hông tin từ các nhà bán lẻ cho biết khoảng 7-8 năm trước được xem là giai đoạn thành công của điện thoại di động (ĐTDĐ) Việt với hàng loạt thương hiệu như Mobiistar, QMobile, Masstel, Hkphone, Bavapen… Tuy nhiên, chỉ vài năm sau đó, không ít thương hiệu âm thầm rời khỏi thị trường. Hiện chỉ còn vài thương hiệu trong nước đang nỗ lực cạnh tranh với hàng loạt thương hiệu mạnh của nước ngoài.
Một thời được người tiêu dùng biết đến nhưng Mobiistar cũng đã âm thầm rời khỏi cuộc chơi từ năm ngoái và hiện chỉ còn vài mẫu ĐTDĐ đơn giản trên thị trường. Xuất hiện trên thị trường từ năm 2009, có những lúc Mobiistar lọt vào tốp 5 thương hiệu smartphone (điện thoại thông minh) lớn nhất tại Việt Nam, với thị phần gần 10%. Đến giữa năm 2018, Mobiistar mở rộng thị trường sang Ấn Độ, trở thành hãng điện thoại thương hiệu Việt đầu tiên chính thức kinh doanh ở nước ngoài với quy mô khá lớn. Tuy nhiên, một năm sau, Mobiistar phải rút khỏi thị trường này.
Ngoài Mobiistar, trên thị trường ĐTDĐ còn có Asanzo, QMobile từng gây được sự chú ý của khách hàng những năm trước nhưng cũng dần thu hẹp kinh doanh mặt hàng này. Cách nay vài năm, sản phẩm QMobile cũng đã không còn hiện diện trên thị trường. Gần đây, thương hiệu Masstel cũng chỉ tập trung vào các mẫu điện thoại cơ bản phím bấm với giá vài trăm ngàn đồng/máy. Đình đám phải kể đến Bkav với tham vọng smartphone thương hiệu Việt - Bphone, do người Việt tự nghiên cứu, sản xuất và phát triển. Khi mới xuất hiện, Bphone tạo thế bằng hàng loạt chương trình quảng bá về công nghệ. Tuy nhiên, do nhắm đến phân khúc cao cấp, dòng điện thoại này có mức giá khá cao, không phù hợp số đông người tiêu dùng nên lượng tiêu thụ không như kỳ vọng. Theo thông tin từ thị trường, hãng này chuẩn bị ra mắt Bphone 4 với camera điện toán để tìm sự khác biệt, hy vọng lôi kéo được người tiêu dùng.
Vsmart được bày bán tại nhiều hệ thống bán lẻ lớn
Nhân viên phụ trách kinh doanh của một thương hiệu ĐTDĐ Việt giải thích thị trường ĐTDĐ cạnh tranh quá khủng khiếp, đua nhau giảm giá mạnh. Thương hiệu Việt yếu thế là do bị hàng Trung Quốc giá rẻ tràn sang, chủ yếu là hàng tồn. Họ sản xuất với số lượng lớn, bán ở nhiều thị trường trên thế giới và đã thu được lợi nhuận. Do nguồn hàng quá lớn nên lúc nào cũng có lượng hàng tồn ở các thị trường, phải tìm nơi tiêu thụ trước khi tung ra sản phẩm mới và Việt Nam là thị trường hợp lý cho chiến lược này. Họ đưa hàng tồn sang Việt Nam bán với giá không cần lợi nhuận, thậm chí lỗ 30%-40% cũng bán.
Trước làn sóng điện thoại của Trung Quốc, ngay cả "ông lớn" như Samsung cũng phải đưa ra sản phẩm cho nhiều phân khúc, thấp thì chỉ khoảng 1,5 triệu đồng/smartphone, để cạnh tranh với hàng giá rẻ trên thị trường. Ông Nguyễn Đạt, quản lý hệ thống cửa hàng Di động Việt, nhìn nhận điện thoại thương hiệu Việt khó cạnh tranh trên thị trường, bởi không chỉ phải đối đầu với hàng Trung Quốc giá rẻ mà còn cạnh tranh với nhiều thương hiệu mạnh đã chinh phục được khách hàng.
Đại diện các hệ thống bán lẻ lớn như Thế Giới Di Động, FPT Shop đều hy vọng Vinsmart sẽ có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Hãng ĐTDĐ này ra mắt 4 smartphone đầu tiên vào tháng 12-2018 với thương hiệu Vsmart, hợp tác với công ty của Tây Ban Nha, tham vọng giành 30% thị phần trong năm 2020. Họ liên tục đưa ra sản phẩm mới, chương trình khuyến mãi, như cuối năm ngoái giảm giá mẫu Vsmart Live tới 50% để chiếm thị phần.
Đại diện các hệ thống phân phối ĐTDĐ đều xác nhận thương hiệu Việt đúng nghĩa hiện chỉ có Vinsmart và đang mở rộng dần thị phần. Theo đại diện Thế Giới Di Động, trong tháng 2 vừa qua, trong phân khúc smartphone dưới 4 triệu đồng bán ra, nhóm Vsmart chiếm vị trí thứ 3 trong hệ thống Thế Giới Di Động nhờ giá bán khá hấp dẫn. Chẳng hạn, điện thoại Vsmart Ram 6GB có giá dưới 4 triệu đồng, trong khi hàng Trung Quốc cùng cấu hình có giá đến 5 triệu đồng.
Chỉ trong 2 tháng qua, Vinsmart liên tục tung sản phẩm mới ra thị trường. Ngày 3-1, hãng này giới thiệu mẫu mới Vsmart Active 3 với giá bán hơn 4 triệu đồng. Ngày 10-2, tung ra tiếp sản phẩm Vsmart Joy 3, giá bán chỉ hơn 2 triệu đồng với cấu hình mạnh hơn sản phẩm cùng giá của các hãng khác. Đại diện Vinsmart cho biết chỉ 14 giờ ra mắt, Vsmart Joy 3 đã bán được gần 12.000 máy. Có thể nói, đây là kỷ lục mà chưa smartphone Việt nào đạt được từ trước đến nay.
Mới đây, Viettel công bố sẽ cung cấp ra thị trường smartphone giá hấp dẫn chỉ 1,5 triệu đồng. Viettel và Vingroup cũng đã công bố hợp tác để cùng xây dựng hệ sinh thái sản phẩm. Theo đó, nhà mạng lớn này đưa sản phẩm Vsmart vào các điểm giao dịch viễn thông, cửa hàng bán lẻ, bưu cục chuyển phát nhanh. Hai đối tác này bắt tay nhau sẽ có cơ hội lớn để phát triển smartphone Việt giá rẻ, đủ sức cạnh tranh sòng phẳng với hàng Trung Quốc.
Thị trường vẫn hấp dẫn
Theo số liệu từ GFK, trung bình trong cả năm 2019, smartphone có giá dưới 3 triệu đồng chiếm 20,4% thị phần, tương ứng 2,99 triệu máy hoặc trung bình 8.200 sản phẩm được bán ra mỗi ngày. Còn trung bình hằng tháng, tổng số smartphone bán ra ở thị trường Việt Nam vào khoảng 1,2 triệu máy, tức khoảng 40.000 máy/ngày. Theo giới kinh doanh, đây là thị trường hết sức hấp dẫn đối với các nhà sản xuất ĐTDĐ.
Bình luận (0)