Thoạt nghe qua những câu này, ta đều thấy có lý và hiểu rằng đây chính là bắt quả tang. Tang ở đây là tang chứng làm bằng chứng để thấy sự việc đó rõ ràng ràng, rõ như ban ngày, không thể chối cãi.
Vậy, trong các từ vừa nêu trên, ta chọn lấy từ nào phù hợp có liên quan với động tác "bắt"? Hỏi như thế, bởi trong cấu trúc của câu tục ngữ thường có hai vế "đối xứng" về từ, ở đây đã xuất hiện từ "bắt" thì từ được chọn kế tiếp phải là từ gì? Là "vay" hay "day"?

Tiếng Việt giàu đẹp: Vay hay day? (Ảnh minh họa từ Internet)
Trước hết, ta hãy khảo sát từ "bắt" trong lời ăn tiếng nói của người Việt: Bắt chạch đằng đuôi, Bắt cóc bỏ đĩa, Bắt lợn tóm giò, Bắt bò tóm mũi… Ta thấy muốn bắt trong những ngữ cảnh là phải dùng tay nắm chặt lấy; tất nhiên, bắt còn có nhiều nghĩa khác, thí dụ, dù cũng là bắt như bắt nọn, bắt thóp thì không dùng tay mà dùng trí khôn phán đoán, suy xét: "Cứ làm như biết hết mọi chuyện giấu kín của người khác, khiến họ chột dạ mà thú nhận" ("Đại từ điển tiếng Việt", 1999).
Thế nhưng khi "bắt tận tay/ bắt được tay" ắt phải dùng tay của mình để bắt lấy tay kẻ kia, cần nắm lại, giữ chặt lại. Sự việc này cho thấy bàn tay kia vừa làm cái gì đó thì bàn tay này đã chộp giữ lại ngay, như thế, giữa người gian và kẻ ngay chạm mặt, đối mặt nhau, hết đường chối cãi.
Còn với "cánh" thì sao? Người Việt không dùng từ "bắt", lại dùng từ khác cùng nghĩa. Thí dụ "vay/ vay được cánh" chăng? Vay là mượn như "Vay đấu trả bồ", "Vay nên nợ, đợ nên ơn", là mướn như "Thương vay, khóc mướn"... Nhưng nói "Có vay có trả", ta lại hiểu nghĩa rộng hơn là có ăn có trả, có làm có chịu.
Trong "Truyện Kiều", ta gặp những câu như "Bụi nào cho đục được mình ấy vay", "Hồng nhan bạc mệnh một người nào vay"; hoặc trong "Quốc âm thi tập" của Nguyễn Trãi: "Tuổi đã năm mươi đầu đã bạc/ Ấy còn bìu rịn lấy chi vay"… Nếu xét theo nghĩa vừa giải thích ắt mấy câu thơ này trở nên vô nghĩa. Vay ở đây là từ dùng cuối câu nhằm chỉ sự hoài nghi, than tiếc. Khi ai đó nói: "Việc này vậy vay?" ta hiểu là vậy sao, có phải như vậy chăng?
Vậy với câu "vay được cánh" khi đi chung với ngữ cảnh "bắt được tay" là điều không thể, mà chính xác phải là "day". Day là gì? Day là quay, xoay, trở qua - tùy trường hợp cụ thể nhưng cũng không thể áp dụng cho "day được cánh/ day được trán/ day tận tóc", bởi lẽ, ở đây day được hiểu là động tác: "Dùng tay hoặc chân hay các ngón để đè mạnh và đưa đi đưa lại ở một chỗ" ("Đại từ điển tiếng Việt", 1999).
Như vậy, trước một sự việc bị bắt quả tang thì tay đã chạm, đã nắm, đã miết vào sự vật ấy. Rõ ràng "vay/ vay được cánh" không thể xuất hiện mà phải là day. Chúng ta có thể kiểm chứng lại từ "Kho tàng tục ngữ người Việt" (NXB Văn hóa Thông tin, 2002) của Viện Văn hóa Dân gian do Nguyễn Xuân Kính chủ biên.
Bình luận (0)