảnh 1.

Ôm rơm nặng hay rặm bụng? (Ảnh minh hoạ từ Internet)

Tất nhiên ôm còn "ôm đồm" thêm nghĩa khác, thí dụ, ai đó nhận xét: "Ngay từ bé, anh X đã ôm mộng văn chương" là ấp ủ, nuôi dưỡng trong lòng ước mơ đó; thế nhưng cũng là ôm như: "Một mình thủ phận một mình/ Một ôm củi quế, một chình gạo châu" thì ôm lại là một mớ vừa hai tay ôm lấy. Câu này, ta gặp từ "chình" nhưng phải hiểu là "chĩnh" một vật tương tự cái hũ nhưng bụng rộng và miệng to hơn như ta gặp trong câu "Chuột sa chĩnh gạo"…

Vấn đề đặt ra ở đây, tại sao phải ôm rơm cho nặng/ rậm/ rặm bụng? Có phải thứ quý báu, quý giá gì cho cam, thậm chí có lúc chỉ là thứ "ngang cơ" với rác, vì thế khi nói "rơm rác" là hiểu nghĩa bóng: "Vật người ta khinh thường, rẻ rúng" - theo "Việt Nam tự điển" (1931). Ấy vậy, thật tréo ngoe cho cái sự đời: "Trên đầu những rác cùng rơm/ Chồng yêu, chồng bảo hoa thơm rắc đầu". Do yêu thương nồng nàn tình cảm nên anh chồng này có bảo thế hoặc hơn cả thế cũng không sao cả.

Chỉ đáng ngạc nhiên, lấy làm lạ khi nhìn thấy ai kia lại "ôm rơm". Ta hình dung ra hình ảnh ai đó ôm mớ rơm vừa một ôm, như người ta thường nói "một ôm rơm", "một ôm lúa"... Như vậy là ôm vừa đủ sức mình, chỉ một ôm rơm, dù rơm có ích nhưng không đáng giá gì bởi quá ít ỏi, đã thế lại còn dẫn đến tình trạng liên quan đến cái bụng của mình nữa.

Cái bụng lúc ấy thế nào?

Như đã biết về tính chất của rơm thì rõ ràng từ "nặng" không có cửa xuất hiện. Do nó nhẹ hều nên mới có câu ví von "Quyền rơm vạ đá" - ý nói quyền hành, quyền lực thì nhẹ (ít) chẳng đáng là bao nhưng gặp chuyện lại phải gánh chịu vạ/ tai vạ nặng (nhiều) như người ta thường bảo "Nặng như đeo đá". Hoặc "Quan tiền nặng, quan tiền chìm/ Bồ nhìn nhẹ, bồ nhìn nổi" - bồ nhìn/ bù nhìn cũng bện bằng rơm đó thôi.

Khi nói "nặng bụng" là hiểu theo hai nghĩa: 1. Cái bụng ì ạch do thức ăn trong bao tử không tiêu; 2. Phiền lòng, không như ý. Chẳng một ai ăn rơm, vì thế không thể áp dụng theo nghĩa 1. Vậy hiểu theo nghĩa thứ 2 chăng? Không, ở nghĩa bóng này rơm được hiểu là ôm lấy công việc, chuyện gì đó nhưng lại là chỉ ở mức độ nhẹ (do từ rơm xuất hiện) thì không thể "nặng bụng", "nặng đầu", "nặng lòng" phải lắm ưu tư, nhiều suy nghĩ lo lắng...

Vậy, ta chọn rậm/ rậm bụng. Rậm là dày, khít, um tùm. Nếu như thế, từ "rậm bụng" vô nghĩa, chỉ có thể "Rậm người hơn rậm cỏ", "Rậm râu, sâu mắt", cái bụng ấy không thể rậm theo nghĩa vừa nêu. Một khi đã loại trừ "nặng" và "rậm" ta chỉ còn duy nhất "ứng cử viên" sáng giá nhất: rặm. "Rặm: Ngứa, xót, chói như có cái gì châm vào" - "Việt Nam tự điển" (1931) giải thích. Như vậy nghĩa bóng của câu "Ôm rơm rặm bụng" hiểu theo nghĩa bóng là ôm lấy cái chuyện bá vơ vặt vãnh không đâu, chỉ tổ gây ra phiền phức khó chịu cho chính mình.

Cái hay, độc đáo của tục ngữ này chính là ở chỗ chọn từ rất đắt: "rơm", thứ không đáng giá một khi mình ôm lấy/ ôm đồm ắt dẫn đến cái sự khó chịu; do đó, "rơm" đi chung với "rặm" là hợp lẽ. Còn nếu không phải rơm/ không phải chuyện vặt vãnh thì không là rặm bụng/ ngứa bụng mà còn tệ hại hơn nữa, vì thế câu này còn đóng vai trò cảnh báo phải cẩn trọng ngay cả việc nhỏ nhất.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo