Chiếm khoảng 80% thị phần xe máy tại thị trường nội địa nên việc Honda bị "làm giá" khiến người tiêu dùng bức xúc.
Hãng tăng một, đại lý tăng mười
Đầu tháng 4 vừa qua, hãng xe Honda chính thức điều chỉnh giá bán xe máy các loại tăng đáng kể. Theo đó, các mẫu xe SH tăng 2-3,7 triệu đồng/xe, các mẫu khác tăng từ vài trăm ngàn đồng đến hơn 1 triệu đồng/xe. Tuy nhiên, mức tăng giá được các đại lý đưa ra còn cao hơn nhiều lần, thậm chí có mẫu bán ra chênh lệch hàng chục triệu đồng so với giá đề xuất của hãng.
Cụ thể, xe SH 350i bản thể thao hiện có giá lên đến 167 triệu đồng/chiếc, cao hơn giá đề xuất gần 17 triệu đồng; bản đặc biệt có giá gần 158 triệu đồng/chiếc, chênh lệch gần 8 triệu đồng so với giá được hãng đưa ra. Xe SH 125i bản cao cấp và bản tiêu chuẩn có giá bán lẻ lần lượt gần 94 triệu đồng/chiếc và hơn 82 triệu đồng/chiếc, cao hơn giá đề xuất lần lượt 14 triệu đồng/chiếc và 9 triệu đồng/chiếc. SH 150i có giá 102-126 triệu đồng/chiếc, tùy bản; cao hơn giá đề xuất 12-25 triệu đồng/chiếc. Trong khi đó, SH Mode có giá bán lẻ trên thị trường là 72-85 triệu đồng/chiếc, cao hơn giá đề xuất 17-22 triệu đồng/chiếc, tùy bản.
Xe máy Honda tăng giá bất hợp lý khiến người tiêu dùng phải cân nhắc kỹ trước khi móc hầu bao
Ở phân khúc thấp hơn, dòng xe Lead có giá bán lẻ 47-54 triệu đồng/chiếc, chênh lệch 8-11 triệu đồng/chiếc, tùy bản. Xe Air Blade 125cc được bán ra thị trường với giá 46-49 triệu đồng/chiếc, cao hơn giá từ hãng khoảng 3-5 triệu đồng/chiếc; Air Blade 160cc có giá 61-63 triệu đồng/chiếc, chênh lệch 5-6 triệu đồng/chiếc so với giá của hãng. Đáng chú ý, mẫu xe Vision bán lẻ khoảng 44-53 triệu đồng/chiếc, cao hơn giá đề xuất đến 13-17 triệu đồng/chiếc.
Không riêng xe tay ga, các mẫu xe số của hãng này cũng tăng giá đáng kể. Chẳng hạn, mẫu Blade có giá bán lẻ 22-24 triệu đồng/chiếc, cao hơn giá đề xuất 4 triệu đồng/chiếc; Wave RSX giá 20-25 triệu đồng/chiếc, cao hơn giá đề xuất từ 1-1,5 triệu đồng/chiếc; Wave Alpha giá 20 triệu đồng/chiếc, cao hơn giá chính hãng khoảng 2 triệu đồng/chiếc...
Có bất thường?
Giới kinh doanh xe máy cho rằng động thái đồng loạt tăng giá mạnh nhiều mẫu xe Honda là không bình thường.
Ông Bùi Hoàng Châu, quản lý kinh doanh cửa hàng xe máy Minh Phát (TP HCM), cho hay thông thường, mức chênh lệch giữa giá bán của đại lý và giá đề xuất của hãng chỉ khoảng vài triệu đồng. Gần đây, mức chênh lệch được đẩy lên đến hàng chục triệu đồng, thậm chí có mẫu trước đây được bán dưới giá đề xuất mà nay bán ở mức cao hơn giá đề xuất đến 6 triệu đồng/chiếc, là khá bất thường.
Một số đại lý giải thích việc tăng giá xe máy của Honda là bởi thiếu nguồn cung từ hãng. Trong đó, những mẫu thiếu hụt nhiều nhất là: Vision, SH Mode, Lead... Với một số mẫu như Vision, SH Mode, Lead, SH 125/150/350i..., nhiều đại lý chỉ còn một vài chiếc hoặc không đủ màu. Hiện chỉ duy nhất mẫu xe số giá rẻ Wave Alpha còn đầy đủ màu cho khách chọn. "Khách muốn mua xe tay ga, nhất là mẫu Vision, phải đợi đến tháng 7 mới hy vọng được nhận xe" - đại diện một đại lý Honda tại TP HCM thông tin.
Về phía hãng xe, lãnh đạo Honda Việt Nam cho hay sau giai đoạn dịch Covid-19 căng thẳng, nhu cầu mua sắm xe máy tăng vọt khiến hãng không thể đáp ứng kịp thời trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn. "Trước thực trạng này, Honda Việt Nam hạn chế cung cấp một số mẫu xe tay ga sản xuất nội địa bên cạnh việc cố gắng thực hiện nhiều biện pháp khắc phục khó khăn, đáp ứng nhu cầu thị trường" - đại diện Honda Việt Nam phân trần.
Giải thích thêm về việc đại lý đưa ra giá bán lẻ quá cao so với giá đề xuất của hãng, đại diện Honda Việt Nam cho hay hãng và đại lý là 2 pháp nhân độc lập nên không thể can thiệp! "Honda Việt Nam chỉ công bố giá đề xuất, còn giá bán thực tế bao nhiêu là do đại lý quyết định" - vị đại diện Honda nói thêm.
Giá quá cao, có thể tẩy chay
Lý giải của đại lý và của hãng xung quanh việc xe máy Honda tăng giá bất thường gây không ít tranh cãi. Theo giới chuyên môn, Honda đã từng tuyên bố các mẫu xe máy của hãng này sản xuất tại Việt Nam đã được nội địa hóa khoảng 99%. Như thế, ngay cả khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy thì cũng không gây ảnh hưởng quá lớn đến dây chuyền sản xuất ở Việt Nam. "Các đơn vị cung ứng linh kiện sản xuất trong nước đều ít nhiều có nguồn dự trữ nhất định. Do đó, Honda Việt Nam đưa ra lý do chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy làm ảnh hưởng đến sản xuất và nguồn cung cho thị trường Việt Nam là khó thuyết phục người tiêu dùng" - một chuyên gia nhận định.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Thương mại Luật gia Việt Nam, cho biết mặt hàng xe máy không nằm trong diện hàng hóa thiết yếu cần bình ổn giá và có sự giám sát, quản lý của nhà nước. Như vậy, giao dịch trên thị trường xe máy là thuận mua vừa bán. "Nếu khách hàng không chấp nhận mức giá của hãng xe này thì nên chọn hãng khác hoặc tẩy chay và lựa chọn sản phẩm khác" - luật sư Hậu gợi ý.
Theo vị luật sư, chỉ trường hợp đại lý bán giá cao nhưng xuất hóa đơn giá thấp thì mới vi phạm pháp luật về thuế. Ông lưu ý các đại lý bán giá nào thì phải xuất hóa đơn đúng giá đó, nếu không sẽ bị phạt hành chính hoặc xử lý hình sự tùy mức độ vi phạm.
Nhiều hãng xe máy không tăng giá
Theo thống kê từ giới kinh doanh xe, thị phần xe máy của Honda chiếm gần như tuyệt đối trên thị trường với khoảng 80%; còn lại 20% chia đều cho 4 hãng Yamaha, Suzuki, Piaggio và SYM. Với thị phần khiêm tốn, giá xe bán ra của cả 4 hãng trên đều ổn định, các đại lý bán đúng giá đề xuất của nhà sản xuất.
Các hãng xe thừa nhận chuỗi cung ứng linh kiện bị đứt gãy thời gian qua đã ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất, lắp ráp xe máy. Tuy nhiên, chỉ một số mẫu "hot" có tình trạng thiếu hụt cục bộ hoặc một số phiên bản không cung cấp được hàng kịp thời. Về giá linh kiện đầu vào, 4 hãng Yamaha, Suzuki, SYM và Piaggio cũng xác nhận có tăng nhưng chưa tác động quá lớn đến giá thành sản xuất nên các hãng chưa có kế hoạch tăng giá sản phẩm vào lúc này.
Bình luận (0)